Tin tức

Hàng Việt ở châu Âu khiêm tốn, dù có EVFTA

26/10/2022    140

Sau hơn 2 năm kể từ khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, thương mại song phương đã tăng trưởng tích cực. Song thị phần hàng hóa của Việt Nam ở EU vẫn còn rất khiêm tốn. Vì sao như vậy? 

Chiếm 2% tổng nhập khẩu của EU

Kể từ tháng 8-2020 khi EVFTA chính thức có hiệu lực, nhiều kỳ vọng về khả năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã được đưa ra. 2 năm qua, dù tình hình kinh thế giới có nhiều biến động, nhưng theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, EVFTA đã nhanh chóng phát huy những tác dụng tích cực, không chỉ là đòn bẩy cho thương mại 2 chiều, còn là lợi thế ưu việt hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) 2 bên duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh. 

Nói về thương mại 2 chiều, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm thứ 2 thực thi EVFTA (từ tháng 8-2021 đến tháng 7-2022) tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực. Trong đó, xuất khẩu đạt 45 tỷ USD tăng 17% và nhập khẩu đạt 14,6 tỷ USD tăng 0,2%.

Tính riêng 8 tháng năm 2022, kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam - EU đạt 42,4 tỷ USD, tăng 14,85% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường trong khối EU hầu hết đều ghi nhận tăng trưởng tốt. Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa khi các mặt hàng chủ lực đạt mức tăng trưởng ấn tượng như máy móc và thiết bị (tăng 34,8%), dệt may (41,2%)… và kim ngạch nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản cũng tăng ở mức cao như cà phê (tăng 54,4%), thủy sản (41,9%), rau quả (18%)… 

Những con số này thoạt nhìn khá tích cực, nhưng nếu xét về thị phần hàng Việt Nam ở châu Âu vẫn còn rất khiêm tốn. Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, cho biết tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của EU mỗi năm khoảng 2.500 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này chỉ khoảng 40 tỷ USD, chiếm chưa đến 2% tổng nhu cầu nhập khẩu của EU.

Xét từng nhóm ngành thị phần cũng không khả quan hơn. Chẳng hạn, EU cam kết mở cửa cho rau quả Việt Nam bằng việc xóa bỏ 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả ngay khi EVFTA có hiệu lực. Thế nhưng rau quả Việt Nam chỉ chiếm 1-2% nhu cầu nhập khẩu của EU. Tương tự, thị phần nhiều mặt hàng như dệt may, thủy sản cũng chỉ chiếm 4%... 

EVFTA được xem là lợi thế lớn của Việt Nam khi xuất hàng vào EU khi mới có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU, còn trong khu vực ASEAN chỉ có Việt Nam và Singapore. Dù hiện nay EU đang thúc đẩy đàm phán FTA với một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN, nhưng quy trình từ đám phán đến ký kết và có hiệu lực không phải thời gian ngắn. Như vậy trong trung hạn DN Việt vẫn có lợi thế. 

Vậy nguyên nhân nào khiến hàng Việt chiếm thị phần quá khiêm tốn như vậy? Nhiều ý kiến cho rằng bởi EU là thị trường khó tính với những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao và nghiêm ngặt đối với hàng hóa nhập khẩu, nên hàng Việt không dễ gia tăng thị phần. Nguyên nhân này đúng nhưng chưa đủ. 

Nhìn toàn diện, chuẩn bị cho xu thế mới

Khi nhắc về các FTA, một trong những nội dung được quan tâm đó là tỷ lệ DN hiểu và tận dụng tốt các lợi thế từ các hiệp định này và EVFTA cũng không ngoại lệ. Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, đến nay mới có khoảng 8% DN hiểu khá rõ về EVFTA.

Do vậy theo ông Khanh, các cơ quan nhà nước đang nỗ lực đổi mới hình thức tuyên truyền, thay vì những trang tài liệu dài dễ gây chán, sẽ sản xuất những video ngắn tập trung vào các ngành nghề, mặt hàng DN quan tâm. Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ nâng cấp cổng thông tin về các FTA. Cơ quan nhà nước nỗ lực nhưng sẽ không đủ nếu thiếu sự nỗ lực tìm hiểu, tiếp nhận từ chính DN. 

Nguyên nhân nữa cũng được nhắc đến để lý giải vì sao thị phần hàng Việt còn thấp ở EU, là bởi DN xuất khẩu Việt chủ yếu đưa hàng sang các thị trường truyền thống như Pháp, Đức, Italia… Trong khi rất nhiều thị trường khác có tiềm năng tăng trưởng cao như Ba Lan, Phần Lan, Đan Mạch… lại chưa được DN chú ý nhiều. Vì thế, giải từng nút thắt để tận dụng tốt nhất EVFTA nhằm gia tăng thị phần, là việc chúng ta cần làm ngay.

Trước tiên, các DN muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào EU phải đảm bảo sản xuất xanh, bền vững bởi hiện các nước trong EU đang đi đầu trên thế giới về thực hiện mục tiêu xanh. Câu chuyện của Công ty Lộc Trời có thể minh chứng rõ điều này. 

Những tháng qua Lộc Trời đã xuất khẩu 1.000 tấn gạo mang thương hiệu “Cơm - Rice Việt Nam” vào 2 chuỗi bán lẻ lớn của Pháp. Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết ngoài sự hỗ trợ hết sức tích cực của thương vụ Việt Nam tại Pháp, công ty cũng đã có sự chuẩn bị từ trước đó vài năm để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của người mua châu Âu.

Theo đó, ngay từ năm 2016, Lộc Trời đã chuyển đổi hoạt động trồng trọt, chế biến và đóng gói, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU. Tập đoàn phải quy hoạch lại vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, và quan trọng hơn đã áp dụng thành công mô hình sản xuất, canh tác không phát thải carbon. 

Cho đến nay Việt Nam vẫn còn nhiều DN, ngành hàng chưa đáp ứng được yêu cầu xanh hóa hoặc có đáp ứng cũng chỉ một phần. Trước thực tế này, ông Tạ Hoàng Linh đưa ra gợi ý DN thay đổi nội tại bằng cách hợp tác với các DN châu Âu, đầu tư đổi mới về công nghệ, máy móc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật từ các thị trường xuất khẩu, hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững. Đây là việc ngành may đang thực hiện. 

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, từ vài năm trước nhiều DN trong ngành đã bắt đầu chuyển đổi để có thể đáp ứng yêu cầu xanh hóa của EU. Ông Giang cũng cho biết ngành may Việt đang thiếu hụt nguồn cung, đặc biệt là vải, nên kêu gọi các DN châu Âu đầu tư vào lĩnh vực này nhằm hỗ trợ DN Việt đáp ứng được các chuẩn mực châu Âu đưa ra. 

Nguồn: Tạp chí Sài Gòn Giải Phóng Online