Doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tận dụng tốt hơn sự ưu đãi từ UKVFTA
12/09/2022 284Không ngừng nỗ lực nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán kinh doanh, doanh nghiệp cần sẵn sàng chấp nhận, làm quen với cái mới, cũng như thích ứng với nó để phát triển thông qua các biện pháp như điều chỉnh sản xuất, chất lượng dịch vụ để phù hợp với thị hiếu, sở thích của thị trường UK... là một trong những yếu tố cơ bản để doanh nghiệp Việt tận dụng tốt hơn những ưu đãi từ UKVFTA.
Theo giới chuyên gia, Hiệp định UKVFTA mang lại 5 cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt, đó là: Tiếp cận thị trường xuất khẩu với những điều kiện ưu đãi và cạnh tranh; Động lực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu; Cải cách thể chế, tư duy quản lý và kinh doanh; Chủ động nguồn nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt, ổn định và có mức giá hợp lý; Duy trì và gia tăng đầu tư chất lượng cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
Tuy vậy, để tận dụng tốt hơn nữa sự ưu đãi từ Hiệp định này, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề chính sau:
Thứ nhất, nắm vững thông tin thị trường UK. Hiện tại, các thông tin mà doanh nghiệp Việt Nam có được về UK chủ yếu mang tính hàn lâm, ít các thông tin mang tính thực tiễn như văn hóa kinh doanh, tập quán tiêu dùng, thị hiếu của người bản xứ đối với từng mặt hàng cụ thể. Trong bối cảnh đang có nhiều thay đổi trong chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt Nam phải nắm được các thông tin thực tiễn này để đảm bảo sự chuyên môn hóa trong sản xuất, từ đó gia tăng sức cạnh tranh với các quốc gia khác.
Thứ hai, không ngừng nỗ lực nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán kinh doanh. Doanh nghiệp cần sẵn sàng chấp nhận, làm quen với cái mới, cũng như thích ứng với nó để phát triển thông qua các biện pháp như điều chỉnh sản xuất, chất lượng dịch vụ để phù hợp với thị hiếu, sở thích của thị trường UK. Chẳng hạn, hiện nay, chính phủ UK đã ban hành chính sách ngoại thương hậu Brexit và đang dần điều chỉnh một số quy định có liên quan về tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình sản xuất và thủ tục hải quan. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam cần kịp thời nắm bắt những thay đổi này khi sản xuất và xuất khẩu sang thị trường UK.
Cuối cùng, xây dựng đội ngũ nhân sự pháp lý đáp ứng một số yêu cầu chuyên môn như: am hiểu pháp luật thương mại quốc tế nói chung, đặc biệt là hiểu rõ về cam kết của Hiệp định UKVFTA. Đồng thời, nắm rõ các thông tin liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp của mình, bao gồm: Mặt hàng thế mạnh của doanh nghiệp mình là gì, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng đó vào UK là bao nhiêu, doanh nghiệp cần xin C/O form gì hay UK có quy định gì đặc biệt về mặt hàng đó hay không, v.v.. Với đội ngũ nhân sự pháp lý có chuyên môn như vậy, doanh nghiệp mới có thể tận dụng được cơ hội từ Hiệp định UKVFTA một cách tối ưu.
Về phía cơ quan quản lý, với kinh nghiệm thực thi các FTA thế hệ mới trước đây như CPTPP hay EVFTA, có thể nói Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đã rất chủ động trong việc xây dựng kế hoạch thực thi, tuyên truyền phổ biến cũng như xây dựng khung pháp luật trong nước để hỗ trợ tối đa việc thực thi UKVFTA một cách hiệu quả nhất.
Với vai trò là cơ quan chủ trì việc thực thi UKVFTA, Bộ Công Thương đã và đang chủ trì, thúc đẩy 02 nhóm công việc chính liên quan đến thể chế sau đây:
Thứ nhất là công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực thi UKVFTA. Trong thời gian sau khi Hiệp định được Chính phủ phê duyệt, Bộ Công Thương đã đôn đốc các Bộ, ngành nhanh chóng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định UKVFTA.
Cho đến nay, Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới một số nội dung như Kế hoạch thực hiện Hiệp định UKVFTA của Chính phủ; Nghị định quy định về Biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi; Nghị định hướng dẫn thực hiện việc chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang UK; các Thông tư của Bộ Công Thương về quy tắc xuất xứ và phòng vệ thương mại.
Thứ hai là công tác triển khai Kế hoạch thực hiện UKVFTA của các Bộ, ngành, địa phương. Tương tự như các FTA thế hệ mới khác là CPTPP và EVFTA, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng Kế hoạch thực thi UKVFTA.
Theo đó, Kế hoạch hành động thực thi Hiệp định UKVFTA bao gồm 05 nhóm nhiệm vụ chủ yếu: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định UKVFTA và thị trường UK; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Các nhóm nhiệm vụ này đã và đang được triển khai nhằm đảm bảo Việt Nam thực thi đầy đủ các cam kết trong UKVFTA cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng UKVFTA hiệu quả nhất.
- Quy định mới của EU về ấn định thuế nhập khẩu đối với gạo lứt nhập khẩu vào EU áp dụng từ ngày 06/9/2024.
- Chính thức cấp phép xuất khẩu chanh leo sang Australia
- Siêu bão Yagi càn quét miền Bắc, hàng loạt doanh nghiệp có nguy cơ bị thiệt hại nặng nề
- Trung Quốc sắp sang kiểm tra vùng trồng dừa tươi xuất khẩu của Việt Nam
- Xuất khẩu gạo dự kiến sẽ đạt kỷ lục trong năm 2024