Tin tức

Mỹ trong tham vọng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu

07/09/2022    260

Việc Mỹ thúc đẩy tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu để hạn chế sự ảnh hưởng của Trung Quốc đặt ra nhiều cơ hội lẫn thách thức cho các nước khác.

Dự kiến, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và đại diện thương mại Katherine Tai của Mỹ sẽ đồng chủ trì hội nghị cấp bộ trưởng của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) từ ngày 8 - 9.9 tại TP.Los Angeles (bang California, Mỹ). Được Mỹ phát động, IPEF còn có sự tham gia của 13 nước khác là: VN, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Brunei, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand và Fiji. Theo Nhà Trắng ước tính, các nền kinh tế tham gia IPEF chiếm 40% tổng GDP toàn cầu. Sự kiện vào ngày 8 - 9.9 tới đây là hội nghị cấp cao chính thức đầu tiên của IPEF.

Bài toán cấp bách

IPEF không phải hiệp ước kinh tế mà là khuôn khổ để thảo luận tiến tới hợp tác. Khuôn khổ này bao gồm 4 trụ cột là: thương mại công bằng và linh hoạt; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, phi carbon hóa và cơ sở hạ tầng; thuế và chống tham nhũng. Các thành viên có thể chọn tham gia bất kỳ trụ cột nào trong số 4 trụ cột riêng lẻ, rồi từ đó tiến hành các bước đàm phán để đi đến thỏa thuận chi tiết.

Trong 4 trụ cột trên, vấn đề chuỗi cung ứng được đánh giá có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế Mỹ giữa bối cảnh chuỗi cung ứng của kinh tế toàn cầu bị đứt gãy do hậu quả từ đại dịch Covid-19, xung đột thương mại Mỹ - Trung và chiến sự Ukraine.

Trả lời Thanh Niên đầu tháng 9, một doanh nhân sở hữu một số cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng tại bang Texas (Mỹ) cho biết tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho việc sản xuất tại nước này. “Điển hình các loại hũ nhựa dùng để đóng gói thực phẩm chức năng của tôi trước kia chỉ mất 4 - 6 tuần để nhận hàng kể từ lúc đặt hàng, nhưng nay thì có lúc sau 3 tháng vẫn chưa nhận được”, vị doanh nhân chia sẻ và cho biết điều này khiến cho chi phí sản xuất đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tình trạng giá cả tăng cao do nguồn cung ứng bị ảnh hưởng được thể hiện khá rõ qua thị trường ô tô Mỹ. Theo tờ Financial Times, do cung thấp hơn cầu nên giá bán ô tô trung bình tại Mỹ trong tháng 8.2022 đã tăng lên mức hơn 48.000 USD, trong khi mức giá hồi đầu năm khoảng 46.000 USD. Mức giá này cuối năm 2019 chỉ khoảng 39.000 USD.

Tình trạng giá ô tô đã khiến cho khoản vay mua ô tô của người dân Mỹ cũng tăng lên. Theo CNN, cụ thể trong quý 2/2022, mức vay trung bình để mua ô tô của người dân Mỹ đã tăng lên mức 40.290 USD/xe, nên khoản trả góp mua xe hằng tháng cũng tăng lên 667 USD, cao hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021. Không những vậy, cũng vì thế mà giá bán ô tô đã qua sử dụng cũng tăng lên tại Mỹ. Ô tô có vai trò quan trọng trong đời sống người Mỹ nên diễn biến giá cả của thị trường ô tô có tác động lớn đến nền kinh tế Mỹ.

Còn nhiều thách thức

Thực trạng chuỗi cung ứng bị đứt gãy đang xảy đến với toàn thế giới, chứ không phải chỉ riêng nước Mỹ. Giữa bối cảnh như vậy, tái cấu trúc trở thành một chiến lược quan trọng của Mỹ đối với kinh tế nước này lẫn toàn cầu, đặc biệt đối với lĩnh vực chíp bán dẫn. Đặc biệt trong đó, Washington muốn định hướng chuỗi cung ứng hạn chế sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với Trung Quốc.

Chính vì thế, IPEF được xem là một cơ sở để các nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á khi có đến 7 thành viên ASEAN tham gia khuôn khổ này, tăng cường vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trả lời Thanh Niên, TS Steven Cochrane (kinh tế gia trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bộ phận phân tích, Công ty phân tích tài chính Moody’s, Mỹ) nhận định: “ASEAN có thể khai thác IPEF để cùng thảo luận về các phần trong hợp tác kinh tế với Mỹ và giữa các nước thành viên ASEAN”.

Việt Nam có thể đạt nhiều lợi ích với IPEF

Ưu điểm là IPEF tập trung vào một loạt các mục tiêu từ chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, chống tham nhũng và thương mại kỹ thuật số. ASEAN sẽ đóng một vai trò lớn để IPEF có thể đạt thành công cuối cùng. Điều này đặc biệt đúng đối với vấn đề hợp tác đảm bảo chuỗi cung ứng và các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Với vai trò quan trọng trong các ngành sản xuất, Việt Nam có thể đạt nhiều lợi ích trong dài hạn từ IPEF như đạt thêm các bước tiến mới trong kinh tế số và năng lượng sạch - GS Ritam Chaurey (chuyên về kinh tế quốc tế - Đại học Johns Hopskin, Mỹ)

Cũng trả lời Thanh Niên, TS Ellen L.Frost (chuyên gia về các lĩnh vực kinh tế chính trị khu vực Indo-Pacific, Trung tâm Đông Tây, Mỹ) đánh giá: “Đây là bước đi để Mỹ lấp đầy khoảng trống kinh tế sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, về sau trở thành CPTPP - NV)”. Tuy nhiên, bà Frost cũng chỉ ra: “Điểm bất lợi của IPEF là không thể hoàn toàn thay thế việc Mỹ không tham gia CPTPP. Khuôn khổ này cũng chưa xóa bỏ bớt các hạn chế tiếp cận thị trường Mỹ”. Việc chưa thể hiện triển vọng xóa bỏ các rào cản gia nhập thị trường Mỹ cũng là điều mà giới phân tích cho rằng sẽ cản trở hiệu quả của IPEF.

Không những vậy, Washington cũng đang theo đuổi xu hướng củng cố chuỗi cung ứng nội địa, giảm lệ thuộc vào nước ngoài. Đây là xu thế mà khi trả lời Thanh Niên, GS Dwight Perkins, nhà kinh tế học của Đại học Harvard (Mỹ) - người được xem là chuyên gia hàng đầu thế giới về mô hình kinh tế của các nước châu Á, chỉ ra: “Đại dịch sẽ tác động tiêu cực đến cả quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế, đặc biệt là đối với các quốc gia phát triển. Đó là vì Covid-19 khiến cho nhiều nước nhận ra phải tăng cường trở lại năng lực sản xuất nội địa nhằm đảm bảo khả năng tự đáp ứng một phần sản phẩm cần thiết”. Xu thế này có thể hạn chế hiệu quả hợp tác của Mỹ với các đối tác tham gia IPEF.

Chính vì thế, IPEF cần phải giải quyết nhiều thách thức để có thể tạo ảnh hưởng lớn hơn cho quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn: Báo Thanh Niên