Tin tức

Chủ động khai thác thị trường CPTPP

12/08/2022    64

Xuất khẩu hàng hóa duy trì đà tăng trưởng tốt, 7 tháng đầu năm 2022 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2021.

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tăng trưởng xuất khẩu có đóng góp tích cực từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vì thế, doanh nghiệp (DN) cần chủ động đẩy mạnh khai thác thị trường này.

* CPTPP có hiệu lực với Việt Nam từ năm 2019, đến nay mức độ tác động của FTA này như thế nào tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, thưa ông?

- CPTPP có mức độ cam kết sâu, diện phủ rộng, ngoài cắt giảm thuế quan còn mở rộng cam kết sang các lĩnh vực khác như sở hữu trí tuệ, lao động... Xét tổng thể, dù dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến giao thương quốc tế hơn hai năm qua, nhưng thực thi CPTPP đã tạo ra một xung lực đáng kể cho xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung, hỗ trợ DN Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu nói riêng.

* Ông đánh giá thế nào về năng lực khai thác thị trường CPTPP trong xuất khẩu hàng hóa của DN Việt Nam?

- DN Việt Nam khai thác cơ hội xuất khẩu vào thị trường CPTPP đang khá tốt. Tuy nhiên, tính chủ động khai thác những thị trường mới trong CPTPP như Canada, Mexico, Peru... còn chưa cao, nhất là việc đưa sản phẩm tiếp cận đối tác tại các thị trường ấy.

* Ông có thể giải đáp rõ hơn về quy tắc xuất xứ hàng hóa quy định trong CPTPP?

- Quy tắc xuất xứ hàng hóa là một hàng rào đảm bảo lợi ích của các nước trong FTA về hưởng ưu đãi tách biệt so với các nước không tham gia FTA. Nếu không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ hàng hóa, thành viên của FTA cũng sẽ không được hưởng ưu đãi từ FTA họ đang tham gia.

Trong CPTPP, DN cần nắm rõ không chỉ về quy tắc xuất xứ hàng hóa thuần túy, xuất xứ không thuần túy, thay đổi theo hàm lượng khu vực... mà trong một số trường hợp còn phải mô tả cụ thể quy trình sản xuất (yếu tố làm cho quy tắc xuất xứ chặt chẽ hơn, khó đáp ứng, tránh các nước không phải thành viên CPTPP hưởng lợi). Tùy theo mặt hàng, DN cần tìm hiểu rõ về quy tắc xuất xứ hàng hóa, các thủ tục có liên quan, thực hiện rồi sẽ quen và không khó.

* Thời gian tới, cơ quan nhà nước, DN cần làm gì để khai thác hiệu quả hơn  thị trường CPTPP?

- Cơ hội không tự nhiên đến nếu không chủ động tiếp cận thị trường, tiếp cận bạn hàng. Dịch Covid-19 đã được kiểm soát khá tốt, theo tôi cơ quan nhà nước, các hiệp hội ngành hàng cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, hỗ trợ DN kết nối thị trường, đối tác; đẩy mạnh phổ biến thông tin về những cam kết trong CPTPP cũng như các vấn vấn đề liên quan tới quy tắc xuất xứ hàng hóa. DN xuất khẩu cần chủ động kết nối, tìm kiếm đối tác và giới thiệu sản phẩm tại thị trường các nước tham gia CPTPP thay vì đợi đối tác tìm đến mình.

* Theo ông, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ gì cho DN tăng cường khai thác thị trường CPTPP?

- Bộ Công Thương đã có một chương trình hỗ trợ DN tận dụng lợi ích từ các FTA, trong đó có CPTPP. Các hoạt động sẽ được tăng cường thời gian tới, đó là phổ biến, tuyên truyền các cam kết cũng như quy tắc xuất xứ; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trên nền tảng số, hỗ trợ kết nối giao thương; tuyên truyền và hỗ trợ DN phòng tránh nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường CPTPP (nguy cơ bị điều tra áp thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp...).

* Cảm ơn ông!

Nguồn: Báo Doanh nhân Sài Gòn