Tin tức

ASEAN đang hưởng lợi từ cuộc đua đầu tư và thương mại

16/11/2022    80

Theo Financial Times, ASEAN đang được hưởng lợi từ việc gia tăng dòng vốn đầu tư trong một kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực trên toàn cầu.
3 sự kiện quốc tế lớn sắp diễn ra ở Đông Nam Á: Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia, Hội nghị cấp cao ASEAN ở Campuchia và Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Thái Lan đang thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo trên thế giới, từ Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo Financial Times, Đông Nam Á là đối tác ngoại giao và kinh doanh mà mọi người đều cần. Khu vực này không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn cung mà còn là nơi các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội tăng trưởng khi các rào cản từ thuế quan đến hạn chế đầu tư đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Mỹ và Trung Quốc.

Hiệp hội gồm 10 quốc gia thành viên này hiện có tổng 680 triệu người, chiếm 3,4% GDP toàn cầu và 7,7% thị phần xuất khẩu toàn cầu. Trong đó, 6 nền kinh tế lớn nhất của ASEAN là Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia và Việt Nam đã không còn mong manh trước những cú sốc như cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, đồng USD cao hơn và nhu cầu suy yếu của Trung Quốc. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, họ vẫn chứng kiến tăng trưởng kinh tế cao hơn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh.

Singapore đang dẫn đầu về lĩnh vực tài chính và công nghệ cao, trong khi Việt Nam và Malaysia đang thu hút nhiều vốn FDI vào sản xuất. Indonesia cũng đang nhận được các khoản đầu tư kỷ lục vào lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là niken.

Ngoài lĩnh vực đầu tư xanh, Financial Times cũng cho rằng, các nước Đông Nam Á đang là khu vực tiếp nhận nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập nhất châu Á trong nửa đầu năm nay, nhận 56% tổng dòng vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng giao dịch trong nước ở Indonesia đã lớn gấp 2 lần Trung Quốc nội địa. Điều thú vị là không chỉ phương Tây rót thêm vốn vào ASEAN mà ngay cả Trung Quốc cũng rót vốn nhiều vào khu vực này, trong khi giảm các thương vụ mua bán sáp nhập ở các nơi khác.

ASEAN cũng nhận được sự hỗ trợ về địa chính trị để mở rộng khả năng tiếp cận thị trường. Việc Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU năm 2019 đã giúp Việt Nam không chỉ thu hút doanh nghiệp châu Âu mà còn cả doanh nghiệp Trung Quốc muốn tiếp cận thị trường này để được giảm thuế. Singapore cũng đã ký FTA với EU và các hiệp định khác. Không chỉ EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc cũng đang tăng cường tiếp xúc với ASEAN.

Nói như vậy không có nghĩa là bản thân ASEAN không có những rủi ro cho nhà đầu tư, từ bất ổn chính trị nội bộ ở Thái Lan và Malaysia đến đợt phong tỏa do dịch Covid-19 hồi quý III năm ngoái làm rung chuyển chuỗi cung ứng giày dép, điện tử và chất bán dẫn trên toàn cầu. Song khả năng phục hồi của khu vực đang được cải thiện. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và những bất ổn thị trường trước việc Mỹ tăng lãi suất vào năm 2013 đã dạy cho các nước ASEAN phải tăng cường khả năng phòng thủ. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các dòng danh mục đầu tư đã giảm đáng kể, đặc biệt ở Indonesia. Nước này được coi là nền kinh tế phục hồi nhất ở châu Á - Thái Bình Dương khi đồng tiền và thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt nhất trong năm nay.

Việt Nam cũng đang kiềm chế tình trạng sốt nóng của thị trường bất động sản. Mặc dù điều này có thể khiến ngành này suy thoái, song Financial Times cho rằng sẽ giúp nền kinh tế phát triển bền vững hơn. Thái Lan cũng đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào du lịch.

Financial Times cũng cho rằng nhiều nền kinh tế lớn ở ASEAN hiện đang được dẫn dắt bởi các nhà kỹ trị có năng lực hơn trong các bộ tài chính và ngân hàng trung ương, giúp khu vực này vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay tốt hơn so với các thị trường mới nổi khác. Tuy nhiên, tờ báo này cho rằng dư chấn của lãi suất cao, nhu cầu toàn cầu suy yếu và cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ khiến tốc độ tăng trưởng năm sau giảm so với năm nay.

Nhưng ngay cả suy thoái theo chu kỳ dự kiến trong năm 2023, Financial Times cho rằng, Đông Nam Á vẫn sẽ được hưởng lợi trong cuộc đua địa chính trị về đầu tư và thương mại.

Nguồn: Báo điện tử VTV