Tin tức

IPEF - 'Vũ khí mới' của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương có gì?

23/05/2022    3027

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khởi động một khuôn khổ kinh tế mới cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) trong thời gian ở Tokyo, với hy vọng Washington sẽ tăng cường sự hiện diện kinh tế của mình trong khu vực để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.

Từ việc tăng cường chuỗi cung ứng đến thiết lập các quy tắc cho nền kinh tế kỹ thuật số, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) được thiết kế như một công cụ để tăng cường hợp tác của Mỹ với các đối tác châu Á.

Tuy nhiên, "khuôn khổ này lại không phải là một hiệp định thương mại tự do (FTA) truyền thống", theo Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai. Giống như chính quyền Trump trước đó, chính quyền Biden cũng cùng chung quan điểm cho rằng tự do hóa thương mại không được kiểm soát có thể gây tổn hại cho người lao động Mỹ.

Một số chính phủ châu Á đã phản ứng tích cực với kế hoạch này và vài nước đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia IPEF.

Dưới đây là 5 điều cần biết về IPEF:

Tại sao Mỹ lại đề xuất IPEF?

Tổng thống Joe Biden đã công bố khuôn khổ kinh tế mới vào tháng 10/2021 tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) được tổ chức theo hình thức trực tuyến, khẳng định IPEF sẽ tập trung vào các tiêu chuẩn cho nền kinh tế kỹ thuật số, khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, khử cacbon, cơ sở hạ tầng và tiêu chuẩn lao động.

"Thỏa thuận này cũng bao gồm các biện pháp để thiết lập hệ thống lương thực bền vững, các quy định nông nghiệp dựa trên khoa học, các hình mẫu quản lý tốt và tạo thuận lợi thương mại", bà Katherine Tai nói trong một phiên điều trần của Ủy ban Tài chính Thượng viện vào cuối tháng Ba vừa qua.

Theo bà Wendy Cutler, Phó chủ tịch tại Viện Chính sách Xã hội châu Á, nguyên quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ, IPEF sẽ là "phương tiện cho sự quay trở lại về kinh tế của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", đồng thời hy vọng khuôn khổ này sẽ "giúp lấp đầy khoảng trống được tạo ra khi Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)".

Trước sự "vắng mặt" của Mỹ, Trung Quốc đã nhanh chóng có được vị thế về hội nhập kinh tế khu vực. Năm 2021, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - phiên bản 11 thành viên hiện tại của TPP.

Trung Quốc cũng là thành viên chủ chốt của khối thương mại lớn nhất thế giới hiện nay - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 thành viên, bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1/2022. Và Mỹ cũng không là thành viên của RCEP.

Tại sao Mỹ vẫn nói 'không' với CPTPP?

Dù chính quyền của Tổng thống Biden đã loại bỏ một số thuế quan từ thời Tổng thống Trump đối với các đồng minh của Mỹ nhưng cũng khẳng định rõ ràng rằng Mỹ sẽ không xem xét để tham gia CPTPP. Đại diện Thương mại Mỹ gọi các FTA là "công cụ của thế kỷ 20".

Tại phiên điều trần của Quốc hội hồi tháng 3/2022, bà Katherine Tai cho rằng, các FTA có thể dẫn đến "phản ứng dữ dội" từ phía người dân Mỹ do lo ngại việc thuê nhân công từ bên ngoài có thể làm hạn chế cơ hội của lao động nước này.

Cách tiếp cận hiện tại của chính quyền Biden được đánh giá là "chính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu", với mục đích giúp người dân nhận thức rõ về những lợi ích lớn hơn từ thương mại và ngoại giao của Mỹ.

IPEF khác với CPTPP và RCEP như thế nào?

Không giống như CPTPP hay RCEP, hai khối thương mại lớn nhất châu Á, khuôn khổ kinh tế mới sẽ không hạ thuế quan. Thay vào đó, Mỹ muốn tìm kiếm sự hợp tác trên các trụ cột chiến lược, đơn cử như khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và nền kinh tế kỹ thuật số.

IPEF là một cơ chế được thiết kế phù hợp hơn nhằm tìm kiếm lợi ích của quan hệ đối tác thương mại, đồng thời tách rời Mỹ khỏi những mặt trái của tự do hóa thương mại.

Việc thiết lập IPEF cũng có thể khác với các FTA truyền thống, vốn thường mất nhiều năm đàm phán và yêu cầu các nước tham gia phải phê chuẩn.

Bà Wendy Cutler nhận định: "IPEF sẽ là 'một cách tiếp cận từng bước'. Tôi hy vọng nó sẽ đi một chặng đường dài trong việc lấp đầy khoảng trống mà Mỹ đã tạo ra khi rời TPP. Có thể, theo thời gian, Mỹ sẽ nhận ra cần phải làm nhiều hơn nữa và tiến gần hơn đến một mô hình tương tự như TPP".

11 quốc gia đang là thành viên của CPTPP bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Còn RCEP bao gồm 10 quốc gia ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Quốc gia châu Á nào có khả năng tham gia?

Nhật Bản đã có động thái hoan nghênh khuôn khổ mới. Thực tế là việc ông Biden khởi động khuôn khổ mới trong chuyến thăm Nhật Bản phản ánh kỳ vọng cao của ông rằng đồng minh châu Á lâu năm của Mỹ sẽ tham gia.

Mặc dù Nhật Bản vẫn cho rằng việc Mỹ tham gia CPTPP là điều tốt nhất, nhưng với IPEF và việc Mỹ quay trở lại đấu trường thương mại khu vực, được xem là một bước tiến đáng hoan nghênh.

Hàn Quốc cũng như một số nước Đông Nam Á như Singapore và Philippines cũng bày tỏ sự quan tâm đến IPEF.

"Các điều khoản trong mục tiêu của IPEF như thúc đẩy khả năng phục hồi, tính toàn diện và khả năng cạnh tranh, công nghệ, đổi mới, nền kinh tế kỹ thuật số, chuyển đổi năng lượng, mục tiêu khí hậu và tăng trưởng công bằng... đều phù hợp với các ưu tiên thương mại của Philippines", Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines cho biết.

Thái Lan cũng ngỏ ý muốn việc tham gia, với việc nội các nước này đã thông qua một tuyên bố hôm 17/5 thông báo cho Mỹ biết về sự tham gia của mình trong các cuộc đàm phán.

Trong khi đó, Đài truyền hình Fuji TV của Nhật Bản hôm 18/5 đưa tin, Ấn Độ và Indonesia cũng đang cân nhắc về việc tham gia. Một số quốc gia khác đang băn khoăn về những lợi ích mà khuôn khổ mới này mang lại.

Ông Jayant Menon, thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak nhận định: "IPEF đề xuất rằng các thành viên tuân thủ các quy tắc thương mại ràng buộc và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lao động, môi trường và các tiêu chuẩn khác mà không nhận lại bất cứ điều gì, chẳng hạn như cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Mỹ. Đây có thể là một bất lợi lớn đối với các nước đang phát triển trong ASEAN".

Tác động của IPEF đối với các nền kinh tế châu Á?

Ông Menon cũng chỉ ra những lo ngại cho rằng việc IPEF thúc đẩy tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng thực sự là nhằm "cố gắng đẩy Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng và có thể phá vỡ mạng lưới khu vực mà ASEAN là thành viên".

Tác động kinh tế cũng sẽ phụ thuộc vào số lượng thành viên của khuôn khổ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo hồi tháng 11/2021 cho biết trong chuyến công du châu Á rằng, khuôn khổ kinh tế mới sẽ "linh hoạt và bao trùm", và do đó sẽ mở cửa cho các thành viên mới.

Trong khi đó, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch mới của Mỹ. Khi được hỏi về IPEF trong một cuộc họp báo ngày 12/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương "không phải là bàn cờ cho một cuộc cạnh tranh địa chính trị", và Trung Quốc bác bỏ "các vòng tròn nhỏ mang tâm lý Chiến tranh Lạnh".

Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam