Tin tức

Nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng để tăng xuất khẩu sang thị trường CPTPP

22/08/2022    104

Sau hơn 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các doanh nghiệp Việt Nam đã dần tận dụng được những ưu đãi mà hiệp định mang lại, gia tăng xuất khẩu. Theo các chuyên gia kinh tế và đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), có nhiều giải pháp khai thác dư địa từ CPTPP.

Hàng Việt từng bước thâm nhập vào thị trường CPTPP

Thực tế, kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam từ tháng 1/2019, Việt Nam đã có bước tăng trưởng nhảy vọt của hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, đặc biệt ở khu vực châu Mỹ.

Theo bà Võ Hồng Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương), xuất khẩu sang Canada năm 2021 đạt kim ngạch 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2020 và tăng 75% so với thời điểm trước khi hiệp định có hiệu lực. Với Mexico, năm 2021, xuất khẩu sang thị trường này đã có bước nhảy vọt, đạt giá trị 4,6 tỷ USD, tăng trưởng trên 100% so với thời điểm trước khi hiệp định có hiệu lực.

Xét về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Mỹ, nhóm hàng điện thoại, linh kiện, máy vi tính, máy móc phụ tùng chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 43%; tiếp đó là dệt may, da giày chiếm khoảng 25%, gỗ và sản phẩm từ gỗ chiểm khoảng 8%; nông thủy sản chiếm khoảng 4%.

Bước sang năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn của dịch Covid-19, thống kê trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 19,5 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021 (tổng kim ngạch xuất khẩu sang khối thị trường này đến hết tháng 5/2021 đạt 18,08 tỷ USD).

Một số mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP là dệt, may; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ từng khác; phương tiện vận tải và phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện...

Đánh giá về kết quả tham gia CPTPP, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, đến nay CPTPP bước đầu đã thu được kết quả đáng khích lệ, làm gia tăng hoạt động thương mại giữa các nước thành viên, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thành công của Việt Nam trong thời gian qua là đã tiếp cận xuất khẩu hàng hóa, mở rộng tới thị trường đối tác của CPTPP, nhất là các thị trường mà trước đây chưa có hiệp định thương mại (FTA).

Để phát triển bền vững, TS. Lê Duy Bình lưu ý, đối với CPTPP, doanh nghiệp Việt không nên chỉ tận dụng cơ hội để gia tăng xuất khẩu vào thị trường đó, mà cần phải có cách nhìn rộng hơn, bởi CPTPP còn có ý nghĩa hơn nhiều đối với kinh tế Việt Nam.

Theo TS. Lê Duy Bình, khi xuất khẩu vào thị trường CPTPP thì hàng hóa từ các thị trường này đang xâm nhập vào Việt Nam rất mạnh. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ nâng cao kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, các thị trường CPTPP, mà cần chuẩn bị cho một sự cạnh tranh khốc liệt hơn từ các thị trường CPTPP và các quốc gia thành viên của các hiệp định khác tại thị trường nội địa.

Về vấn đề nay, bà Võ Hồng Anh cũng cho rằng, để nâng cao kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này, doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa vào việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm của Việt Nam. Trong đó, cần tập trung vào những mặt như cải tiến công nghệ sản xuất, dây chuyền chế biến, nâng cao hàm lượng gia công, chế tác, đa dạng hóa mẫu mã cũng như quy cách đóng gói sản phẩm… làm sao để sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài đáp ứng được không chỉ thị hiếu khách hàng mà còn các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định của thị trường nước bạn.

Làm gì để doanh nghiệp khai thác lợi ích từ CPTPP?

Từ góc độ cơ quan thương mại, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, để hỗ trợ doanh nghiệp, trong thời gian vừa qua, Bộ Công thương cũng triển khai mạnh hoạt động kết nối giao thương, cũng như xúc tiến trên nền tảng số và trong thời gian tới cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn.

Bộ Công thương có một chương trình hành động để hiện thực hóa, hỗ trợ cho doanh nghiệp để tận dụng các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP. Trước hết là những vấn đề về phổ biến, tuyên truyền các cam kết, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ, giúp doanh nghiệp hiểu rõ vai trò, cũng như cách tận dụng các quy tắc này.

Đồng thời, để khắc phục những khó khăn về khoảng cách địa lý, nhất là những nước ở khu vực châu Mỹ, việc xúc tiến thương mại không chỉ dừng lại ở hoạt động trực tiếp, Bộ Công thương, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại trên nền tảng số.

“Mục tiêu của các FTA chính là thúc đẩy giao dịch liên kết nội khối và qua đó cùng hỗ trợ nhau giữa các thành viên để có thể tăng cường tiêu thụ hàng hóa của nhau. Đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý. Đơn cử trong trường hợp CPTPP, doanh nghiệp có thể tìm kiếm sự hợp tác từ doanh nghiệp Mexico, Peru… nếu như họ có nguồn nguyên liệu phù hợp để thay thế được nguồn nguyên liệu hiện tại, việc đáp ứng quy tắc xuất xứ khi đó sẽ thuận lợi hơn” - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần có biện pháp để bảo vệ chính mình

Bộ Công thương lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước CPTPP, đặc biệt là khối các nước ở khu vực châu Mỹ tăng rất cao. Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, khi xuất khẩu tăng quá cao, thì nguy cơ điều tra về các biện pháp, ví dụ như chống bán phá giá, chống trợ cấp đặc biệt lớn. Do đó, doanh nghiệp cần có sự hợp tác chặt chẽ với thương vụ Việt Nam để có hướng dẫn và biện pháp bảo vệ quyền lợi chính đáng khi thâm nhập thị trường CPTPP.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam