Tin tức

ASEAN-Ấn Độ: Hợp tác cùng gia tăng vị thế

11/07/2022    528

Năm 2022 đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Ấn Độ. Đây cũng là dịp để nhắc nhở hai bên cần phải thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược phát triển thực chất và mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Trong một bài viết trên tờ Bangkok Post, Tiến sĩ Kavi Chongkittavorn, nhà khoa học nổi tiếng của Thái Lan chuyên nghiên cứu hoạt động của ASEAN, đã đánh giá về 30 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ và dự báo tầm nhìn tương lai của mối quan hệ Đối tác chiến lược này.

Nhiều kỳ vọng đặt ở hướng Đông

Ấn Độ có vị thế và tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới và đặc biệt là ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Không khó để nhìn thấy các liên kết văn minh lâu bền của đất nước này tại khu vực. Một trong những câu hỏi thường gặp nhất hiện nay là "Liệu Ấn Độ có phải là quốc gia dẫn đầu trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?"

Tại Đối thoại Delhi lần thứ 12 được tổ chức tại thủ đô New Delhi vào đầu tháng 6, Ấn Độ và các nước tham gia đã thảo luận cách thức phát huy được vai trò mới của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo toàn cầu, nhằm cung cấp quỹ đạo ngoại giao rất cần thiết cho những quốc gia có triển vọng tương tự như Ấn Độ.

Tuy nhiên, tuyên bố chung 17 điểm tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ, được tổ chức nhằm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ giữa hai Đối tác chiến lược này, thể hiện quan điểm mạnh mẽ hơn.

Trong tất cả các tuyên bố của mình, hai bên bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc Ấn Độ có vị thế lớn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cả ASEAN và Ấn Độ cần phải hợp tác, sắp xếp các kế hoạch hành động và ưu tiên của họ để cùng nhau gia tăng vị thế trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã hết lòng ca ngợi ASEAN trong việc tạo dựng được vị trí thích hợp cho chính mình trong khu vực và đặt nền móng cho việc phát triển cấu trúc chiến lược và kinh tế tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông S Jaishankar nhấn mạnh: “Các mối quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN phải đáp ứng với thế giới mà chúng ta đang đối mặt, đồng thời nhấn mạnh rằng ASEAN luôn vươn cao như một ngọn hải đăng về chủ nghĩa khu vực, chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa”.

Tại thời điểm này, cuộc xung đột ở Ukraine đang có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Sự phát triển kinh tế của Ấn Độ cũng không ngoại lệ. Mặt khác, hiện nay Ấn Độ cũng đang phải đối phó với nhiều vấn đề trong nước.

Nhìn về hướng Đông, Ấn Độ khơi dậy nhiều hy vọng và kỳ vọng hơn. Vì một số lý do, quan hệ của Ấn Độ với ASEAN vẫn chưa thể hoàn thiện, bất chấp tất cả những hứa hẹn và tiềm năng, vì cả hai bên vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết.

Lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ được tổ chức đặc biệt như một lời nhắc nhở hai bên cần phải thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược phát triển thực chất và mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Tầm nhìn chung ASEAN-Ấn Độ

Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Ấn Độ đã nhất trí rằng New Delhi cần chứng minh rằng việc nâng cấp từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho ASEAN và các mối quan hệ của họ.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tìm cách xem xét lại Hiệp định Tự do Thương mại hàng hóa châu Á-Ấn Độ, được ký kết vào năm 2000. Hiệp định này đã cắt giảm 64% thuế quan trên diện rộng.

May mắn thay, New Delhi hiện đang tự tin rằng họ có thể chịu được áp lực liên tục từ Mỹ và châu Âu. Bất chấp những bình luận tiêu cực từ Washington và các đồng minh, lập trường của Ấn Độ không ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Ấn theo bất kỳ cách nào.

Trước mối đe dọa đại dịch Covid-19 đang diễn ra, Ấn Độ đang tập trung vào mặt trận trong nước để giảm lạm phát, phân cấp quyền lực liên bang và đảm bảo sự cởi mở của xã hội, nơi tất cả các niềm tin và tín ngưỡng tôn giáo có thể cùng tồn tại.

Có một số ý kiến mạnh mẽ trong ASEAN rằng nên nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ càng sớm càng tốt, trong khi những ý kiến khác cho rằng Ấn Độ phải làm nhiều hơn nữa để mở cửa thị trường của mình sau khi nước này đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào phút chót.

ASEAN hy vọng rằng vào thời điểm các nhà lãnh đạo gặp nhau tại Phnom Penh vào đầu tháng 11 tới, Ấn Độ sẽ đưa ra một loạt các biện pháp khuyến khích mới để thuyết phục các thành viên còn do dự ủng hộ tích cực hơn.

Trong các cuộc thảo luận riêng, một số học giả Ấn Độ đã khẳng định rằng quan hệ với ASEAN rất có lợi cho sức mạnh khu vực của Ấn Độ, cả về an ninh và kinh tế. Ấn Độ và ASEAN có tổng dân số hơn 2 tỷ người, trải dài từ Đông sang Đông Á và châu Đại Dương. Trong một tương lai không xa, tổng GDP của các quốc gia này có thể vươn tới vị trí thứ 4 thế giới với 7 nghìn tỷ USD.

Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam