Tin tức

Tận dụng 'đòn bẩy' CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ

28/10/2022    122

Trong 3 năm thực thi CPTPP, so sánh với những đối tác khác đã phê chuẩn CPTPP, Việt Nam là nước thành viên mà tranh thủ được khá tốt thị trường CPTPP để gia tăng thị phần ở châu Mỹ.

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến: Tận dụng “đòn bẩy” CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27/10, bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, sau 3 năm thực thi, xuất khẩu Việt Nam sang thị trường CPTPP tăng lên nhanh chóng. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021, xuất siêu 6 tỷ USD.

Trong bức tranh chung đó, xuất khẩu sang 4 nước đối tác CPTPP thuộc châu Mỹ, gồm Canada, Mexico, Peru, Chile nổi lên với nhiều sắc màu rực rỡ. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang 4 quốc gia này đều đạt mức tăng trưởng cao, với kim ngạch 2 chiều khoảng 13,7 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2020, tăng cao hơn mức tăng chung của kim ngạch xuất nhập Việt Nam với thế giới.

Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết thêm, trước khi có Hiệp định CPTPP, Canada chiếm 2,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đến thời điểm này, Canada đã chiếm 3,7%. Tương tự, tỷ trọng của Mexico đã tăng từ 1% lên 1,3%. Riêng cá tra, Mexico là thị trường nhập khẩu số 3 của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI thông tin, so với những đối tác khác đã phê chuẩn CPTPP thì Việt Nam là nước thành viên tranh thủ được khá tốt thị trường CPTP để gia tăng thị phần ở châu Mỹ.

“Nhìn trên con số kim ngạch xuất khẩu, có thể nói bước đầu chúng ta đã tận dụng CPTPP tương đối hiệu quả, những gì làm được trong hơn 3 năm qua là một cái bước chạy đà rất tốt. Tuy nhiên, đứng từ góc độ toàn cảnh, thời gian tới doanh nghiệp phải sẵn sàng trước những cái thách thức mới”, bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, thời gian vừa rồi, Việt Nam tương đối có lợi thế của của người một mình một chợ. Bởi vì, các nước đối thủ cạnh tranh có những sản phẩm hàng hóa tương tự như Việt Nam ở khu vực châu Á chưa có FTA với các nước Canada hay Mexico. Từ tháng 8 năm 2022, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada được khởi động, nếu ký kết đi vào thực thi, thì vị trí cạnh tranh so với một số nước khác trong khu vực như Indonesia, hay Philippine sẽ không còn như hiện nay.

Mặt khác, thời gian gần đây, một số nền kinh tế đã bày tỏ sự quan tâm tới việc gia nhập Hiệp định CPTPP. Sau Vương quốc Anh, đến lượt Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) Ecuador và Costa Rica... cũng xin gia nhập CPTPP. Nếu những nền kinh tế này được chấp nhận tham gia CPTPP, thì bản đồ cạnh tranh trong CPTPP sẽ thay đổi rất lớn. Trong chừng mực nhất định sẽ ảnh hưởng khá tiêu cực đến lợi thế của Việt Nam trong khu vực này. Vì thế, các doanh nghiệp cần phải có cái sự chuẩn bị tương lai này.

Nhìn trên góc độ kỹ thuật và pháp luật, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông thuộc VASEP nêu những thách thức cụ thể, về trước mắt và lâu dài ngành thủy sản có nhiều thách thức, như hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) hay Hiệp định Kiểm dịch động thực vật (SPS). Nhưng đó không phải là thách thức lớn với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Bởi vì, chúng ta đã chinh phục được những thị trường khó tính như Mỹ, EU, hay Nhật Bản, Australia. Khó khăn thực sự trong CPTPP là các điều khoản liên quan đến lao động, môi trường và phát triển bền vững...

Trước những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp trong thực thi CPTPP, bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực vào năm 2019, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động để triển khai thực thi hiệp định, trong đó chú trọng vào  những thách thức đối với các doanh nghiệp khi khai thác CPTPP. Trước hết là xây dựng pháp luật và thể chế. Cùng với đó là về công tác thông tin, tuyên truyền và nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để cải thiện cái môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, xuất khẩu.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về cam kết, quy định trong Hiệp định. Đặc biệt, quy định về quy tắc xuất xứ sẽ được cung cấp cho doanh nghiệp một cách chuyên sâu hơn đối với từng ngành hàng, lĩnh vực, thị trường cụ thể để cho từng nhóm đối tượng cụ thể.

Bộ cũng sẽ đẩy mạnh việc cung cấp cho doanh nghiệp thông tin cụ thể về thị trường các nước, khu vực CPTPP. Đặc biệt, thị trường mới như thị trường châu Mỹ thì sẽ cung cấp cho doanh nghiệp các thông tin cập nhật về tình hình thị trường, về những biến động và những cái thay đổi trong chính sách thương mại, chính sách quản lý xuất nhập khẩu của các nước sở tại...

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để tìm ra giải pháp xem xét, tìm hiểu các tuyến vận tải mới trực tiếp, tăng khả năng kết nối cho doanh nghiệp tại khu vực này.  Ngoài ra, bà Võ Hồng Anh khuyến cáo doanh nghiệp có thể xem xét thiết lập các trung tâm giới thiệu sản phẩm, trung tâm phân phối tại khu vực, để tăng khả năng kết nối tại địa bàn.

Nguồn: Báo Tin Tức