Tin tức

Kết nối để phát triển bền vững

26/09/2022    55

Không thể phủ nhận rằng Đông Nam Á (ASEAN) đang là khu vực được cả thế giới quan tâm...
Trên phương diện chính trị, khu vực Đông Nam Á đang là tâm điểm diễn ra các sự kiện lớn toàn cầu như hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra tại Indonesia, điểm đến được nhiều chính trị gia trên thế giới lựa chọn trong các chuyến công du quốc tế. Trên phương diện đổi mới, chúng ta đều nhìn thấy ngày càng nhiều kỳ lân công nghệ (unicorn startups) xuất hiện trong khu vực, đặc biệt là các startup trong các lĩnh vực công nghệ chế biến thực phẩm (FoodTech) và công nghệ tài chính (FinTech).

Thông điệp với thế giới rất rõ, ASEAN đang là tâm điểm của sự chú ý.

Trong thập kỷ qua, nền kinh tế ASEAN đã phát triển nhanh chóng, phần lớn nhờ vào vị trí địa lý độc nhất và môi trường kinh doanh thuận lợi. Thực tế, tại ASEAN có bốn nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới là Campuchia, Indonesia, Singapore và Việt Nam.

ASEAN - MẢNH ĐẤT MÀU MỠ CHO THƯƠNG MẠI VÀ ĐẦU TƯ

Nếu xét ASEAN là một thị trường hợp nhất, khu vực này hiện nay là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới, với tổng giá trị đạt 3,2 nghìn tỷ USD, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Hơn nữa, khu vực này còn đang trên lộ trình trở thành nền kinh tế lớn thứ tư vào năm 2030, vượt qua cả Nhật Bản.

Triển vọng của ASEAN tươi sáng với nhiều hứa hẹn, mức tăng trưởng của ASEAN được dự đoán trung bình đạt mức 5,3%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của thế giới.

Hợp tác và hội nhập kinh tế là những trụ cột quan trọng nhất, làm nền móng cho sự thành công và gắn kết tại khu vực. Tương lai kinh tế của ASEAN dựa vào một loạt các hiệp định thương mại tự do quan trọng và được quản lý tốt.

Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng 11/2020, là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới liên kết ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand - những quốc gia này có 2,3 tỷ dân, đóng góp 30% GDP toàn cầu và 28% thương mại quốc tế. RCEP dự kiến mang lại lợi ích lớn cho các quốc gia ASEAN.

Là khu vực mà vấn đề đầu tư được quan tâm, ASEAN hiện là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất với các nhà đầu tư đang phát triển, mở rộng trên phạm vi toàn cầu.

Tăng trưởng FDI của khu vực cũng được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu tư mạnh mẽ chủ yếu vào Singapore, Indonesia và Việt Nam; vốn FDI chảy vào ba quốc gia này chiếm 80% tổng dòng vốn vào năm 2019. Cùng năm đó, so với các thị trường mới nổi, ASEAN là khu vực nhận được dòng vốn FDI lớn nhất. Mặc dù chịu tác động của Covid-19, năm 2021, dòng vốn FDI chảy vào ASEAN đã đạt mức trước đại dịch, 175 tỷ USD. Trong tương lai, Việt Nam có kế hoạch thu hút 50% trong số công ty Fortune 500 đầu tư vào quốc gia này vào năm 2030.

Quỹ đạo này được thiết lập để tiếp tục trải rộng ra toàn khu vực, với mục đích chính của cộng đồng ASEAN Tầm nhìn 2025 là tăng cường hơn nữa năng lực của từng quốc gia thành viên nhằm thu hút FDI cho các ngành công nghiệp chiến lược.

BỐN SIÊU XU HƯỚNG THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG VÀ ĐẦU TƯ

Thứ nhất, sự dịch chuyển địa chính trị. Chi phí lao động tăng, quan ngại về chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị đều góp phần thúc đẩy các công ty đa quốc gia chuyển hoạt động đang phát triển từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, nhằm tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng.

Việt Nam là lựa chọn hàng đầu khi các công ty đa quốc gia cân nhắc đến tổng hòa các yếu tố chi phí lao động, ổn định chính trị và điều kiện văn hóa - xã hội. Một ví dụ điển hình là Apple đã chuyển dây chuyền sản xuất AirPods từ Trung Quốc sang Việt Nam vào năm 2020, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng “Trung Quốc+1”.

Thứ hai, liên quan đến cải tiến công nghệ. Tốc độ mở rộng và phổ biến về kỹ thuật số tại ASEAN đang hỗ trợ thúc đẩy đầu tư vào khu vực. ASEAN hiện là thị trường mua sắm trực tuyến tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tổng giá trị giao dịch được dự đoán tăng gấp đôi, đạt mức 73 tỷ USD vào năm 2023, tổng giá trị nền kinh tế số dự kiến đạt 1.000 tỷ vào năm 2030.

