Tin tức

Cơ hội và thách thức luôn song hành với RCEP

26/07/2022    111

Theo đại diện VCCI, RCEP đặt các doanh nghiệp trước những thách thức cạnh tranh cùng với các đối thủ mạnh nhất…

Theo bà Trần Thị Lan Anh - Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có tác động lớn hơn. Bởi lẽ các đối tác của RCEP là nguồn cung của khoảng 70% hàng hóa nhập khẩu, nhưng cũng là thị trường đầu ra của gần 40% hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt RCEP đang bao trùm nhiều đối tác mạnh, lại có cơ cấu kinh tế cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam và vì vậy doanh nghiệp cũng cần phải có sự chuẩn bị đầy đủ trước hiệp định này.

Từ góc độ thương mại hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận RCEP như một con đường ưu tiên mới để thúc đẩy kinh doanh, đặc biệt là xuất nhập khẩu với 14 đối tác quan trọng trong khu vực, nhất là đối với các thị trường Đông Bắc Á và châu Đại Dương. So với 9 FTA mà Việt Nam đã ký với một số đối tác RCEP, hiệp định này tạo ra sự khác biệt đáng kể nhờ vào lợi thế về quy mô. RCEP sẽ tạo ra những không gian cộng hưởng rộng lớn mà ở đó các dòng hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam có thể lưu chuyển thuận lợi, không có rào cản về thuế quan trong các khung khổ thống nhất và minh bạch. Đặc biệt là nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan trọng của RCEP dễ dàng hơn bất cứ FTA nào trước đó.

“Đối với thị trường hơn 2,3 tỷ dân, với mức thu nhập đang tăng lên thì có nhiều phân khúc khác nhau, từ rất khắt khe đến tương đối dễ tính, cùng thương mại điện tử phát triển mạnh, RCEP có thể được kỳ vọng sẽ mở ra một cơ hội xuất khẩu cho nhiều doanh nghiệp hơn, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa và điều này có thể tạo ra sự khác biệt giữa RCEP và các FTA thế hệ mới, nhiều tiềm năng nhưng không nhiều doanh nghiệp có năng lực để tận dụng trước đây”, bà Lan Anh nhấn mạnh,

Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, RCEP cũng đặt các doanh nghiệp trước những thách thức cạnh tranh cùng với các đối thủ mạnh nhất. Nhiều nền kinh tế trong RCEP có cơ cấu tương tự như Việt Nam, trong khi kinh nghiệm, nguồn vốn và sức cạnh tranh của họ lại tốt hơn nhiều so với các doanh nghiệp của chúng ta. Thách thức từ hiệp định này với các doanh nghiệp Việt Nam vì vậy là rất đáng kể. Trên thị trường nội địa, hàng hóa từ các thành viên RCEP, đặc biệt là từ Trung Quốc và Asian sẽ có thêm một cơ hội ưu đãi thuế khi nhập khẩu vào các thị trường Việt Nam, tạo thêm sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà cho các doanh nghiệp. Ở các thị trường xuất khẩu trong RCEP, cạnh tranh cũng được dự báo có thể phức tạp hơn khi không chỉ Việt Nam có lợi thế FTA như trước đây mà cả các đối thủ cạnh tranh của chúng ta cũng có những lợi thế tương tự nhờ vào RCEP. Cơ hội tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong khu vực, cũng như lợi thế về thu hút dòng FDI của chúng ta nhờ vào lợi thế là trung tâm hội tụ cũng có thể gặp cạnh tranh nhất định từ các nước có thêm lợi thế tương tự như Việt Nam nhờ có RCEP. Trong khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, nhưng các thách thức này nếu không được xử lý hiệu quả chắc chắn sẽ dẫn đến những bất lợi đáng kể cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Tuy nhiên dưới góc nhìn của mình, bà Lan Anh cho biết, qua công tác hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập, tận dụng các FTA nhiều năm qua, VCCI tin rằng sẽ không ít doanh nghiệp Việt Nam đã được đặt trong tâm thế sẵn sàng chờ đón để tận dụng các cơ hội cũng như cạnh tranh sòng phẳng trong RCEP vì đã có sự chuẩn bị và làm quen hội nhập sâu rộng từ nhiều năm nay.

Thậm chí dưới áp lực của các FTA trước RCEP, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã thiết lập cho mình những lợi thế nhất định trong cạnh tranh và phát triển bền vững so với một số đối tác khác. Tuy vậy, cũng nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với những bất lợi về nguồn lực cũng như năng lực cạnh tranh, có thể vẫn chưa sẵn sàng để hiện thực hóa các cơ hội từ RCEP nói riêng và các FTA nói chung thì thậm chí có thể phải chịu những thiệt thòi từ cạnh tranh của các đối thủ mạnh trong RCEP.

Để vượt qua những khó khăn này các doanh nghiệp không còn cách nào khác phải chủ động tìm hiểu kỹ các cam kết của hiệp định, chủ động nghiên cứu, nhận diện những cơ hội và thách thức cụ thể đối với ngành của mình, doanh nghiệp mình, chủ động chuẩn bị và hành động phù hợp để tận dụng tối đa các cơ hội mà RCEP mang lại, hay là xử lý các thách thức nếu có thể xảy ra. Và quan trọng hơn hết, đó là sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tập trung vào nâng cao năng lực của chính mình để có đủ nền tảng và sức mạnh để cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Nguồn: Thời báo Ngân Hàng