Tin tức

Đài Loan thông qua các sửa đổi về sở hữu trí tuệ tuân thủ Hiệp định CPTPP

20/04/2022    256

Cơ quan lập pháp Đài Loan mới đây đã thông qua một loạt sửa đổi đối với luật sở hữu trí tuệ. Đây là một phần trong nỗ lực của đất nước nhằm tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Được biết, các sửa đổi đối với luật Bản quyền, luật Nhãn hiệu và luật Bằng sáng chế đã được Nội các thông qua dưới dạng bản nháp và gửi tới Cơ quan lập pháp vào tháng 1/2022.

Ngày 15/4, Bộ kinh tế thông báo khung pháp lý mới về quyền sở hữu trí tuệ sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn quy định trong hiệp định thương mại tự do CPTPP, và dự kiến sẽ giúp ích trong các cuộc đàm phán của Đài Loan để gia nhập khối thương mại 11 thành viên.

Các sửa đổi cũng giúp luật pháp được cập nhật và cải thiện các biện pháp bảo vệ đối với chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Các sửa đổi được Bộ Kinh tế Đài Loan nêu ra như sau: 

Sửa đổi trong Luật bản quyền, nhãn hiệu

Hiệp định CPTPP quy định các thủ tục và hình phạt hình sự được áp dụng trong một số trường hợp cố ý làm giả nhãn hiệu hoặc vi phạm bản quyền. Do đó, Luật Bản quyền và luật Nhãn hiệu sửa đổi sẽ cho phép các công tố viên điều tra một loạt các vi phạm bản quyền hoặc nhãn hiệu mà trước đây chủ sở hữu quyền chỉ có thể gửi tới tòa án hình sự.

Theo luật sửa đổi, công tố viên có thể tiến hành điều tra các trường hợp nghi ngờ vi phạm bản quyền như sách, tài liệu in lậu. Bộ Kinh tế cho biết việc mua bán các tài liệu lậu sẽ gây thiệt hại tài chính của đất nước ít nhất 1 triệu Đài tệ (tương đương hơn 34 nghìn đô la Mỹ).

Đối với luật nhãn hiệu, việc loại bỏ từ “cố ý” được hiểu là trách nhiệm dân sự trong các vụ vi phạm sẽ được quyết định sau khi tòa án xem xét các cá nhân liên quan thực hiện hành vi có chủ đích hay sơ suất.

Theo Bộ, hình phạt hình sự cũng đã được bổ sung vào Luật nhãn hiệu nhằm xử lý các tội liên quan đến sử dụng trái phép nhãn hiệu để sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, bán, trưng bày và sở hữu hàng hóa hoặc dịch vụ giả mạo.

Sửa đổi trong luật Bằng sáng chế

Trong khi đó, việc sửa đổi Luật Sáng chế đã thiết lập một cơ chế pháp lý toàn diện hơn khi đề cập đến các tranh chấp về thuốc gốc, hiện thuộc Luật dược phẩm của Đài Loan.

Luật Sáng chế sửa đổi cung cấp cơ sở pháp lý để chủ sở hữu bằng sáng chế của các loại thuốc mới có thể đệ đơn kiện các nhà sản xuất thuốc chưa được cấp phép ra tòa. Luật cũng bảo vệ các nhà sản xuất thuốc này nếu chủ sở hữu bằng sáng chế không nộp hồ sơ pháp lý trong một khoảng thời gian nhất định hoặc nếu nhà sản xuất thuốc nhận được tuyên bố không vi phạm từ tòa.

Được biết tháng 9/2021, Đài Loan đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định thương mại tự do do 11 nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore và Việt Nam ký vào tháng 3/2018.

Trong năm 2021, Trung Quốc, Vương quốc Anh và Ecuador cũng xin gia nhập khối thương mại, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 10,6 nghìn tỷ USD và chiếm 13,3% GDP của thế giới.

Hãng thông tấn Yonhap mới đây cũng đưa tin Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định kế hoạch nộp đơn chính thức gia nhập khối thương mại sau khi hoàn tất các thủ tục trong nước.

Nguồn: Tạp chí Sở hữu trí tuệ