Thứ ba, nhân khẩu học của ASEAN đang thay đổi. Đi đôi với những tiến bộ công nghệ là sự nổi lên của tầng lớp trung lưu quen thuộc với thế giới số và biết tận dụng cơ hội đi kèm với thế giới số. Theo dự đoán, tầng lớp trung lưu tại ASEAN sẽ tăng trưởng và chiếm 67% tổng dân số vào năm 2030 và kéo theo đó là những hệ quả - tiêu dùng tăng gấp đôi vào năm 2030 (những lĩnh vực có mức tiêu dùng nhanh như: thực phẩm và đồ uống (F&B), điện tử, giáo dục và giao thông vận tải). ASEAN cũng có nguồn lao động trẻ và được đào tạo ngày càng tăng, hiện tại 60% dân số đang dưới 35 tuổi.

Thứ tư, cam kết và năng lực của các quốc gia ASEAN về ESG (môi trường, xã hội và quản trị).

CÁC ƯU TIÊN MỚI NỔI ĐỊNH HƯỚNG ĐẦU TƯ BỀN VỮNG

Các khoản đầu tư truyền thống trước đây thường tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, sản xuất và chăm sóc sức khỏe, mỗi lĩnh vực đều có định hướng chiến lược nhưng lại thiếu chiến lược dài hạn thống nhất và gắn kết. Ngày nay, trong một thế giới hậu Covid-19, một số ưu tiên mới xuất hiện được đưa lên đầu tiên, quan trọng nhất là chương trình nghị sự xanh, tuyên bố rằng phát triển bền vững với môi trường không còn là vấn đề ngoài lề. Đó chính là vấn đề trọng tâm.

Những động lực thị trường thúc đẩy đầu tư bền vững bao gồm:

Quy định của Chính phủ. Trong hơn ba thập kỷ qua, số lượng luật và chính sách về biến đổi khí hậu được thông qua trên toàn cầu tăng gấp 10 lần. Cần gấp rút để tuân thủ và thích ứng, có nhiều kỳ vọng về việc những quy định sẽ được xây dựng nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp.

Kỳ vọng của nhà đầu tư. Hơn 500 nhà đầu tư trên toàn cầu với tổng giá trị tài sản đang quản lý lên đến hơn 47 nghìn tỷ USD đã ký sáng kiến Hành động Khí hậu 100+ (Climate Action 100+) nhằm đảm bảo rằng các doanh nghiệp lớn phát thải khí nhà kính phải hành động.

Nhu cầu của người tiêu dùng. Nghiên cứu đã chỉ ra, hơn 80% người tiêu dùng kỳ vọng rằng CEO của các thương hiệu sản phẩm tiêu dùng sẽ có nhiều bước tiến hơn nữa trong việc giảm khí thải carbon và nhựa sử dụng một lần.

Kỳ vọng của nhân viên. 78% các giám đốc trong khảo sát của Deloitte thực hiện năm 2020 cho biết nhân viên của họ rất quan ngại về vấn đề biến đổi khí hậu. Trong một khảo sát khác của Deloitte, 45% nhân viên thuộc thế hệ millennials cho biết họ sẽ thay đổi công việc nếu công ty không thực hiện các biện pháp kinh doanh bền vững.

Trên thực tế, nếu tiếp tục “kinh doanh như bình thường” giống như hiện nay, sẽ không có điều gọi là “kinh doanh như bình thường” trong tương lai. Tại Deloitte, chúng tôi cho rằng Đông Nam Á, hay rộng hơn là châu Á – Thái Bình Dương có một cơ hội rõ ràng cho tất cả các quốc gia tiên phong và chứng minh rằng hành động vì khí hậu không phải là câu chuyện về chi phí, mà là một cơ hội hiếm có để phát triển kinh tế. Khu vực Đông Nam Á có cơ hội thu được 12,5 nghìn tỷ USD nếu hành động ngay bây giờ để đầu tư vào phát triển bền vững.

KHAI PHÁ NHỮNG GIÁ TRỊ VỚI ĐẦU TƯ BỀN VỮNG

Đã có những minh chứng về giá trị của các khoản đầu tư ESG. Tổng tài sản đang quản lý trong các quỹ tập trung vào ESG vượt mức 1.000 tỷ USD vào năm 2020, trong năm năm qua, cổ phiếu ESG đạt hiệu quả vượt trội 88% so với thị trường. Những tên tuổi lớn đang thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh để thích ứng.

Trong tương lai, do các động lực thị trường thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển nhượng lại hàng tỷ USD qua lăng kính ESG, các thương vụ này có thể sẽ được soi chiếu kỹ theo các thông số ESG. Các nhà đầu tư từ quỹ đầu tư cá nhân và doanh nghiệp sẽ không chỉ cần đưa ESG vào tất cả hoạt động, mà trên tất cả các giao dịch nếu muốn giảm thiểu rủi ro và mang lại nhiều giá trị.

Ví dụ, chỉ xét vấn đề mua lại & sáp nhập (M&A), điều này có thể hiểu là phải xây dựng chiến lược cơ sở, xác định mục tiêu, thẩm định, định giá, tích hợp và nắm được giá trị dựa trên các thành phần ESG quan trọng. Trong tương lai gần, M&A được đánh giá dựa trên ESG sẽ là công cụ quan trọng để tạo ra tăng trưởng, lợi thế cạnh tranh và khả năng tiếp cận nguồn vốn hợp lý.

