Tin tức

Hiệp định EVFTA: Cơ hội cho doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống tiếp cận thị trường EU

14/11/2022    326

Hiệp định EVFTA đang mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường EU, trong đó có các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống.

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, được ký kết ngày 30/6/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/8/2020.

Sau hơn 2 năm thực thi, tính riêng 8/2022, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - EU đạt 42,4 tỷ USD, tăng 14,85% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường trong khối Liên minh châu Âu (EU) hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng tốt.

“Tuy nhiên, nếu xét về thị phần hàng Việt Nam ở châu Âu vẫn còn rất khiêm tốn, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ khoảng 40 tỷ USD, chiếm chưa đến 2% tổng nhu cầu nhập khẩu của EU. Do đó, cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường này vẫn rất lớn” – bà Trần Thị Thanh Tâm thông tin.

Trong đó, với các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống, cơ hội để tận dụng Hiệp định EVFTA đang rất rộng mở. Đó là nhờ vào lộ trình cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan để thúc đẩy sản lượng xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Việt Nam sang châu Âu. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn được miễn kiểm tra cơ sở sản xuất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình được công nhận về sản phẩm thực phẩm và đồ uống đạt tiêu chuẩn về các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) của Liên minh châu Âu.

Hơn nữa, Hiệp định EVFTA còn có các cam kết của EU trong việc hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam tuân thủ các biện pháp về vệ sinh dịch tễ, tạo thành cơ hội được hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế trong công nghệ sản xuất, bảo quản và đang gặp khó khăn trong vấn đề đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn vệ sinh dịch tễ của EU.

Ngoài ra, tại EVFTA, cam kết mới về quy tắc xuất xứ cởi mở hơn về hàng hóa xuất xứ không thuần túy và quy tắc cộng gộp xuất xứ nguyên liệu phần nàô giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp chế biến sản xuất nhằm xuất khẩu của Việt Nam sang EU, tạo cơ hội để có nhiều hơn thực phẩm đồ uống Việt Nam có thể được cấp chứng nhận xuất xứ và hưởng ưu đãi theo EVFTA.

Theo Luật sư Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng Luật sư IDVN, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), ngành thực phẩm và đồ uống của Việt Nam có khá nhiều lợi thế, do có nguồn nguyên liệu nguồn gốc từ nông sản trong nước phong phú, khối lượng lớn, giá rẻ. Bên cạnh đó, lao động giá rẻ cũng góp phần giúp các doanh nghiệp có chi phí sản xuất thấp, tăng cơ hội cạnh tranh về giá trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam vẫn có hạn chế là quy mô nhỏ hẹp, nguồn vốn hạn chế. Hệ thống cung cấp nguyên liệu trong nước thủ công và thô sơ, nhiều khâu phân tán dẫn tới khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ và kiểm soát chất lượng. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu mặt hàng thô, chưa được tinh chế sâu. Sản phẩm chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu nên giá trị thấp, chưa được người tiêu dùng nước ngoài nhận biết.

Đặc biệt, theo Luật sư Đinh Ánh Tuyết, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa chú trọng tìm hiểu về những cam kết trong các FTA, cũng như cập nhật những tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu vệ sinh thực phẩm của nước thành viên nhập khẩu.

Bên cạnh đó, thách thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khi xuất khẩu sang EU là những hạn chế khi áp dụng các tiêu chuẩn lao động. Mặc dù EVFTA chỉ dừng ở cam kết “lỏng”, nhưng Luật sư Đinh Ánh Tuyết cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp đồ uống nói riêng cần lên kế hoạch dài hạn để cải thiện dần tiêu chuẩn lao động, sẵn sàng đáp ứng tốt nhất cho những yêu cầu khắt khe và cụ thể hơn của EU trong tương lai.

Từ những cơ hội và hạn chế trên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thâm nhập sâu và khai thác tốt hơn cơ hội từ thị trường EU, bên cạnh chủ động nắm vững các quy tắc trong Hiệp định EVFTA, tăng cường năng lực tiếp cận thị trường thông qua các nền tảng số, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần lên kế hoạch dài hạn để sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu ngày một khắt khe về bảo vệ môi trường trong phát triển, khai thác nông nghiệp, thủy sản, chế biến, sản xuất thực phẩm và đồ uống.

Nguồn: Báo Công Thương