Tin tức

Hiệp định UKVFTA: Hai "đòn bẩy" lớn cho giao thương giữa Việt Nam - Anh

05/05/2022    261

Sau 1 năm chính thức thực thi đầy đủ (1/5/2021), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc đã cung cấp hai "đòn bẩy" lớn cho giao thương giữa hai nước. Đó là đòn bẩy miễn giảm thuế và đòn bẩy tiêu chuẩn hóa khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động thương mại song phương.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland với phóng viên Báo Công Thương.

Sau 1 năm chính thức thực thi đầy đủ (1/5/2021 - 1/5/2022) và gần 1 năm rưỡi có hiệu lực tạm thời (1/1/2021), xin ông cho biết những thành tựu nổi bật, cũng như lợi thế mà Việt Nam đạt được?

Thương mại song phương Việt Nam - Anh năm 2021 đã hồi phục trở lại mức gần 6,6 tỷ USD sau khi bị giảm sút đáng kể trong năm 2019 và 2020. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 5,7 tỷ USD tăng 16,4% so với năm 2020. Các nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng cao gồm rau, quả tăng 67%, cà phê tăng 17%, hạt tiêu tăng 49%, sản phẩm mây, tre, cói, thảm tăng 56%, sắt thép nguyên liệu tăng 1.269%, sản phẩm thép tăng 100%, đồ chơi và dụng cụ thể thao tăng 19%.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này cũng có kết quả tích cực với tổng kim ngạch đạt gần 850 triệu USD, tăng 23,6% so với năm 2020.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh ước đạt hơn 4,8 tỷ USD, với các nhóm hàng chủ lực là thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, các sản phẩm từ chất dẻo, hàng may mặc, giầy dép, sắt thép, điện thoại, máy vi tính, máy móc thiết bị phụ tùng, đồ chơi và dụng cụ thể thao.

Những kết quả trên đã thể hiện sự tích cực, chủ động của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc khai thác các cơ hội mới, khi nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn trước so với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Brasil,... vì những nước này chưa có Hiệp định thương mại tự do với Anh quốc.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Anh đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam cũng là nhân tố rất tích cực trong việc vận dụng những lợi thế mới và tạo hiệu ứng lan tỏa tới các doanh nhân và nhà đầu tư tại Anh.

Tôi cho rằng, Hiệp định UKVFTA đã cung cấp hai "đòn bẩy" lớn cho giao thương giữa hai nước. Đó là đòn bẩy miễn giảm thuế và đòn bẩy tiêu chuẩn hóa khung pháp lý điều chỉnh các hoạt động thương mại song phương. Ngoài ra, đòn bẩy tâm lý cũng có hiệu ứng rất tích cực. Bởi UKVFTA đang tạo ra nhận thức mới trong giới doanh nhân và người tiêu dùng Anh về một đất nước Việt Nam đang phát triển ổn định, có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu, có thị trường tiêu dùng hấp dẫn và có một thể chế chính trị đã và đang cải cách thành công.

Có thể nói, nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông sản, rau, quả… đã lên kệ các siêu thị trung và cao cấp của Vương quốc Anh, tuy nhiên, thị phần hàng hóa Việt Nam chiếm chưa đến 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh. Vẫn còn nhiều mặt hàng chưa khai thác hết tiềm năng. Đơn cử như mặt hàng gạo, trong cả năm 2021, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu được 5.000 tấn gạo thơm sang Anh, thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu của nhà nhập khẩu Anh? Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

Sau 1 năm thực thi hiệp định không thể tránh khỏi một số vướng mắc về thủ tục hành chính cả từ hai phía. Việc cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo của phía Việt Nam và cấp giấy phép nhập khẩu gạo thơm theo chế độ hạn ngạch thuế quan từ phía Anh trong năm 2021 không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những vướng mắc này đã cơ bản được tháo gỡ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2022/NĐ-CP về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Với việc ban hành Nghị định này, tôi tin tưởng rằng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ xuất khẩu được nhiều gạo hơn sang Anh quốc trong năm 2022.

Một lý do nữa về việc hàng hóa Việt Nam chiếm thị phần rất nhỏ so với tổng lượng nhập khẩu vào Anh, đó chính là chi phí vận chuyển hàng hóa bằng container theo đường biển từ Việt Nam sang Anh tăng mạnh từ đầu năm 2021. Đây cũng là một yếu tố khách quan bất lợi. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu Anh đã chuyển đơn hàng sang các nước châu Phi và Đông Âu để tiết giảm chi phí vận chuyển.

Ngoài ra, thủ tục hải quan vẫn chưa thực sự thông thoáng. Đại diện Công ty EUTEK Group tại Nottingham chuyên nhập khẩu và phân phối nông sản thực phẩm đã chia sẻ với tôi rằng, họ có thể nhập khẩu nhiều rau tươi và trái cây tươi hơn nếu Hải quan Anh làm thủ tục thông quan nhanh hơn và công nhận các chứng chỉ chất lượng sản phẩm do các phòng xét nghiệm được ủy quyền tại Việt Nam cấp thay cho việc xét nghiệm sản phẩm tại cảng đến.

Hiện nay, Chính phủ Anh quốc sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức “có đi có lại” với các đối tác nước ngoài thông qua các FTA. Bên cạnh đó, Anh quốc cũng thể hiện quyết tâm gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Liệu đây có phải là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi phải cạnh tranh với các đối tác?

Chính phủ Anh đang thúc đẩy thêm nhiều FTA trong đó có CPTPP. Trong tương lai, thị trường Anh sẽ tự do hóa hơn với sản phẩm của nhiều nước hơn và sẽ cạnh tranh hơn. Lợi thế UKVFTA hiện nay đối với một số sản phẩm Việt Nam sẽ giảm dần nếu doanh nghiệp Việt Nam không kịp tăng tốc chiếm lĩnh thị trường và xây dựng quan hệ bạn hàng bền vững với các doanh nghiệp Anh.

Vấn đề phân phối, kết nối, quảng bá thương hiệu, hay là các phương thức thanh toán… vẫn là rào cản của doanh nghiệp Việt Nam với thị trường Anh quốc, ông đánh giá như nào về nỗ lực của doanh nghiệp vượt qua rào cản này, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 vừa qua?

Những doanh nghiệp Việt Nam đã có bạn hàng tại Anh không gặp phải rào cản đáng kể nào. Các doanh nghiệp này đã phát triển xuất khẩu thuận lợi ngay sau khi UKVFTA có hiệu lực. Chỉ các doanh nghiệp mới, có quy mô nhỏ, chưa có bạn hàng tại Anh thì mới gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường. Trong thời gian dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tích cực tham gia các chương trình tư vấn trực tuyến do Thương vụ phối hợp với các đơn vị trong nước tổ chức để tìm hiểu phương pháp thâm nhập thị trường Anh. Hội doanh nhân Việt Nam tại Anh và các chuyên gia thị trường sở tại do Thương vụ kết nối đang giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua các rào cản nêu trên. Tôi tin tưởng các doanh nghiệp này sẽ từng bước xuất khẩu được sản phẩm sang Anh quốc.

Cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành đã có những hỗ trợ gì cho doanh nghiệp trong việc thực thi Hiệp định này? Và ông có lời khuyên gì với doanh nghiệp để họ có thể tận dụng hiệu quả hơn nữa những cơ hội mà Hiệp định UKVFTA mang lại?

Bộ Công Thương đã rất tích cực chủ động phổ biến những lợi ích của Hiệp định tới cộng đồng doanh nghiệp và phối hợp với các bộ ngành trình Chính phủ ban hành các Nghị định và văn bản pháp quy hướng dẫn thực thi Hiệp định.

Để có thể tận dụng hiệu quả hơn nữa những cơ hội do UKVFTA mang lại, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo sản phẩm và quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn Anh, tuyển dụng sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại các trường đại học của Anh phụ trách bán hàng sang Anh, tham dự hội chợ chuyên ngành quốc tế để giới thiệu sản phẩm và gặp gỡ khách hàng; và cần kiên trì theo đuổi các khách hàng tiềm năng khó tính.

Xin cám ơn ông!

Nguồn: Báo Công Thương