ESG giờ đây nên được coi là đòn bẩy giá trị quan trọng – bao gồm việc xây dựng niềm tin, sự tín nhiệm với các bên liên quan, một trong những yếu tố quyết định đến khả năng doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển.

Vậy, ASEAN ở đâu trong câu chuyện này? Có thể nói ASEAN đang ở tâm thế sẵn sàng để đạt được những thành công vì những lĩnh vực hàng đầu đều đang nhận được những khoản đầu tư ESG. Mức đầu tư ESG được kỳ vọng tăng trong toàn khu vực, ví dụ như: năng lượng tại Việt Nam; sản xuất tại Indonesia, Thái Lan và Việt Nam; giao thông ở Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Nhìn chung, nếu hành động ngay bây giờ, ASEAN có thể tạo ra một vòng tuần hoàn tích cực. Nguồn tài chính bền vững hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng hiện có; điều này sẽ giúp khai phá những tài sản bền vững, từ đó, thúc đẩy quá trình chuyển hóa thành một nền kinh tế phát thải thấp; đồng thời, gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư vào các khoản đầu tư bền vững, tăng cường sức hấp dẫn của các khoản đầu tư trong mắt các nhà đầu tư; giúp các dự án cơ sở hạ tầng bền vững tiếp cận được nhiều nguồn vốn hơn. Đây sẽ là một vòng tuần hoàn liên tục.

Cách thức nào để thúc đẩy những thay đổi? Đầu tiên, thực tế không thực sự khả quan. Các nhà lãnh đạo đang vật lộn với những trở ngại trong ngắn hạn – những vấn đề cản trở ảnh hưởng tích cực trong tương lai. Năm trở ngại lớn nhất trong việc thúc đẩy các nỗ lực phát triển bền vững: (1) Khó đo lường những ảnh hưởng về môi trường; (2) Không đủ nguồn cung các nguyên liệu đầu vào bền vững hoặc phát thải thấp; (3) Quá tốn kém; (4) Tập trung vào các vấn đề kinh doanh ngắn hạn/nhu cầu từ các nhà đầu tư/cổ đông; (5) Phạm vi thay đổi cần thiết quá lớn.

Câu hỏi được đặt ra là: liệu các vấn đề trên có thực sự là trở ngại hay chỉ là những ưu tiên ở mức độ thấp?

Có khoảng cách giữa tham vọng và hành động các doanh nghiệp đang thực hiện để giúp trái đất. Hiện nay, những hành động hàng đầu doanh nghiệp đang làm chỉ dừng lại ở các hoạt động dễ dàng thực hiện, như: sử dụng nguyên vật liệu bền vững, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, đào tạo nhân viên về các hoạt động chống biến đổi khí hậu, giảm thiểu việc di chuyển bằng đường hàng không.

Điều này chứng tỏ rằng các doanh nghiệp ít thực hiện các hành động có cân nhắc về khí hậu để tạo ra những thay đổi thực sự ý nghĩa.

Những hành động khó thực hiện nhưng có tính thay đổi cục diện bao gồm: phát triển sản phẩm và dịch vụ mới thân thiện với môi trường; yêu cầu nhà cung cấp và đối tác kinh doanh đáp ứng chỉ tiêu bền vững cụ thể; hiện đại hóa hoặc di dời các cơ sở hoạt động để các cơ sở có khả năng chống chịu tốt hơn với tác động của khí hậu; ràng buộc lương, thưởng của lãnh đạo cấp cao với hiệu suất của các hoạt động bền vững.

Trong khi mỗi tổ chức, ngành nghề và khu vực cần điều chỉnh chiến lược bền vững của riêng mình, thì những hành động này được xem là những hành động quan trọng dẫn lối thị trường, vì đòi hỏi một tư duy có thể nhìn thấy rủi ro của việc không hành động và cơ hội phát triển bền vững.

HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

ASEAN đang sẵn sàng cho những thành công bền vững với tương lai kinh tế và đầu tư trong khu vực là một bức tranh nhiều điểm sáng. Để hiện thực hóa thành công này, chúng ta cần đặt ra những ưu tiên đồng nhất để hướng đến sự phát triển bền vững.

Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp trong khu vực cần tăng tốc đầu tư vào những hành động có tính thay đổi cục diện để tạo ra những xã hội tập trung vào vấn đề biến đổi khí hậu - những xã hội này sẽ có khả năng phục hồi, sẵn sàng để phát triển vượt trội và phát triển hưng thịnh.

Những khuyến nghị cho các nhà đầu tư cần thực hiện sớm, vì bây giờ chính là thời điểm tốt nhất để nắm bắt các cơ hội trước khi tình hình trở nên phức tạp hơn; đồng thời chuẩn bị cho một lộ trình dài hạn, bởi bền vững không phải là một vấn đề xa vời, đó là hiện tại và tương lai của chúng ta.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam