'Chìa khóa' giúp phục hồi và phát triển toàn cầu hậu đại dịch COVID-19
30/03/2022 308Thương mại tiếp tục sẽ là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, với chuỗi giá trị toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Hai nền tảng gồm Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có thể giúp thúc đẩy hoạt động thương mại toàn cầu nhộn nhịp trở lại, cũng như đóng góp vào một tương lai bền vững hơn của thế giới sau đại dịch COVID-19.
Đây là nhận định của các tác giả bài viết đăng tải trên tờ Australia Financial Review số ra mới đây.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, trong bài viết, chuyên gia Mari Pangestu, Giám đốc điều hành mảng Chính sách phát triển và quan hệ đối tác của Ngân hàng Thế giới (WB) và chuyên gia Lili Yan Ing, cố vấn chính tại Viện Nghiên cứu kinh tế Đông Nam Á (ASEAN) và Đông Á, nhận định lực cản đối với toàn cầu hóa đang gia tăng do sự lo ngại rằng các lợi ích kinh tế của thương mại không được chia sẻ một cách bình đẳng.
Các tác giả cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine đang thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ, khi các lệnh trừng phạt áp đặt đối với Nga đã đẩy giá dầu và khí đốt lên nấc cao mới và làm tăng lạm phát, đồng thời gây rối loạn hơn nữa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cách tốt nhất để chống lại xu hướng phi toàn cầu hóa là củng cố những kiến trúc hiện có của thương mại toàn cầu và gia tăng hợp tác.
Thương mại tiếp tục sẽ là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, với chuỗi giá trị toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Tháng 1/2022, tổng giá trị thương mại hàng hóa của thế giới đã tăng hơn 25% so với mức trước đại dịch, phần lớn là nhờ tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử và thiết bị điện tử, hàng hóa y tế và khoáng sản.
Các khu vực hội nhập cao vào chuỗi giá trị toàn cầu bao gồm Đông Á, Đông và Trung Âu và khu vực Trung Đông. Những nước kém hội nhập hơn bao gồm Nam Á, Mỹ Latinh và châu Phi.
Ở châu Á có hai nền tảng chính có thể thúc đẩy sự phục hồi kinh tế ở các nước đang phát triển. Đầu tiên là G20, đại diện cho 2/3 dân số thế giới, 90% GDP của thế giới và 80% thương mại toàn cầu.
Một nền tảng khác là RCEP đã có hiệu lực từ tháng 1/2022, với 15 thành viên đại diện cho 1/3 dân số, GDP, thương mại và đầu tư của thế giới.
Tuy nhiên, cả hai nền tảng đều đang đối diện với các vấn đề cần phải được giải quyết, để hỗ trợ đẩy lùi hơn nữa chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các tác giả khuyến nghị cần cải thiện các lĩnh vực quan trọng nhằm khơi thông những ách tắc về thủ tục tại biên giới, giúp cải thiện dòng chảy thương mại.
Ở cấp độ đa phương, khu vực và song phương, điều quan trọng là phải tăng cường quan hệ đối tác của các hiệp định, để đảm bảo rằng hợp tác kinh tế và kỹ thuật sẽ giúp các nước kém phát triển gặt hái được những lợi ích từ hội nhập kinh tế.
Sự kết hợp của những thách thức và sự đồng thuận có nghĩa là RCEP và G20 sẽ có nhiều hơn nữa cơ hội giúp thúc đẩy hoạt động thương mại toàn cầu nhộn nhịp trở lại.
Hai nền tảng này cũng có thể đóng góp vào một tương lai bền vững hơn của thế giới.
Kết thúc bài viết, hai tác giả khẳng định G20 và RCEP có thể giúp hình thành và thúc đẩy các chương trình nghị sự cải cách trong nước, cũng như sự hội nhập kinh tế sâu rộng hơn với các chính sách đúng đắn và hiệu quả, nhằm đạt được sự phát triển xanh, bền vững và bao trùm.
Nguồn: VietnamPlus
- Định hình lại chiến lược để nâng tầm vị thế cho doanh nghiệp Việt
- Vượt Bangladesh, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 về xuất khẩu hàng dệt may
- Nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường tài chính châu Á 2025
- EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?
- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế xanh