Tin tức

G20 và RCEP - "chìa khóa" thúc đẩy sự phục hồi và phát triển toàn cầu hậu COVID-19

01/04/2022    183

Các tác giả cho rằng cách tốt nhất để chống lại xu hướng phi toàn cầu hóa là củng cố những kiến trúc hiện có của thương mại toàn cầu và gia tăng hợp tác.

Trong bài viết đăng tải trên tờ Australian Financial Review, chuyên gia Mari Pangestu, Giám đốc điều hành mảng Chính sách Phát triển và Quan hệ Đối tác của Ngân hàng Thế giới (WB) và chuyên gia Lili Yan Ing, cố vấn chính tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đông Nam Á (ASEAN) và Đông Á, nhận định lực cản chống lại toàn cầu hóa đang gia tăng do sự lo ngại rằng các lợi ích kinh tế của thương mại không được chia sẻ một cách bình đẳng.

Các tác giả cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine đang thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ, khi các lệnh trừng phạt Nga đã đẩy giá dầu và khí đốt lên mức cao mới và làm tăng lạm phát, đồng thời gây rối loạn hơn nữa chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cách tốt nhất để chống lại xu hướng phi toàn cầu hóa là củng cố những kiến trúc hiện có của thương mại toàn cầu và gia tăng hợp tác. Thương mại tiếp tục sẽ là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, với chuỗi giá trị toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Vào tháng 1/2022, tổng giá trị thương mại hàng hóa của thế giới đã tăng hơn 25% so với mức trước đại dịch, phần lớn là nhờ tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử và thiết bị điện tử, hàng hóa y tế và khoáng sản.

Các khu vực hội nhập cao vào chuỗi giá trị toàn cầu, bao gồm Đông Á, Đông và Trung Âu và khu vực Trung Đông, có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Những khu vực kém hội nhập hơn, bao gồm Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi, đã bị tụt hậu.

Ở châu Á, có hai nền tảng chính có thể thúc đẩy sự phục hồi kinh tế ở các nước đang phát triển. Đầu tiên là Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), đại diện cho 2/3 dân số thế giới, 90% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và 80% thương mại toàn cầu.

Một nền tảng khác là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đã có hiệu lực từ tháng 1/2022. 15 thành viên của hiệp định này đại diện cho 1/3 dân số, GDP, thương mại và đầu tư của thế giới.

Nhưng cả hai nền tảng đều đang đối diện với các vấn đề cần phải được giải quyết, để hỗ trợ đẩy lùi hơn nữa chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do thương mại dẫn dắt.

Các tác giả khuyến nghị cần cải thiện bốn lĩnh vực quan trọng. Trước hết là khơi thông những ách tắc về thủ tục tại biên giới, giúp cải thiện dòng chảy thương mại. Chi phí thương mại tại các quốc gia đang phát triển thường lớn hơn nhiều so với các quốc gia phát triển, do các thủ tục biên giới phức tạp, hậu cần và cơ sở hạ tầng kém hiệu quả. Và thuế quan chỉ chiếm 7% trong sự chênh lệch này giữa các nước phát triển và đang phát triển.

Việc cải thiện sự kết nối thông qua các sáng kiến khu vực về hạ tầng và hậu cần sẽ là "chìa khóa" quan trọng. Nhưng các vấn đề thương mại toàn cầu chỉ có thể được giải quyết và quản lý bằng một hệ thống đa phương mạnh mẽ, đáng tin cậy và hoạt động tốt.

Chương trình cải cách của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại cuộc họp của Nhóm công tác về Thương mại, Đầu tư và Công nghiệp thuộc G20 có thể hỗ trợ các cuộc đàm phán về những vấn đề đang vướng mắc, khiến Hội nghị cấp bộ trưởng của WTO đã bị tạm hoãn.

Thứ hai, thương mại trong lĩnh vực dịch vụ và sự di chuyển lao động cần được nâng cao để mang lại cơ hội mới cho thương mại, tạo thêm việc làm và chuyển đổi kỹ thuật số. Việc mở cửa lĩnh vực dịch vụ nhiều tham vọng hơn có thể đem lại hiệu quả cho thương mại trong lĩnh vực dịch vụ lớn hơn.

Các giao thức số hóa an toàn cũng sẽ hỗ trợ cho hoạt động đi lại kinh doanh và du lịch. Để làm được điều đó, cần phải tạo lập và duy trì các mối quan hệ đối tác giữa khu vực tư nhân và nhà nước, để tăng nguồn vốn cần thiết dùng cho việc thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và cải thiện kỹ năng kỹ thuật số.

Thứ ba, thương mại nên được sử dụng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Với những chính sách đúng đắn, thương mại có thể giúp các quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động của nó. Thương mại hàng hóa, dịch vụ môi trường và các công nghệ mới nhất có thể giúp tạo ra các loại hạt giống mới, có khả năng chịu hạn hán tốt hơn cho người nông dân và các tấm pin Mặt Trời dùng trong các dự án năng lượng tái tạo, cung cấp nguồn năng lượng sạch hơn.

Các nước đang phát triển phải có vị trí trong các cuộc họp bàn soạn thảo quy định liên quan tới môi trường và thương mại toàn cầu. Việc thiết kế chính sách và thống nhất tiêu chuẩn về các phương thức thực hành thương mại bền vững với môi trường có thể giúp ích rất nhiều cho việc hỗ trợ chuỗi cung ứng bền vững, đóng góp vào hành động vì khí hậu toàn cầu.

Cuối cùng, thương mại cần phải đóng góp vào sự phát triển bình đẳng. Các chính sách phải đảm bảo sự phân phối công bằng những lợi ích thu được từ thương mại, bao gồm mạng lưới an sinh xã hội, hỗ trợ tài chính và hỗ trợ cho người lao động bị thay thế.

Ở cấp độ đa phương, khu vực và song phương, điều quan trọng là phải tăng cường hợp phần đối tác của các hiệp định, để đảm bảo rằng hợp tác kinh tế và kỹ thuật sẽ giúp các nước kém phát triển gặt hái được những lợi ích từ hội nhập kinh tế.

Sự kết hợp của những thách thức và sự đồng thuận có nghĩa là RCEP và các nước thành viên G20 sẽ có nhiều hơn nữa cơ hội giúp thúc đẩy hoạt động thương mại toàn cầu nhộn nhịp trở lại vì sự phát triển và dành cho tất cả mọi người. Hai nền tảng này cũng có thể đóng góp vào một tương lai kiên cường và bền vững hơn của thế giới.

Kết thúc bài viết, hai tác giả khẳng định G20 và RCEP có thể giúp hình thành và thúc đẩy các chương trình nghị sự cải cách trong nước, cũng như sự hội nhập kinh tế sâu rộng hơn với các chính sách đúng đắn và hiệu quả, nhằm đạt được sự phát triển xanh, bền vững và bao trùm.

Nguồn: Bnews