Tin tức

Nông dân, ngư dân Hàn Quốc biểu tình phản đối chính phủ gia nhập CPTPP

01/04/2022    156

Liên minh nông dân và ngư dân Hàn Quốc biểu tình phản đối chính phủ tham gia hiệp định thương mại CPTPP, vì cho rằng sinh kế bị đe dọa khi mở cửa thị trường.

Theo đại diện liên minh nông dân và ngư dân Hàn Quốc, với việc chính phủ có động thái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ khiến cho sinh kế của họ bị đe dọa rất lớn, một khi chính phủ mở cửa thị trường cho những nhà xuất khẩu nông, thủy sản với giá rẻ hơn trên toàn cầu nhảy vào thị trường Hàn Quốc.

Trong khi đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được nhiều người coi là một bước đi quan trọng để củng cố vị thế toàn cầu của nền kinh tế tập trung vào sản xuất và dựa vào xuất khẩu của Hàn Quốc.

Đây chính là lý do tại sao một số tổ chức tư vấn thuộc nhà nước, bao gồm cả Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế Hàn Quốc (KIEP) và các nhà hoạch định chính sách đã tìm cách tham gia vào thỏa thuận thương mại lớn này.

Họ cho rằng việc gia nhập CPTPP có thể dẫn đến nền kinh tế tăng trưởng GDP hàng năm từ 0,33 đến 0,35%, với khoảng 3,6 nghìn tỷ won (tương đương 2,9 tỷ USD) lợi ích ​​cho người tiêu dùng Hàn Quốc. Lý do là tổng kim ngạch thương mại của các nước thành viên CPTPP chiếm 15% tới tổng kim ngạch thương mại thế giới.

Theo giới quan sát, các cuộc biểu tình dữ dội của hàng chục nhóm hội đại diện cho quyền lợi của nông dân và ngư dân Hàn Quốc (bao gồm cả Liên đoàn Nông dân Tiến bộ Hàn Quốc (KAFF)) đã tổ chức một cuộc biểu tình, tuần hành ở gần Khu liên hợp Chính phủ Sejong, từ ngày 25 tháng 3 đến nay. Đây cũng là địa chỉ mà chính phủ đã lên kế hoạch cho một phiên thuyết trình công khai để giãi bày về thương mại, thị trường và tác động tăng trưởng kinh tế mà Hiệp định CPTPP sẽ mang lại.

Các nguồn tin địa phương cho biết, một số người biểu tình quá khích đã xông vào tòa nhà, làm gián đoạn các phiên họp có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, học giả và các quan chức trong ngành nông, ngư nghiệp.

Họ nói rằng các ngành nông nghiệp và đánh bắt cá truyền thống của Hàn Quốc đang bị dồn vào chân tường mà không có bất cứ biện pháp nào đối phó, nhằm bù đắp cho những khoản thu nhập bị giảm đi đáng kể hoặc bị mất hoàn toàn.

Một quan chức thuộc KAFF cho biết: “Việc Hàn Quốc tham gia Hiệp định CPTPP sẽ dẫn đến dòng chảy ồ ạt của các sản phẩm nước ngoài có giá rẻ hơn vào thị trường nội địa”. Vị này nói thêm: "Chính phủ đang đẩy nhanh việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu với lý do là vì lợi ích lớn hơn của đất nước. Trong khi đó, những lo lắng về sinh kế, đời sống của toàn bộ lực lượng nông dân, ngư dân và lao động trong hai ngành công nghiệp truyền thống này bị bỏ rơi hoặc nhu cầu tối thiểu của họ không được đáp ứng”.

Sự phản đối mạnh mẽ của liên minh nông và ngư dân Hàn Quốc được giải thích một phần là do việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) tương tự nhưng ít có tác động hơn vào tháng trước. RCEP là hiệp định thương mại giữa 15 quốc gia, trong đó có 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trong khi đó CPTPP là một bản hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 quốc gia thành viên gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Nếu tham gia, Hàn Quốc sẽ phải mở cửa 85% thị trường nông sản địa phương cho các sản phẩm nước ngoài theo RCEP, và con số này sẽ tăng vọt lên 95% khi nước này theo đuổi việc gia nhập CPTPP.

Quá trình hình thành Hiệp định CPTPP

Tiền thân của Hiệp định CPTPP là Hiệp định TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) được thành lập vào năm 2008 với sự tham gia của 7 nước. Trong đó có 4 nước khởi xướng gồm Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, 3 nước thành viên còn lại có Mỹ, Australia và Peru. Một năm sau, Việt Nam tham gia Hiệp định TPP với tư cách là quan sát viên đặc biệt.

Trải qua 3 phiên đàm phán, tại Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức vào tháng 11/2010 ở Yokohama (Nhật Bản), Việt Nam tuyên bố trở thành thành viên chính thức của Hiệp định TPP. Cùng thời điểm này, TPP cũng tiếp nhận thêm 4 thành viên khác là Malaysia, Mexico, Canada và Nhật Bản, nâng tổng nước thành viên lên con số 12.  Tuy nhiên, vào tháng 1/2017, Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định TPP, 11 quốc gia còn lại đã tích cực nghiên cứu, trao đổi, bổ sung và thống nhất thay tên Hiệp định TPP thành Hiệp định CPTPP như ngày nay. Về cơ bản, CPTPP vẫn giữ nguyên các nội dung cam kết chính từ Hiệp định TPP, nhất là các cam kết mở cửa thị trường.

Ngày 8 tháng 3 năm 2018, Việt Nam cùng đại diện các nước đã chính thức ký kết Hiệp định CPTPP tại thành phố Santiago (Chile). CPTPP chính thức có hiệu lực đối với 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định gồm Nhật Bản, Mexico, Singapore, Canada, New Zealand và Australia từ ngày 30/12/2018. Riêng với Việt Nam, Hiệp định chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019.

Lợi ích khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP là thúc đẩy phát triển xuất khẩu, đặc biệt là một số thị trường lớn như Canada hay Nhật Bản sẽ cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa Việt Nam, tạo ra những tác động tích cực thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu.

Song song đó, khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được hưởng cắt giảm thuế quan rất ưu đãi. Ngoài ra, CPTPP sẽ nâng tầm nền kinh tế nhờ tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nhờ sự rộng mở của cánh cửa cung ứng hàng hóa, dịch vụ sang thị trường các nước lớn.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam