Tin tức

Thị trường biến động, xuất khẩu ‘đói’ đơn hàng

03/10/2022    81

Nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều thị trường lớn như EU, Mỹ giảm sút do lạm phát, biến động của tỷ giá… đang khiến nhiều ngành xuất khẩu rất khó khăn, “đói” đơn hàng từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, việc chưa xây dựng được thương hiệu, chủ yếu xuất khẩu gián tiếp qua các kênh trung gian cũng đặt ra nỗi lo về phát triển thị trường bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hiện, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành gỗ đang rơi vào vào tình cảnh sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, trong đó các sản phẩm chế biến sâu bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thị trường. Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), nguyên nhân là do các thị trường chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu như Mỹ và EU sụt giảm mạnh nhu cầu. Dự kiến từ nay đến cuối năm, ngành gỗ cố gắng giữ đà tăng trưởng 1 con số, thay vì 2 con số như dự kiến với kim ngạch khoảng 16,5 tỷ USD.

Giảm công suất vì thiếu đơn hàng

Trước tình hình trên, ông Lập bày tỏ lo lắng về sự giảm tốc tăng trưởng của ngành gỗ. Theo đó, Chủ tịch Viforest bày tỏ mong muốn Bộ Công Thương tạo điều kiện để xuất khẩu trực tiếp tới các đối tác, thay vì đa phần vẫn xuất gián tiếp thông qua đơn vị trung gian như hiện nay.

“Nhiều DN ngành gỗ mong muốn được mở đại lý, cửa hàng, công ty tại các thị trường lớn để phân phối sản phẩm, đảm bảo thị trường phát triển bền vững”, ông Lập cho hay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho biết từ tháng 6 đến nay đơn hàng suy giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi. Đơn hàng sụt giảm đã khiến nhiều DN trong ngành phải giảm công suất từ 30-50%. DN mong muốn mở rộng kênh phát triển thương mại thông qua hội chợ, đây là cơ hội tiếp thị trực tiếp với khách hàng, giới thiệu tới họ những mặt hàng tốt nhất.

Nêu tình hình tại thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Anh, cho biết nhu cầu về đồ gỗ của thị trường Anh đang giảm mạnh, người Anh có xu hướng không chi tiêu cho những nhu cầu không thiết yếu. Thương vụ khuyến cáo, trong bối cảnh kinh tế Anh hiện nay, DN cần thận trọng khi ký hợp đồng bảo đảm an toàn, hạn chế giao hàng trước trả tiền sau kể cả bạn hàng truyền thống. Cần liên hệ Thương vụ để đánh giá "sức khoẻ" đối tác.

Chưa lâm vào tình cảnh "đói" đơn hàng như ngành gỗ nhưng ông Bạch Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca Cao Việt Nam, bày tỏ lo lắng về sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam với các đối thủ lớn như Brazil, nguyên nhân là do sản phẩm của chúng ta chủ yếu xuất thô, chưa xây dựng được thương hiệu.

Năm 2022, ông Tuấn dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể đạt được kim ngạch 3,9 – 4 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành cà phê đang xây dựng kế hoạch xuất khẩu tăng lên khoảng 6 - 7 tỷ USD/năm. Từ trước đến giờ, Việt Nam vẫn luôn được biết đến là quốc gia về sản lượng, xuất thô cà phê. Vì vậy, các DN trong ngành đang cố gắng cải tổ quy cách, chất lượng sản phẩm cà phê. Để làm việc này thì công tác xúc tiến thương mại rất quan trọng. Việc cập nhật thông tin từ các hiệp định thương mại, động thái mới của thị trường lớn sẽ giúp DN kịp thời thích ứng.

Chưa xây dựng được thương hiệu, chủ yếu xuất khẩu gián tiếp

Trước phản ánh của các DN về câu chuyện chưa xây dựng được thương hiệu, chủ yếu xuất khẩu gián tiếp qua các kênh trung gian, ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã chia sẻ hành trình đưa gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời lên kệ của hai hệ thống siêu thị tại Pháp là Carrefour và Leclerc.

Trước đó, vị tham tán thương mại chia sẻ ông luôn đặt câu hỏi: “Tại sao không thể tìm kiếm gạo Việt Nam tại Pháp, tại sao 10 năm trước ở Pháp không có gạo Campuchia nhưng giờ đã mặt tại Pháp”. Trước những trăn trở đó, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã lên kế hoạch nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch dài hạn cho gạo Việt Nam tại thị trường Pháp.

Sau đó, Thương vụ tìm kiếm DN xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Sơn cũng thẳng thắn chia sẻ, nhiều DN Việt Nam có chất lượng sản phẩm tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gạo sang châu Âu, nhưng để xây dựng thương hiệu lại không dề dễ. “Việc đưa hàng hoá Việt Nam tiếp cận nước ngoài dưới thương hiệu Việt Nam là xuất khẩu bền vững, hiệu quả, nhưng không phải sân chơi cho DN làm ăn hời hợt, chụp giật mà phải có bài bản, tầm nhìn. Trước hết đòi hỏi DN phải hiểu biết về thị trường”, vị này cho biết đang cố gắng sau mặt hàng gạo sẽ đưa hạt điều, hồ tiêu Việt Nam vào các hệ thống siêu thị lớn của Pháp.

Liên quan tới câu chuyện xuất khẩu trực tiếp, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bungari cho biết các tập đoàn quốc tế có chính sách nhập hàng hóa theo chủ trương chung từ headquarter (các công ty mẹ). Nên ví dụ có những sản phẩm mây tre đan, đồ gỗ, cao su… từ Việt Nam được bán tại các hệ thống này nhưng đơn vị nhập khẩu lại từ Đức, Thụy Điển…

Điểm đặc biệt là các công ty của Bungari thì nhập khẩu trực tiếp theo nhu cầu thị trường. Tuy nhiên hiện nay hầu hết các sản phẩm nhập từ khu vực châu Âu do qua tìm hiểu như hệ thống siêu thị Fantatisco đã từng liên hệ nhập hàng hóa từ Việt Nam nhưng với sức tiêu thụ thị trường nhỏ, và nhập thử nghiệm, phía Việt Nam yêu cầu nhập số lượng 1 công hoặc 2 công, còn nhu cầu của Bungari chỉ là ½ hoặc 1/3 công. Do đó, nhà nhập khẩu Bungari quay sang nhập lại từ châu Âu, giá cả đắt hơn nhưng có thể nhập theo số lượng tùy thích, thời gian vận chuyển nhanh.

Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Bungari khuyến nghị, tuy sức tiêu thụ ở thị trường này thấp hơn Tây Âu rất nhiều do thu nhập, mức sống nhưng bù lại yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã cũng như đòi hỏi của thị trường lại dễ tính hơn. Nếu coi đây là thị trường để tìm kiếm cơ hội khi các thị trường lớn nhiều cạnh tranh hoặc tiến tới bão hòa thì có rất nhiều tiềm năng, ví dụ có thể kết hợp các đơn hàng, nhóm hàng để cùng vận chuyển trong bối cảnh chi phí logistic tăng cao. Thương vụ luôn sẵn sàng trong các bước cần thực hiện trước như tìm kiếm đối tác thích hợp, xây dựng chương trình làm việc phù hợp.

Nguồn: Tạp chí điện tử Kinh Doanh