Tin tức

Tranh thủ "thời gian vàng" để hút nguồn vốn FDI từ EU

31/10/2022    122

Cùng với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra cơ hội lớn để thu hút nguồn vốn FDI từ châu Âu vào Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Việt Nam vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị rơi vào bẫy gia công, lắp ráp, trở thành điểm đến của các dự án FDI chất lượng thấp do những hạn chế về nguồn lực...

Nhiều cơ hội “hiếm có khó tìm”

Theo số liệu tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án FDI của EU vào Việt Nam tập trung chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Các doanh nghiệp EU đã đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân vào Việt Nam. Trong đó, 3 lĩnh vực được quan tâm đầu tư nhiều chính là: công nghiệp chế biến chế tạo; sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản. Gần đây, các doanh nghiệp EU có xu hướng quan tâm tới các ngành dịch vụ như logistics, bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ, năng lượng sạch, công nghiệp phụ trợ, chế biến thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao…

Đánh giá về những lợi thế Việt Nam có được trong thu hút vốn FDI từ EU khi thực thi EVFTA và EVIPA, TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, giảng viên Đại học Swinburne Việt Nam cho rằng, EVFTA và EVIPA được đàm phán giữa bối cảnh quan hệ song phương ngày càng phát triển tốt đẹp, thực chất và sâu sắc, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Hai Hiệp định này được kỳ vọng trở thành cú huých đối với cả thương mại và đầu tư của Việt Nam, qua đó mở rộng cơ hội trở thành trung tâm sản xuất tại khu vực.

Cũng theo TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, Việt Nam có được 6 cơ hội lớn nhờ EVFTA và EVIPA.

Thứ nhất, những cam kết thương mại trong EVFTA sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội tăng quy mô FDI từ các quốc gia nội khối và FDI nói chung do những cam kết về cắt giảm thuế quan.

Thứ hai, EVFTA sẽ giúp tăng quy mô FDI của EU vào Việt Nam do Hiệp định này giúp cho doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường Việt Nam cũng như thị trường ASEAN rộng lớn, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ ba, việc sớm ký FTA với EU mang lại lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong việc thu hút FDI của khối 27 thành viên.

Thứ tư, về môi trường đầu tư, việc thực hiện EVFTA cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và việc thực thi EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh.

Thứ năm, EVFTA có thể góp phần chuyển dịch cơ cấu đầu tư của EU vào Việt Nam.

Thứ sáu, việc thực thi 2 hiệp định này sẽ là động lực và yêu cầu để Việt Nam cải cách thể chế và khung pháp lý, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện đầu tư thuận lợi và an toàn hơn cho các nhà đầu tư. "Có thể thấy, Việt Nam có nhiều cơ hội 'hiếm có khó tìm' trong bối cảnh thế giới đầy biến động như hiện tại", bà Mai nhấn mạnh.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Mặc dù là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, nhưng những năm qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của EU vào Việt Nam vẫn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên. Tính đến tháng 8/2022, có 25 quốc gia thuộc EU27 tham gia đầu tư vào Việt Nam, với tổng số dự án là 2.378 dự án với tổng giá trị vốn đăng ký là 27,59 tỷ USD. Điều đó có nghĩa, xét về vốn, FDI của EU vào Việt Nam chỉ chiếm khoảng chưa tới 6,41% tổng số vốn Việt Nam thu hút được. Còn xét về mặt dự án, chỉ chiếm khoảng 6,69%. Đây là một tỷ lệ rất nhỏ so với tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và EU. Đặc biệt, tính toán theo số liệu thống kê của Eurostat và Tổng cục Thống kê, tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam chỉ dao động từ 2-5% so với tổng số vốn FDI mà EU phân bổ trên thế giới.

Lý giải về nguyên nhân FDI từ châu Âu vào Việt Nam không như kỳ vọng, bà Hoàng Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Đối ngoại, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam chia sẻ, chi phí logistics thực sự là một vấn đề lớn mà Việt Nam đang đương đầu. Việt Nam đã phát triển hạ tầng rất tốt, tuy nhiên chi phí vận tải còn rất cao. Một ví dụ nhỏ nhưng rất đáng lưu tâm đó là chi phí vận chuyển hàng hóa từ TPHCM ra Hà Nội tương đương với chi phí từ Singapore về EU, thực tế này giải thích tại sao nhà đầu tư rót tiền vào Singapore hoặc một số nước ASEAN khác nhiều hơn Việt Nam là bởi vì khi đặt lên bàn cân của doanh nghiệp thì họ cũng phải tính toán đến chi phí logistics ảnh hưởng rất lớn đến chi phí kinh doanh.

Ngoài ra cũng phải thừa nhận tuy Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ, nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp châu Âu không quá quan tâm về nhân lực giá rẻ mà họ đặt sự quan tâm vào nguồn nhân lực chất lượng có kỹ năng trình độ tay nghề cao – điều mà Việt Nam chưa có.

TS. Nguyễn Thị Vũ Hà tại Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, những lợi thế mà EVFTA mang lại cho Việt Nam chỉ là ngắn hạn khi các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Indonesia cũng đang tích cực đàm phán FTA với EU, nên Việt Nam cần tranh thủ "thời gian vàng" đi trước để hút nguồn vốn FDI từ EU. Ngoài ra, việc thực thi hiệp định còn dẫn tới những áp lực và chi phí liên quan tới cải cách thế chế, chính sách, hay thậm chí làm giảm "dòng chảy" FDI vào Việt Nam nhất là trong bối cảnh FDI toàn cầu đang suy giảm và có tính chọn lọc hơn.

Bên cạnh đó, do EVFTA và EVIPA chỉ là một trong những điều kiện để thu hút nhà đầu tư EU vào Việt Nam, rủi ro từ bối cảnh mới có thể làm suy yếu tâm lý kinh doanh của các nhà đầu tư toàn cầu nói chung và các nhà đầu tư từ EU. Không chỉ thế, các FTA thế hệ mới như EVFTA và EVIPA đặt ra những thách thức lớn đòi hỏi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết có hiệu quả những tranh chấp này, đồng thời cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.

Để cải thiện và tận dụng cơ hội thu hút FDI từ EU, giải quyết những thách thức trên, VERP cho rằng Việt Nam cần coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và đẩy mạnh cải cách thể chế trên các lĩnh vực như: bảo đảm quyền tài sản, điều kiện kinh doanh, sửa các quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng. Đặc biệt, cần lưu ý, các lợi thế hiện nay như lao động rẻ và ưu đãi thuế sẽ không còn là thế mạnh trong tương lai.

Nguồn: Tạp chí Hải Quan Online