Tin tức

Xuất khẩu nông, thuỷ sản sang Nga: Tận dụng lợi thế từ FTA với EAEU

08/02/2022    653

Với ưu đãi về thuế, ẩm thực được người tiêu dùng nước sở tại ưa chuộng và có lực lượng kiều bào đông đảo, nông, thuỷ sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh áp đảo tại thị trường Nga.

Nhiều lợi thế

Ông Dương Hoàng Minh – Thám tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nga, cho hay: Nông, thuỷ sản của Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường Nga, đặc biệt là thuế. Vừa qua, Liên minh kinh tế Á- Âu mà Nga là một thành viên đã đưa 76 nước, trong đó có một số đối thủ cạnh tranh của Việt Nam về xuất khẩu nông, thuỷ sản, như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhỹ Kỳ, Malaysia ra khỏi danh sách được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (bằng 75% thuế nhập khẩu thông thường) của khối.

Với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh kinh tế Á – Âu (EAEU), nông, thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu sang Nga được hưởng ưu đãi về thuế. Theo cam kết, sau 5 năm, hầu hết nông, thuỷ sản Việt sẽ được hưởng mức thuế 0% tại thị trường này. Trong khi đó, hàng hoá của các quốc gia cạnh tranh sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu thông thường. Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nga, điều này mang lại ưu thế rõ rệt cho nông, thuỷ sản Việt Nam trong cuộc chiến cạnh tranh, đồng thời tạo lực đẩy xuất khẩu sang thị trường Nga.

Từ kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh tại Nga, ông Đàm Anh Tuấn- CEO Công ty TNHH RPK Volga, thành phố Kazan vùng Privolskyi, chia sẻ: Quán ăn Việt Nam đã tồn tại rất lâu tại các khu chợ của người Việt tại Nga. 5 năm gần đây, do nhu cầu tăng lên nhanh chóng, người Việt Nam đã thay đổi tư duy kinh doanh. Không chỉ buôn bán ở chợ mà chuyển đổi sang mô hình kinh doanh nhà hàng. Thế hệ người Việt thứ 2 và thứ 3 tại Nga vừa hiểu thị hiếu thị trường Nga vừa biết về ẩm thực Việt Nam, rất thuận lợi trong phát triển xu hướng kinh doanh mới này. “Riêng tại Moskva hiện có hơn 500 nhà hàng Việt Nam chưa kể tại các thành phố khác. Bản thân người dân bản địa cũng nhìn ra tiềm năng thị trường này và mở rất nhiều nhà hàng bán đồ ăn Việt Nam”, ông Tuấn nói.

Sự tham gia sâu của người Nga trong lĩnh vực ẩm thực là lực đẩy tốt cho thực phẩm, nông, thuỷ sản Việt Nam được giới thiệu rộng rãi tại quốc gia này. Đặc biệt với một số sản phẩm chế biến từ gạo như mỳ, bún phở và thực phẩm khác như nước mắm, cá… “Hiện nay, người Nga không chỉ đến nhà hàng Việt Nam thưởng thức món ăn Việt như món ăn chơi mà mua nguyên liệu về để trải nghiệm và làm món ăn bổ sung vào thực đơn hàng ngày. Chính vì vậy, hàng thực phẩm Việt Nam không chỉ bán ở các khu chợ dành cho cộng đồng người Việt mà đã thâm nhập vào một số chuỗi siêu thị của liên bang, địa phương”, ông Tuấn cho biết thêm.

Phân tích cơ hội gia tăng xuất khẩu ở tầm vĩ mô hơn, ông Dương Chí Kiên- Chủ tịch HĐQT, Công ty Golden Age Group, bày tỏ: Nga đang khuyến khích và thu hút người dân trên toàn thế giới tới sinh sống và làm việc, không phân biệt màu da, sắc tộc. Mục đích để tạo thị trường tiêu thụ lớn, đa văn hoá. Doanh nghiệp Việt Nam tìm và hợp tác được với hệ thống phân phối tại Nga cơ hội phát triển thị trường là rất lớn.

Khai thác tốt EAEU

Dù mặt hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam đã chiếm thị phần đáng kể tại thị trường Nga, tuy nhiên ông Dương Hoàng Minh cũng, cho hay: Phần lớn sản phẩm được xuất khẩu dưới dạng thô và sơ chế. Riêng sản phẩm chế biến, hiện đã có thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Nga nhưng chưa đáng kể, thậm chí rất nhỏ.

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, thuỷ sản sang Nga, nhất là mặt hàng có chế biến sâu, doanh nghiệp trong nước cần tận dụng tối đa EAEU. Doanh nghiệp chủ động tham gia các triển lãm chuyên ngành tại Nga để tìm hiểu xu hướng tiêu dùng và khách hàng trên thị trường. “Thực tế đã có doanh nghiệp thành công thâm nhập thị trường Nga thông qua tham dự hội chợ, triển lãm", ông Minh nói.

Doanh nghiệp, hợp tác xã cần mở rộng quy mô sản xuất, sản phẩm có chất lượng tốt, đồng đều đưa công nghệ vào bảo quản sau thu hoạch, đầu tư bao bì mẫu mã phù hợp với thị trường. Tận dụng xu hướng ẩm thực Việt Nam đang được ưa chuộng tại Nga để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông, thuỷ sản, thực phẩm thông qua kênh này.

Về thị trường bán lẻ tại Nga, ông Lê Trường Sơn - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty Incentra, lưu ý: Có 3 mô hình phân phối hàng hoá chủ yếu, bao gồm: Siêu thị, chợ truyền thống và thương mại điện tử. Mỗi mô hình đều có sự tham gia của doanh nghiệp sở tại. Doanh nghiệp trong nước muốn tham gia thị trường Nga cần lưu ý các mô hình bán lẻ này. “Hiệp hội sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển thị phần hàng hoá và tiếp cận đối tác tại nước sở tại”, ông Sơn nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Dương Chí Kiên cũng, chia sẻ: Doanh nghiệp mới tiếp cận thị trường có thể đưa hàng hoá tới các khu vực kém phát triển hơn dần tạo lòng tin và xây dựng thương hiệu. Phương thức này đã được doanh nghiệp nước sở tại áp dụng khá thành công. Về thanh toán nên yêu cầu đối tác thanh toán 100% tiền hàng, khi có đủ lòng tin, doanh nghiệp mới nên cho thanh toán chậm.

“Hiện giá thành sản xuất, chi phí vận tải rất biến động, doanh nghiệp không nên ký hợp đồng với lượng hàng quá lớn, không ký hợp đồng CIF (bao gồm cả phí vận chuyển), tránh tình trạng không sản xuất thì bị phạt hợp đồng, đóng cánh cửa thị trường, sản xuất thì lỗ. Trong vận chuyển hàng hoá, cần chia ra các phương thức vận chuyển khác nhau, tránh “để trứng vào một giỏ””, ông Kiên nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Dương Chí Kiên cũng khuyến cáo: Với các mặt hàng nông sản như gạo, chè, cà phê, rủi ro trong xuất khẩu là rất lớn, nhất là vấn đề về kiểm soát sâu bệnh. Trường hợp vi phạm phải khử trùng hoặc đưa hàng quay trở lại chi phí sẽ rất lớn. Với các mặt hàng này, hoặc đơn hàng có số lượng lớn, doanh nghiệp Việt Nam cần sử dụng các đối tác kiểm tra, có giấy tờ chứng minh để khẳng định chất lượng, tránh các vấn đề phát sinh.

Mặt khác, thị trường Nga có nhu cầu rất lớn các loại nông sản và trái cây nhiệt đới. Riêng với thuỷ hải sản, Nga kiểm về soát rất chặt an toàn thực phẩm, do vậy doanh nghiệp cần lưu ý đáp ứng và phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước để được hỗ trợ.

Nguồn: Báo Công Thương