Tin tức

Các nước bắt đầu đàm phán tham gia Khuôn khổ Kinh tế AĐD-TBD

09/09/2022    217

Đại diện Mỹ và 13 nước sẽ bắt đầu đàm phán tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPDF)  trong hai ngày và dự kiến ra tuyên bố chung về các hành động cụ thể tiếp theo.

Tờ South China Morning Post đưa tin Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo sẽ cùng với những người đồng cấp đến từ 13 quốc gia sẽ bắt đầu vòng đàm phán chính thức tham gia sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) trong hai ngày 8-9 và 9-9 tại TP. Los Angeles.

Cùng đàm phán với Mỹ có 13 nước châu Á-TBD

Đây sẽ là vòng đàm phán trực tiếp cấp bộ trưởng đầu tiên giữa các nước có ý định tham gia IPEF kể từ khi Mỹ công bố khuôn khổ kinh tế này hồi tháng 5. Trước đó, các nước đã tổ chức một số vòng đàm phán cấp cao như một phần của quá trình chuẩn bị cho các cuộc đàm phán chính thức.

IPEF được xem là chiến lược kinh tế của Mỹ do chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố hồi tháng 5 nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực. Sáng kiến này, theo ông Biden, sẽ "viết ra các quy tắc mới cho nền kinh tế thế kỷ 21" trong khu vực.

IPEF có 4 trụ cột chính: gồm nền kinh tế kết nối (thiết lập các tiêu chuẩn và quy tắc cao hơn cho thương mại kỹ thuật số, chẳng hạn như luồng dữ liệu xuyên biên giới); nền kinh tế có khả năng phục hồi (xây dựng các chuỗi cung ứng có khả năng phục hồi và chịu được sự gián đoạn bất ngờ như đại dịch); nền kinh tế sạch (hướng tới các cam kết và dự án năng lượng xanh); và nền kinh tế công bằng (thực hiện thương mại công bằng, bao gồm xây dựng điều khoản đối phó chống tham nhũng).

Ngoài Mỹ, 13 quốc gia cùng đàm phán tham gia IPEF là Úc, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Nhật thông báo cam kết đối với cả bốn trụ cột nhưng mức độ tham gia của các nước còn lại vẫn chưa rõ ràng.

Theo hãng tin Reuters, tại vòng đàm phán đầu tiên này, các đại diện sẽ tìm cách xác định một nền tảng sâu rộng cho các nền kinh tế tham gia vào các dòng chảy dữ liệu và thương mại, về các tiêu chuẩn về môi trường và lao động, chuỗi cung ứng, và các nỗ lực chống tham nhũng.

Trước thềm đàm phán, bà Katherine Tai nhấn mạnh mục tiêu của Mỹ đối với thỏa thuận kinh tế mới này nhằm thiết lập các quy tắc mang lại sự thịnh vượng cho khu vực, hãng thông tấn Kyodo News đưa tin.

“Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là hợp tác với các nước khác để thiết lập các quy tắc tạo ra quy trình làm việc cho phép các thành viên thúc đẩy tính bền vững, khả năng phục hồi và sự thịnh vượng bao trùm cho nền kinh tế của chúng tôi và cho khu vực này” - bà Tai cho hay.

Vòng đàm phán dự kiến sẽ đưa ra một tuyên bố chung nhất trí về các hành động cụ thể mà các nước tham gia IPEF có trách nhiệm thực hiện theo.

Theo đại diện phía Mỹ, IPEF đem tới các cơ hội hợp tác về mọi thứ để các nước thành viên có thể kiên cường hơn trong bối cảnh ngày càng có nhiều thách thức mới.

Các quan chức Mỹ ca ngợi IPEF như một khuôn khổ mang lại lợi ích khác so với các thỏa thuận thương mại truyền thống vốn dựa trên việc cắt giảm thuế quan và tiếp cận thị trường. Trong khi đó, một quan chức cấp cao khác nói với hãng Reuters rằng IPEF không phải là một giải pháp thay thế cho giao thương với Trung Quốc.

Các chuyên gia bình luận gì?

Bà Emily Benson - chuyên gia kinh doanh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Mỹ (CSIS), dự đoán chuỗi cung ứng sẽ là một trọng tâm quan trọng đối với các nước tham gia IPEF.

"Mỗi nước đều có vấn đề riêng về chuỗi cung ứng. Họ đều là những nạn nhân của việc hạn chế chuỗi cung ứng trong kỷ nguyên đại dịch COVID-19” - bà Benson nhận định.

Tuy nhiên bà cho rằng sẽ không có “một vụ thu hoạch sớm" từ trụ cột thương mại trong IPEF.

“Tôi nghĩ rằng điều dần trở nên rõ ràng là trụ cột thương mại tương đối phức tạp hơn so các trụ cột khác, điều đó có nghĩa sẽ mất nhiều thời gian hơn cho đàm phán” - theo bà Benson.

Trong khi đó, bà Deborah Elms - người sáng lập Trung tâm Thương mại châu Á có trụ sở tại Singapore, cho rằng sẽ rất khó để thu hút các quốc gia thành viên tham gia trụ cột thương mại vì điều đó sẽ đòi hỏi sự can dự số lượng lớn các cơ quan, bộ ngành và các bên liên quan trong nước mà không có lợi ích rõ ràng như các thỏa thuận thương mại truyền thống mang lại.

Ngoài ra, nhà đàm phán thương mại Kelly Ann Shaw dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định trụ cột chống tham nhũng và thuế sẽ khó khăn nhất để đàm phán do tính chất nhạy cảm và tính chính trị đối với các đối tác IPEF.

Mặc dù gọi IPEF là "một bước đi khiêm tốn đúng hướng” nhưng bà Shaw bày tỏ quan ngại về việc thiếu các lan can bảo vệ để có thể đảm bảo sự hiệu quả của IPEF.

“Một IPEF không có tính hiệu quả là điều tồi tệ đối với Mỹ và là thảm họa đối với các mối quan hệ của chúng tôi trong khu vực” - bà Shaw cho biết.

Nguồn: Báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh