Tin tức

Thông đường cho thủy sản vào EU

06/05/2022    240

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng cho xuất khẩu nông sản và thủy sản của Việt Nam. Để từng bước chiếm lĩnh thị trường, trước hết, DN trong nước cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ, thực thi các quy định của Hiệp định EVFTA.

Thị trường bền vững, giàu tiềm năng

Ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (ngày 1/8/2020), đã tạo ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU nhờ hàng loạt cam kết ưu đãi thuế quan. Cụ thể, khoảng 220 dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở 0 - 22%, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3 - 7 năm, góp phần cho thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá so với sản phẩm cùng ngành ở các nước khác. Ngoài ra, sau chiến dịch tiêm phòng Covid-19 và gói kích thích kinh tế từ đầu năm 2021, nhu cầu thủy sản tại thị trường EU đã hồi phục rõ rệt.

Đánh giá về tiềm năng thị trường EU, ở góc độ DN, bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEPPRO (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam) cho biết, EU là thị trường lớn với nhiều phân khúc thị và sản phẩm. Trong hơn 10 năm qua, sản lượng thủy sản của Việt Nam tăng đều theo các năm, từ 4,9 triệu tấn năm 2009 lên 8,7 triệu tấn năm 2021. Hơn nữa, người dân châu Âu ngày càng ưa chuộng sản phẩm cá thịt trắng vì yếu tố sức khỏe, trong khi ý thức bảo vệ môi trường và nguồn lợi hải sản ngày càng cao nên cơ hội cho cá nuôi xuất khẩu càng lớn.

Cùng chung quan điểm, Tham tán thương mại tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia Nguyễn Thị Hoàng Thúy thông tin, tại các siêu thị ở Bắc Âu ngày càng có nhiều nguồn cung cấp các sản phẩm tiện lợi và đồ ăn sẵn. Các sản phẩm tiện lợi và đồ ăn sẵn được nhập khẩu từ sản phẩm thô, sau đó được gia tăng giá trị bởi những công ty chế biến thực phẩm. Khi ngày càng có nhiều người mua sản phẩm tiện lợi, các DN chế biến sẽ tăng mua sản phẩm thô. Đây sẽ là cơ hội cho DN xuất khẩu nếu có thể cung cấp cho bên chế biến một sản phẩm được tiêu chuẩn hóa và dễ dàng gia công, chế biến hoặc cung cấp các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn cho thị trường.

Mặt khác, thuế nhập khẩu tôm của Việt Nam được giảm về 0% trong thời gian từ 3 - 5 năm, so sánh với các nước khác, thuế tôm chân trắng của Thái Lan, Ecuador là 12%. Sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam gần như không có đối thủ. Tương tự, thuế cá tra đông lạnh Việt Nam được EU giảm về 0% trong 3 năm, trong khi đó mức thuế của Indonesia là 5,5%, của Trung Quốc là 9%. Các loại thủy sản khác như hàu, sò điệp, bạch tuộc từ Việt Nam cũng được giảm thuế ngay về 0%. Đây là cơ hội rất tốt cho DN Việt Nam.

Nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước

Được đánh giá là thị trường có sức tiêu thụ và quy mô lớn, nên rất nhiều nước thúc đẩy xuất khẩu thủy sản vào EU. Vì thế, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ. Trong khi ngành thủy sản hiện nay vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, chưa có quy hoạch, các sản phẩm thủy sản còn đơn điệu, chưa đem lại giá trị gia tăng cao. Mức độ công nghệ hóa thấp gây ra việc kiểm soát môi trường chưa đảm bảo, bên cạnh đó các yêu cầu từ thị trường, nhà nhập khẩu (chất lượng, môi trường, lao động, sản xuất bền vững, trách nhiệm xã hội) ngày càng khắt khe hơn.

Thống kê cho thấy, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2021. Riêng thị trường EU sau 2 năm liên tiếp xuất khẩu giảm sút, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 28 triệu USD, tăng gần 76%, tôm xuất khẩu đạt 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu đơn lẻ sang 3 thị trường chính là Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt 77%, 59% và 82%.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Cafatex Nguyễn Văn Kịch chỉ ra, vấn đề của ngành thủy sản Việt Nam chính là khâu nguyên liệu. Chúng ta cần quy hoạch, tổ chức lại vùng nuôi kể cả vùng sản xuất giống để đáp ứng yêu cầu chế biến. Vấn đề của ngành tôm và thủy sản Việt Nam là quá phân tán, hạ tầng thiếu đồng bộ, chi phí sản xuất và giá thành quá cao làm giảm khả năng cạnh tranh so với nguyên liệu tôm của các nước.

Để có thể từng bước chiếm lĩnh thị trường, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy khuyến nghị, các DN cần vượt qua nhiều thách thức, đó chính là việc tuân thủ, thực thi những quy định của Hiệp định EVFTA, cụ thể như: Tuân thủ quy tắc xuất xứ; quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện tổ chức sản xuất, môi trường… Cùng đó, DN phải dán nhãn với các thông tin chính xác và xây dựng thương hiệu, kể chuyện về sản phẩm đi kèm với nghiên cứu phát triển sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng.

Đại diện cho các nhà nhập khẩu, ông Claus Nodrup - Trưởng ban Kinh doanh thủy sản đông lạnh Công ty I.Schroeder Hamrburg thông tin, xu hướng tiêu thụ cá tại châu Âu yêu cầu các chứng nhận rất rõ ràng, minh bạch, trung thực và chính xác. Nếu gian lận thì hậu quả sẽ rất nghiêm khắc và ảnh hưởng lâu dài. Chính vì vậy, các DN Việt Nam nên hết sức chú ý để giữ vững uy tín.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Lê Hoàng Tài cho biết, năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD; Mỹ là khách hàng lớn nhất với hơn 2 tỷ USD, Trung Quốc xếp thứ 2 với gần 1,2 tỷ USD và EU đứng thứ 3 đạt giá trị 1 tỷ USD, tương đương tỷ trọng 12%. Một trong những yếu tố giúp sản phẩm của Việt Nam tăng trưởng tốt ở thị trường EU, được cho là do các DN đã tận dụng tốt hiệp định thương mại tự do song phương.

“Để tận dụng tốt điều kiện ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, giúp các DN vượt qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh thực thi Hiệp định cũng như chịu tác động xấu từ đại dịch Covid-19, rất cần các chính sách thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng” - ông Lê Hoàng Tài cho hay.

Nguồn: Báo điện tử Kinh tế & Đô thị