Tin tức

CPTPP khẳng định giá trị của thương mại đa phương

31/10/2022    51

Khó khăn kinh tế ngày càng tăng do lạm phát tăng và căng thẳng địa chính trị đang tiếp tục đặt ra những thách thức kinh tế cho các nước trên toàn thế giới trong quá trình phục hồi từ đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, những thành tựu của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau 4 năm thực thi chính là lý lẽ thuyết phục cho tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế lớn hơn.

Những năm qua đã chứng kiến các mối liên kết ngày càng tăng giữa các thành viên CPTPP. Sự phục hồi mạnh mẽ về trao đổi hàng hóa trong nội bộ CPTPP từ năm 2019 - 2021 là rõ ràng, với giá trị tăng từ 467 tỷ USD lên 535 tỷ USD. Những tác động tạo ra từ thương mại này là đặc biệt mạnh mẽ đối với các nước thành viên mà trước khi tham gia CPTPP không có các thỏa thuận thương mại với các nước thành viên bạn bè khác. Nghiên cứu cho thấy mức tăng từ 0,5% - 22,9% giá trị nhập khẩu và 0,7% - 12% giá trị xuất khẩu trong nội bộ CPTPP tương quan với việc cắt giảm 1 điểm phần trăm thuế liên quan đến CPTPP. Điều đáng chú ý là thương mại dịch vụ kỹ thuật số mở rộng. Cũng có những dấu hiệu ban đầu đầy hứa hẹn là các nền kinh tế đang được hưởng rộng rãi những lợi ích thương mại này, bao gồm các lĩnh vực, quy mô doanh nghiệp và các nhóm dân số khác nhau.

Ngoài thương mại, CPTPP còn có ảnh hưởng tích cực đối với đầu tư và đem lại khuôn khổ hữu ích cho hợp tác công nghệ giữa các nước thành viên. Mặc dù việc tạo vốn đầu tư tổng thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất đã phục hồi mạnh mẽ từ 17,6 tỷ USD năm 2020 lên 25,5 tỷ USD năm 2021. Phân tích số liệu đăng ký bằng sáng chế từ năm 2010 - 2019 cũng đã cho thấy các hoạt động nghiên cứu và phát triển xuyên biên giới giữa các nước thành viên CPTPP được kết nối phong phú, từ đó cho thấy tiềm năng lớn cho sự hợp tác trong việc nghiên cứu chung trong tương lai.

Không kém phần quan trọng, là vai trò của CPTPP với tư cách là một chuẩn mực chính sách cho các thỏa thuận thương mại. Khi các Chính phủ tìm kiếm sự cân bằng giữa tiềm năng sử dụng dữ liệu cho các mục đích công và tư với nguy cơ rò rỉ dữ liệu và tội phạm mạng, các điều khoản của CPTPP đối với các vấn đề về truyền dữ liệu nổi lên như một điểm tham chiếu quan trọng.

Những tác động tích cực và giá trị chính sách của CPTPP đã góp phần làm cho hiệp định này trở nên phổ biến. Việc thực hiện hiệp định này đã lấy được đà. Malaysia gần đây đã công bố phê chuẩn hiệp định tại cuộc họp của ủy ban CPTPP vào ngày 8/10. Kể từ năm 2018, ủy ban này cũng đã nhận được 5 đơn xin gia nhập, với nhiều nước khác bày tỏ sự quan tâm.

Ngoài tác động trực tiếp đến các hoạt động thương mại và đầu tư, CPTPP còn có vị trí tốt để hỗ trợ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Bằng việc thu hút các quốc gia xin tham gia với sự năng động về kinh tế và khuyến khích hợp tác đối với những vấn đề kỹ thuật số cụ thể, CPTPP có thể đặt nền tảng cho những thỏa thuận rộng rãi hơn và các tiêu chuẩn có thể tương tác. CPTTP có thể hoạt động như một con đường hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), như Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong đã đề cập tại cuộc họp của ủy ban CPTPP. Khi CPTPP mở rộng thành viên và thiết lập nhiều mối liên kết hơn với các nền kinh tế khu vực, nó cũng sẽ đặt nền tảng cho FTAAP vốn là mục tiêu dài hạn của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) kể từ khi ra mắt vào năm 1989.

Ngay cả ở giai đoạn ban đầu này, CPTPP rõ ràng là một công cụ đầy hứa hẹn cho thương mại và việc thiết lập tiêu chuẩn. Khi quá trình đánh giá giữa kỳ đối với hiệp định này bắt đầu, các nhà hoạch định chính sách nên nhận ra tiềm năng và nỗ lực phát triển hiệp định này hơn nữa.

Nguồn: Tạp chí Hải quan Online