Tin tức

Sản phẩm chưa được dán nhãn UKCA sẽ bị Hải quan Anh từ chối

07/11/2022    56

Hàng Việt đang có nhiều ưu thế tại thị trường Vương quốc Anh, song ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh cho rằng, ưu thế cạnh tranh này không tồn tại mãi khi thời gian tới Vương quốc Anh có thể sẽ có thêm nhiều FTA khác, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ông đánh giá như thế nào sau gần 2 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA)?

Thời gian qua, XK của Việt Nam sang Vương quốc Anh tiếp tục tăng trưởng tốt. Nếu so sánh với các đối tác khác trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua và những khó khăn trở ngại về thủ tục sau Brexit (Vương quốc Anh rời khỏi EU-PV), kết quả XK của Việt Nam sang Vương quốc Anh rất đáng ngưỡng mộ. Đây là chỉ số thể hiện năng lực cạnh tranh và tính chủ động của các DN Việt Nam trong tận dụng cơ hội của thị trường nhờ Hiệp định UKVFTA được thực thi.

Một số nhóm sản phẩm có tốc độ tăng trưởng XK cao sang thị trường Vương quốc Anh như: dệt may, giày dép, hàng điện tử dân dụng, thiết bị phụ tùng… Những sản phẩm có tốc độ tăng trưởng XK cao không phải là sản phẩm mới mà là sản phẩm đã có mặt ở thị trường châu Âu nói chung, thị trường Vương quốc Anh nói riêng trước khi có Hiệp định UKVFTA. Nhờ Hiệp định UKVFTA, các DN Việt Nam đẩy mạnh XK và chiếm lĩnh được nhiều thị phần hơn. Bên cạnh đó, đáng chú ý là một sản phẩm mới đã xuất hiện ở thị trường Vương quốc Anh và đang có triển vọng tăng trưởng XK rất tốt là sản phẩm phục vụ chăm sóc sắc đẹp và sức khoẻ.

Ngoài các yếu tố thuận lợi về thuế quan, theo ông, DN Việt đã, đang và sẽ đối mặt các thách thức như thế nào khi thúc đẩy XK hàng hoá vào thị trường Vương quốc Anh?

Thời gian trước nhiều ý kiến cho rằng, DN Việt Nam XK sang Vương quốc Anh gặp khó khăn về vấn đề đáp ứng yêu cầu chất lượng, vượt qua những tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật cao của thị trường. Đó là câu chuyện cũ. Hiện nay, rất nhiều DN Việt Nam có quy mô, trình độ quốc tế không kém gì các DN châu Âu. Những hàng rào kỹ thuật không phải mới, rất nhiều DN Việt Nam đã vượt qua. Tuy nhiên, với những DN vừa và nhỏ, trước đây chủ yếu kinh doanh tại thị trường trong nước, XK sang các thị trường gần, các thị trường thuộc khu vực châu Á-châu Phi hiện nay bắt đầu “bước chân” vào thị trường Vương quốc Anh sẽ thấy khó khăn.

Các DN mới XK này cần học tập kinh nghiệm của DN đi trước, có phương pháp tiếp cận phù hợp sẽ có thể vượt qua tất cả hàng rào kỹ thuật. Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng có thể tư vấn cho DN Việt, nhất là DN mới XK vào Vương quốc Anh cách thức tiếp cận thị trường, vượt qua rào cản.

Từ ngày 1/1/2023, hầu hết sản phẩm công nghiệp XK sang Vương quốc Anh đều phải dán nhãn UKCA thay vì nhãn CE như trước đây. Vấn đề này có gây khó khăn gì cho XK hàng hoá vào Vương quốc Anh không, thưa ông?

Yêu cầu về dãn nhãn UKCA thực ra đã bắt đầu từ đầu năm 2021, song từ năm 2021 đến nay, Vương quốc Anh vẫn chấp nhận đồng thời 2 loại nhãn. Tuy nhiên, đến hết ngày 31/12/2022, Vương quốc Anh sẽ không chấp nhận nhãn CE nữa. Toàn bộ sản phẩm công nghiệp đòi hỏi an toàn cho người sử dụng trước đây dùng nhãn CE phải chuyển sang nhãn UKCA. DN nào chưa biết, chưa chuyển đổi kịp, đưa hàng sang Vương quốc Anh vẫn dán nhãn CE sẽ bị Hải quan Anh từ chối. Tuy nhiên, với các DN đã tiến hành chuyển đổi thì vẫn XK bình thường.

Yêu cầu đối với nhãn UKCA về mặt kỹ thuật giống với nhãn CE. Các DN từng XK sang EU rồi sẽ hiểu CE là gì, đã áp dụng rồi sẽ đáp ứng được nhãn UKCA. Tuy nhiên, về mặt thủ tục hành chính, DN phải nghiên cứu kỹ để có thể đáp ứng được yêu cầu nhãn mác, tránh tình trạng Hải quan Anh phải hỏi lại, bắt trình giấy tờ mới. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tuyên truyền, hướng dẫn cho các DN XK hàng công nghiệp sang Vương quốc Anh phải chuẩn bị quy trình, nhãn mác mới để đáp ứng yêu cầu từ ngày 1/1/2023 tới.

Hiện nay, Chính phủ Anh đang sẵn sàng mở cửa thị trường với đối tác nước ngoài thông qua các FTA. Quốc gia này cũng đang quyết tâm gia nhập Hiệp định CPTPP. Điều đó có nghĩa là sản phẩm của Việt Nam tại Anh có nguy cơ phải đối mặt cạnh tranh với các đối thủ mạnh trong CPTPP. Ông có khuyến nghị gì cho DN XK nhằm chiếm lĩnh, củng cố thị trường tốt hơn trong thời gian tới?

Sau khi có Hiệp định UKVFTA, nhiều sản phẩm của Việt Nam có ưu thế cạnh tranh trên thị trường Vương quốc Anh, nhất là đối với sản phẩm cùng loại của những quốc gia chưa có FTA với Vương quốc Anh. Tuy nhiên, ưu thế cạnh tranh này có thể không tồn tại mãi nếu thời gian tới Vương quốc Anh có thêm nhiều FTA khác, trong đó có Hiệp định CPTPP.

Trong giai đoạn hiện nay, DN Việt Nam phải tranh thủ, tăng tốc thâm nhập thị trường, gia tăng thị phần, mở rộng bạn hàng. Khi đã có bạn hàng, thị phần vững chắc tại Vương quốc Anh, có được niềm tin của người tiêu dùng thì những thành viên đến sau, trong đó có thành viên tham gia Hiệp định CPTPP sẽ vẫn ở vị trí kém thuận lợi hơn DN Việt Nam. Thời gian tới, các cơ quan hỗ trợ xúc tiến thương mại cũng cần tăng tốc giúp DN Việt thâm nhập thị trường Vương quốc Anh nhanh chóng, mạnh mẽ hơn.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Tạp chí Hải quan Online