Tin tức

Hiệp định CPTPP: 4 lợi thế cho ngành thực phẩm

21/11/2022    94

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh những tác động của Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau 3 năm thực thi.

Thưa bà, Hiệp định CPTPP đã tác động tới ngành lương thực - thực phẩm, như thế nào sau 3 năm chính thức thực thi?

Việc ký kết CPTPP đang mang tới 4 lợi thế cho doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam. Đầu tiên, hiệp định đã mở ra thị trường khá lớn cho hàng hóa nông - thủy sản, thực phẩm chế biến, bởi quy mô kinh tế của nhiều nền kinh tế trong CPTPP tương đối lớn. Từ đó, tạo ra nhiều thuận lợi giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa và lựa chọn thị trường xuất khẩu phù hợp với lợi thế của chính mình.

Thứ hai, CPTPP đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới. Bởi lẽ là một nền kinh tế mở với quy mô xuất nhập khẩu cao, việc thực thi CPTPP với các thị trường lớn cùng với lộ trình giảm thuế xuất khẩu xuống còn 0 - 5% đã và đang giúp các doanh nghiệp từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm.

Thứ ba, quá trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và CPTPP đang giúp Việt Nam trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn về đầu tư. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với giá trị lớn hơn, có được kinh nghiệm quản lý điều hành và nhận chuyển giao công nghệ hiện đại từ các tập đoàn lớn nước ngoài.

Thứ tư, doanh nghiệp đang ngày càng thuận lợi hơn trong tiếp cận, xây dựng pháp luật, thực thi chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Bên cạnh việc tận dụng cơ hội Hiệp định CPTPP mang lại về ưu đãi thuế, còn tạo áp lực thúc đẩy cải cách thể chế để mở rộng thị trường, hội nhập.

Bên cạnh thuận lợi, trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp thực phẩm phải đối mặt với thách thức nào, thưa bà?

Cùng với thuận lợi, doanh nghiệp thực phẩm cũng phải đối mặt với một số thách thức như: Quy tắc xuất xứ của CPTPP phức tạp hơn so với các FTA mà Việt Nam đã tham gia. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có quá trình sản xuất, mua nguyên liệu, canh tác… theo tiêu chuẩn; tập hợp các hồ sơ chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, chỉ dẫn hàng hóa, C/O...

Ngoài ra, việc xóa bỏ hàng rào thuế quan sẽ khiến áp lực cạnh tranh giữa các nước thành viên gia tăng, buộc các nước thành viên nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng phải chuyển đổi, cơ cấu lại phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo bà, trong thời gian tới, doanh nghiệp thực phẩm cần có những giải pháp tiếp cận như thế nào?

Một trong những yếu tố quan trọng là doanh nghiệp cần tăng tính chủ động trong tìm hiểu cơ hội, cam kết trong CPTPP để đáp ứng tốt nhất quy định về quy tắc xuất xứ. Khi các doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng quốc gia đó. Ví dụ, để vào thị trường Nhật Bản, ngoài việc đáp ứng chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn kỹ thuật, doanh nghiệp cần ghi rõ trên bao bì của sản phẩm các thông tin về thành phần dinh dưỡng, cách chế biến, bảo quản, hạn sử dụng.

Đặc biệt, để tăng tính cạnh tranh cho thực phẩm chế biến, doanh nghiệp cần cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới, áp dụng thay đổi công nghệ chế biến, bảo quản…, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng nghiêm ngặt mà Hiệp định CPTPP đề ra. Tập trung chú trọng liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp để thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và xuất khẩu, tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn: Báo Công Thương