Tin tức

Quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Campuchia duy trì đà phát triển tích cực

28/09/2022    348

Với sự hợp tác tích cực từ Nhà nước và doanh nghiệp của Việt Nam và Campuchia, những năm qua, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước liên tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo các chuyên gia, dư địa phát triển thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia còn rất lớn và có nhiều thuận lợi, bởi cả hai đều tham gia các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA).

Giao thương tăng trưởng mạnh mẽ

Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Kiên Giang cho biết, đến nay, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, lượng hành khách và hàng hóa tăng lên. Do đó, từ tháng 6/2022, cửa khẩu đã mở lại 2 luồng xuất, nhập để quản lý đúng quy định và được chặt chẽ hơn, phục vụ cho giao thương hàng hóa tốt hơn.

Theo thông tin từ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, trong 8 tháng của năm 2022, đơn vị đã làm thủ tục cho gần 113.000 lượt người xuất nhập cảnh. Đồng thời phối hợp giám sát, kiểm tra giải quyết thủ tục cho trên 12.000 phương tiện chuyển tải hàng hóa, 236 phương tiện xuất nhập cảnh. Có hơn 85.000 tấn hàng hóa chủ yếu là hải sản, nông sản, dầu ăn, đồ gia dụng, thiết bị máy móc được xuất khẩu sang phía Campuchia. Ở chiều ngược lại, có gần 18.000 tấn hàng hóa, chủ yếu là thịt quả thốt nốt sấy khô, đường tinh luyện, tôm giống được nhập khẩu vào Việt Nam từ Campuchia. Có thể nói, hoạt động giao thương hàng hóa qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên đã trở lại bình thường như trước khi có dịch Covid-19.

Hoạt động giao thương cũng tấp nập trở lại tại các cửa khẩu khác trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. 6 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa với Campuchia của các doanh nghiệp Tây Ninh đạt hơn 835 triệu USD, chiếm 36,16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa chính ngạch qua địa bàn tỉnh An Giang trong 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt trên 1 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số phương tiện xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang đạt khoảng gần 18.000 lượt, tăng 108% so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ Công thương cho biết, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 bùng phát khiến cho Việt Nam và Campuchia gặp nhiều khó khăn khi phải dồn lực ngăn chặn đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước vẫn phát triển mạnh mẽ với những con số ấn tượng.

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương, năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia đạt 9,54 tỷ USD, tăng 79,1% so với năm 2020. Trong 8 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Campuchia đã đạt 8 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước tiếp tục thể hiện rõ nét tính bổ trợ lẫn nhau. Campuchia là nguồn cung cấp một số nguyên phụ liệu quan trọng cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam như chế biến gỗ, điều, sắn, cao su… Trong khi đó, Việt Nam lại là nguồn cung cấp nhiều mặt hàng công nghiệp chế tạo, nhiên liệu, hàng tiêu dùng cho Campuchia như xăng dầu, sắt thép, phân bón, bánh kẹo, các sản phẩm từ ngũ cốc, hóa chất và một số mặt hàng tiêu dùng khác.

Cơ hội hợp tác rộng lớn

Tại buổi hội đàm bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia Pan Sorasak thống nhất đẩy mạnh hợp tác về thương mại biên giới thông qua việc nâng cấp các cặp cửa khẩu, mở mới các chợ biên giới giữa hai nước. Từ đó, hỗ trợ các địa phương ở khu vực biên giới hai nước phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo khu vực biên giới hòa bình, ổn định, phát triển, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác thương mại song phương.

Hiện nay, Việt Nam duy trì vị trí đứng đầu ASEAN và trong nhóm 5 nước đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Campuchia. Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Campuchia còn rất nhiều tiềm năng do hai nước có nhiều đặc điểm tương đồng về văn hóa, nhu cầu thị trường và thói quen tiêu dùng. Bên cạnh đó, cả hai đều là thành viên của ASEAN và đều được hưởng lợi từ những cam kết trong khu vực. Cụ thể, theo cam kết và lộ trình giảm thuế Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), hầu hết các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia (trừ một số mặt hàng bảo lưu) đều được hưởng thuế từ 0-5%. Điều này tạo thuận lợi cho hàng hóa của hai bên dễ dàng thâm nhập thị trường của nhau.

Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho rằng, cùng với các thỏa thuận song phương, những hiệp định, thỏa thuận trong khu vực ASEAN sẽ tiếp tục gắn kết hơn nền kinh tế của Việt Nam và Campuchia. Không chỉ mang lại cơ hội tiếp cận thị trường của nhau lớn hơn, những thỏa thuận, hiệp định nêu trên sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư của Việt Nam, Campuchia và nước thứ ba tận dụng các lợi thế của mỗi nước để mở rộng các hoạt động đầu tư kinh doanh phát triển sản phẩm, phát triển các chuỗi giá trị khu vực để xuất khẩu sang các nước ASEAN, các thị trường khác trên thế giới có FTA. Việt Nam và Campuchia cũng còn nhiều tiềm năng để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực cụ thể như sản xuất hàng tiêu dùng, năng lượng, điện lực, khai thác khoáng sản, chế biến và nuôi trồng nông, lâm thủy sản...

Để tiếp tục thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Campuchia, Bộ Công thương cho biết, trong năm 2022, cơ quan này sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp, hội chợ, triển lãm hàng hóa tại mỗi nước. Trong đó, Bộ Công thương sẽ chủ trì tổ chức 2 hoạt động là Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia tại Phnom Penh, Campuchia và Hội chợ Mỗi tỉnh một sản phẩm tại Phnom Pênh vào tháng 12/2022. Bộ Công thương cũng đã đề nghị Bộ Thương mại Campuchia phối hợp hoàn thiện một số khuôn khổ pháp lý về thương mại song phương như sửa đổi hoặc gia hạn Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương và ký kết Hiệp định Thương mại biên giới giữa hai nước trong năm 2022.

Nguồn: Báo Biên phòng