Tin tức

Không đạt tiến triển trong đàm phán thương mại, Mỹ 'bắt tay' chặt chẽ với đồng minh đối phó với Trung Quốc

01/04/2022    41

Quan chức thương mại hàng đầu của Washington ngày 30/3 cho biết, các cuộc đàm phán với Bắc Kinh không có tiến triển và Mỹ phải làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh tế với cả các đồng minh truyền thống và các quốc gia bên ngoài, đặc biệt là ở châu Á và châu Phi.

Phát biểu trước Ủy ban Phương tiện và Cách thức Hạ viện Mỹ ngày 30/3, Đại diện Thương mại Katherine Tai nói rằng các cuộc đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề ngoài thỏa thuận giai đoạn một từng đạt được hơn hai năm trước "đã quá khó khăn và cần lật ngược lại trang vở cũ".

Bà nói thêm: “Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng việc phát triển các công cụ nội địa mới và đầu tư chiến lược để duy trì lợi thế cạnh tranh toàn cầu của Mỹ”, đồng thời thúc giục các nhà lập pháp thông qua phiên bản cuối cùng của đạo luật.

Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn một đạt được dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump năm 2020, Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong thời gian hai năm 2020 và 2021.

Thỏa thuận này đã chính thức hết hạn từ cuối tháng 12/2021, với việc Bắc Kinh không hoàn thành mục tiêu và cả hai bên đều không thống nhất về một vòng đàm phán mới.

"Điều ngày càng trở nên rõ ràng hơn là những năm gần đây và trong vài tháng qua, Trung Quốc vẫn dựa trên các kế hoạch không bao gồm các cải cách có ý nghĩa nhằm giải quyết các mối quan tâm của chúng tôi hoặc của các đồng minh của chúng tôi", bà Katherine Tai dẫn chứng.

Ngay những ngày đầu sau khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với các đồng minh và đối tác, phần lớn là do căng thẳng thương mại kéo dài với Bắc Kinh.

Kế hoạch này bao gồm các sáng kiến mới hoặc được tái khởi động, trong số đó phải kể đến việc ra mắt Hội đồng Công nghệ và Thương mại Mỹ-EU; khôi phục Diễn đàn Chính sách Thương mại (TPF) Mỹ-Ấn Độ; Đối thoại Mỹ-Anh về Tương lai Thương mại Đại Tây Dương nhằm tăng cường thương mại song phương diễn ra ngày 21/3/2022.

Bà Mary Lovely, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ) nói rằng Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ nhờ những nỗ lực trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực tài chính.

Nhưng bà cũng lưu ý đến những rào cản, bao gồm cả việc Trung Quốc sử dụng các hàng rào phi thuế quan để làm chậm xuất khẩu của Mỹ trong cuộc chiến thương mại. “Tôi không biết liệu có nhiều cơ sở để xoa dịu những căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên vào thời điểm này hay không", bà Lovely nói.

Theo bà Lovely, việc cải thiện mạnh mẽ mối quan hệ với các đồng minh, đặc biệt là với châu Âu của chính quyền Biden đã mang lại kết quả đáng kể. "Quan điểm từ châu Âu đã có sự thay đổi và họ thực sự nhận thấy mối quan hệ đối tác đang phát triển rất nhanh dưới thời chính quyền Tổng thống Biden", bà nói.

Hạ nghị sĩ Adrian Smith cũng thúc giục thiết lập một quy trình dễ dàng hơn để các công ty Mỹ giành được miễn trừ thuế quan áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc.

"Quan điểm chúng tôi là tất cả những người Mỹ bị ảnh hưởng bởi thuế quan sẽ có cơ hội nộp đơn xin loại trừ", ông nói.

Khi được hỏi về việc liệu chính quyền Biden có xu hướng mở rộng các loại trừ thuế quan hơn nữa hay không, bà Katherine Tai cam kết sẽ thảo luận vấn đề này và các nhà lập pháp cũng đang cân nhắc.

Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam