Tin tức

Thị trường EU mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt

25/02/2022    385

Dự báo năm 2022, các mặt hàng như cà phê, hạt điều, hạt tiêu, gạo, chè tiếp tục đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của nông sản Việt sang EU.

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Qua một năm rưỡi thực hiện, Hiệp định đã phát huy tác dụng thúc đẩy xuất khẩu trên nhiều lĩnh vực, trong đó có nông sản. Người Đưa Tin phỏng vấn ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương về tác động của Hiệp định với hai mặt hàng gạo và hạt điều.

EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo tiềm năng

NĐT: Hiệp định EVFTA không chỉ đem đến cơ hội cho các sản phẩm công nghiệp mà cả các mặt hàng nông sản, trong đó có gạo Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU. Những cơ hội này là gì thưa ông?

Ông Trần Thanh Hải: Mặc dù EU hiện chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam (chiếm 1% về lượng và 1,3% về kim ngạch) nhưng đây lại là thị trường tiềm năng về xuất khẩu các loại gạo có giá trị cao.

Trong năm 2021, lượng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 60 nghìn tấn, trị giá 41 triệu USD, tăng gần 1% về lượng, nhưng tăng hơn 20% về trị giá so với năm 2020. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong 10 nguồn cung gạo ngoại khối lớn cho EU, gạo xuất khẩu của Việt Nam vào EU đạt mức tăng giá mạnh nhất, tăng 20,3%, đạt trung bình 781 USD/tấn.

Trong đó, một số giống gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25 lần đầu tiên được xuất khẩu vào các thị trường trong khối EU. Tỉ trọng gạo thơm trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU cũng đã tăng lên 70%.

Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm.

Điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho mặt hàng gạo của Việt Nam tại thị trường EU, cụ thể như: tận dụng các ưu đãi về thuế theo Hiệp định EVFTA; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam với chất lượng và mức giá có ưu thế so với các đối thủ lớn trên thị trường như Thái Lan hay Ấn Độ; tăng khả năng, cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường EU của doanh nghiệp, đặc biệt với các dòng gạo thơm, phẩm chất cao.

Với nhu cầu ổn định, đặc biệt là ở mức cao đối với các loại gạo đặc sản từ châu Á, trong thời gian tới EU sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia tại khu vực này đang dần thích nghi, hồi phục sau dịch Covid-19.

NĐT: Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần làm gì để tăng thị phần xuất khẩu gạo tại thị trường này?

Ông Trần Thanh Hải: Thị phần gạo Việt Nam trong tổng nhập khẩu gạo của EU đã tăng nhẹ trong năm 2021, nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của Việt Nam. Đồng thời thấp hơn nhiều so với các nước khác trong cùng khu vực Đông Nam Á như Campuchia (hơn 130.000 tấn), Thái Lan (hơn 180.000 tấn) hay Myanmar (hơn 290.000 tấn).

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, các vấn đề về chi phí logistics tăng cao, tình trạng thiếu container rỗng, không có chỗ trống trên các chuyến tàu, hay thiếu lao động bốc dỡ do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình nhập khẩu gạo của EU từ các nhà cung cấp chính tại ASEAN.

Trong khi đó, EU tăng nhập khẩu gạo từ Pakistan, Ấn Độ, Achentina, Urugoay, Paragoay và Brazil... do những thị trường này đã tận dụng được lợi thế về việc giảm giá và năng lực xuất khẩu tốt để gia tăng thị phần xuất khẩu vào EU.

Để tận dụng, phát huy tốt tiềm năng cung ứng trong nước và lợi thế từ Hiệp định EVFTA để từng bước tăng thị phần xuất khẩu gạo tại thị trường này, doanh nghiệp cần:

Nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, trong đó, doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc, bài bản từ khâu sản xuất ở vùng nguyên liệu đến khâu chế biến để bảo đảm chất lượng đầu ra sản phẩm. Cần sớm có lưu ý đến việc triển khai các nội dung giúp nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt như xây dựng thương hiệu sản phẩm, hay phát triển nông nghiệp bền vững.

Nâng cao nhận thức về thị trường, thị hiếu, chính sách: Thời gian vừa qua, các quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của EU đã thay đổi và được cập nhật thường xuyên.

EU là thị trường lớn nhưng những quy định của thị trường này chủ yếu tập trung về an toàn thực phẩm, không liên quan gì đến việc phải đánh giá rủi ro, mở cửa thị trường như Nhật Bản, Mỹ, Australia… Tuy nhiên, yêu cầu của EU là phải đáp ứng được các yêu cầu về mức ô nhiễm vi sinh vật, mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.... Để đáp ứng các quy định của EU đòi hỏi doanh nghiệp phải vượt qua nhiều rào cản về kỹ thuật.

Ngoài ra, EU là thị trường khó tính. Việc sản phẩm gắn với yếu tố môi trường, phát triển bền vững, không sử dụng lao động trẻ em... là điều kiện kiên quyết. Thị trường EU sẵn sàng mua sản phẩm giá cao hơn 25% nếu doanh nghiệp có các chứng nhận này.

Đối với mặt hàng gạo, để được hưởng hạn ngạch thuế quan dành cho gạo có xuất xứ Việt Nam, các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU, phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại gạo thuộc Hiệp định.

Do đó, các doanh nghiệp cần cập nhật kiến thức về Hiệp định, nắm bắt và tận dụng được các lợi thế về mặt phi thuế quan, đặc biệt là hiểu biết về các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm kiểm dịch động thực vật, tìm hiểu rõ yêu cầu truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, sản xuất hàng hóa phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn, số lượng đủ lớn mới thành hàng hóa (sản xuất 100ha, trồng nhiều giống lúa khác nhau thì chưa thể là hàng hóa được).

Doanh nghiệp cũng cần chủ động cập nhật thông tin thị trường, chủ động tham gia các hoạt động kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại.

Đặc biệt, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và thuận lợi cho mọi doanh nghiệp trong thương mại xuyên biên giới, đặc biệt đối với các sản phẩm thực phẩm.

Đồng thời cần hiểu rõ các chính sách, yêu cầu từ các thị trường mục tiêu để tận dụng ưu đãi từ Hiệp định. Tiếp đến là tăng cường tham gia hoạt động xúc tiến thương mại.

Cơ hội lớn cho xuất khẩu hạt điều

NĐT: Nói riêng về hạt điều, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang EU tăng cả lượng và kim ngạch trong năm 2021, Việt Nam cũng là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho EU. Ông đánh giá về tiềm năng xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường EU? Thị trường này đặt ra những yêu cầu gì và chúng ta phải đáp ứng tiêu chuẩn đó như thế nào để đứng vững được tại thị trường này?

Ông Trần Thanh Hải: Đối với mặt hàng điều, châu Âu là khu vực thị trường nhập khẩu điều lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hạt điều Việt Nam sang châu Âu đạt khoảng 864 triệu USD, chiếm 24% trong tổng trị giá xuất khẩu điều của cả nước là 3,6 tỷ USD.

Với nhu cầu cao sử dụng điều trong các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và tiêu dùng của người dân, dự kiến khu vực thị trường này tiếp tục là thị trường nhập khẩu điều từ Việt Nam.

Để thúc đẩy xuất khẩu hạt điều nói chung và các mặt hàng nông sản Việt Nam có thể mạnh sang châu Âu trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội doanh nghiệp triển khai các công tác.

Trong đó, hỗ trợ, đào tạo doanh nghiệp Việt Nam nhằm tận dụng tối đa các cơ hội ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do EVFT để thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và từng thị trường;

Tăng cường các công tác xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản mà Việt Nam đang có lợi thế như thủy sản, gạo, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, rau quả, chè.... Đồng thời chủ động phối hợp với các thị trường tiềm năng tổ chức chương trình giới thiệu các mặt hàng nêu trên.

NĐT: Bộ Công Thương có những giải pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gạo, ngành điều nói riêng và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung tận dụng tốt, tận dụng tối đa những ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại?

Ông Trần Thanh Hải: Việt Nam đã ban hành Nghị định số 11/2022 ngày 15 tháng 01 năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 103/2022 ngày 04 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu để hướng dẫn thực hiện việc chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, phục vụ công tác điều hành xuất khẩu mặt hàng gạo nhằm tạo thuận lợi cho quá trình thực thi Hiệp định.

Tuy nhiên, trước tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới đều chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và vẫn còn đang trong thời kỳ hồi phục, Bộ Công Thương đã khẩn trương nghiên cứu, triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động cho phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như giảm dần sự lệ thuộc vào số ít thị trường truyền thống; khuyến cáo doanh nghiệp phối hợp cập nhật thông tin, tận dụng các FTA đã ký kết.

Theo đó, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, người nông dân, các hộ sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu về chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, xuất khẩu, cách thức nâng cao tỉ lệ tận dụng ưu đãi của EVFTA nói riêng và các FTA nói chung, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, RCEP… góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu bền vững nông sản Việt Nam.

Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp tiếp tục tích cực cập nhật, tận dụng thông tin từ các thị trường, đặc biệt đối với các quy định về kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, thủy sản.

Bộ Công Thương đã và đang theo dõi sát sao, cập nhật tình hình diễn biến giá cả, tiến độ xuất khẩu các mặt hàng nông sản, những biến động của thị trường thế giới, nghiên cứu dự báo tình hình thị trường xuất khẩu, nhập khẩu để kịp thời thông báo tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương nhằm định hướng quy hoạch, tổ chức lại sản xuất phù hợp với diễn biến cung cầu.

Bộ Công Thương đã tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt theo hình thức trực tuyến, xúc tiến thương mại trên các nền tảng thương mại điện tử.

Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, và định hướng về thị trường, thị hiếu, chính sách cho doanh nghiệp để nông sản Việt Nam được tiếp cận và đón nhận rộng rãi hơn trên thị trường thương mại nông sản quốc tế, bằng cách thực hiện nghiêm túc, bài bản từ khâu sản xuất ở vùng nguyên liệu đến khâu chế biến để bảo đảm chất lượng đầu ra sản phẩm.

Triển vọng trong năm 2022

NĐT: Xin ông chia sẻ mục tiêu và triển vọng xuất khẩu nông sản sang EU trong năm 2022?

Ông Trần Thanh Hải: Với 27 nước thành viên, dân số khoảng 516 triệu người, GDP mỗi người dân trên 35.000 USD/năm, thị trường EU có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa, nhất là nông sản (mỗi năm nhập khẩu hơn 160 tỷ USD) từ khắp nơi trên thế giới.

Với Việt Nam, đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của mặt hàng nông sản, với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm; nhưng nông sản Việt mới chiếm 4% thị phần ngành hàng nhập khẩu này của EU, riêng gạo chỉ chiếm hơn 1% thị phần.

Vì vậy, trong năm 2022, các mặt hàng nông sản như cà phê, hạt điều, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU và sẽ tăng trưởng mạnh.

Trong đó, với mặt hàng gạo, măm 2022, theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn bởi chất lượng gạo Việt Nam đã có sự thay đổi trong mắt nhà nhập khẩu.

Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng được thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu. Việc tận dụng lợi thế EVFTA để xuất khẩu gạo thơm với thuế 0% nằm trong tay các doanh nghiệp có vùng nguyên liệu lớn, được canh tác theo tiêu chuẩn cao.

Bên cạnh đó, gạo Việt Nam đã có một lượng khách hàng truyền thống tại Đức, Hà Lan, Italy và Ba Lan. Với việc hạn ngạch 80.000 tấn ưu đãi thuế suất 0% từ EVFTA chưa được lấp đầy trong năm 2021, cũng như xu thế sử dụng gạo tại EU gia tăng do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây, nếu chủ động tốt trong nguồn cung, xuất khẩu gạo sang EU hứa hẹn còn nhiều cơ hội hơn nữa trong thời gian tới.

Nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại 2 thị trường lớn nhất ở EU là Hà Lan và Đức cuối năm 2021 liên tục tăng do nhu cầu cao từ các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nhu cầu tiêu dùng cuối cùng của người dân.

Đặc biệt, với việc những sản phẩm chế biến sâu từ hạt điều được giảm thuế xuống còn 0% theo EVFTA, kim ngạch xuất khẩu hạt điều sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở thị trường EU trên dưới 6% về giá trị.

Mặt hàng trái cây là một trong những sản phẩm tiềm năng Việt Nam cần tập trung khai thác lợi thế từ EVFTA, góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang EU. Nhu cầu về trái cây đang có xu hướng ngày một tăng tại EU do thói quen ăn uống để bảo vệ, tăng cường sức khỏe. Các chủng loại trái cây tiềm năng tăng trưởng tốt tại thị trường EU trong thời gian tới gồm: Me tươi, mít, vải, mận, chanh dây, thanh long, ổi, xoài, măng cụt ...

Mặt hàng cà phê sẽ tiếp tục tận dụng tốt lợi thế về thuế suất 0% theo Hiệp định để gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu 10 tỷ USD mỗi năm mà EU đang có.

Theo EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu ngay khi hiệp định có hiệu lực, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5-9%.

Bên cạnh đó, việc các nhà đầu tư trong khối EU đang xem xét chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ, sẽ tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang đa dạng các thị trường EU.

Dự báo trong năm 2022, hạt tiêu đen chưa xay hoặc chưa nghiền và hạt tiêu trắng chưa xay hoặc chưa nghiền tiếp tục là hai dòng hàng chiếm tỉ trọng xuất khẩu chủ yếu của mặt hàng này. Như vậy, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thuận lợi tại thị trường EU.

NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguồn: Tạp chí Người Đưa Tin