Tin tức

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung kết thúc, chính quyền Biden “tiến thoái lưỡng nan”

07/01/2022    111

Nhà Trắng có thể khôi phục lại một số mức tăng thuế quan từng được giảm đi như một phần trong thỏa thuận thương mại, tuy nhiên, điều này sẽ có thể phản tác dụng.

Cam kết của Bắc Kinh trong việc tăng cường mua hàng hóa và dịch vụ Mỹ theo thỏa thuận thương mại năm 2020 đã kết thúc vào ngày thứ Sáu tuần vừa rồi. Trung Quốc đã không thực hiện được rất nhiều trong số các thỏa thuận của họ, chính vì vậy chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bị đẩy vào tình thế khó khi tính toán cách ứng phó, theo nội dung bài đăng mới đây của Wall Street Journal.

Nhà Trắng có thể khôi phục lại một số mức tăng thuế quan từng được giảm đi như một phần trong thỏa thuận thương mại, tuy nhiên, điều này sẽ có thể phản tác dụng nếu Trung Quốc giảm mua hàng Mỹ hoặc đưa ra các biện pháp chống lại các doanh nghiệp Mỹ làm ăn kinh doanh ở Trung Quốc.

Hoặc phía Mỹ có thể lờ đi thực tế này, như vậy Bắc Kinh sẽ đón nhận thông điệp rằng họ sẽ không phải chịu bất kỳ hậu quả nào.

Việc chính quyền Mỹ phản ứng như thế nào được cộng đồng doanh nghiệp Mỹ theo dõi sát sao, nhiều chủ doanh nghiệp muốn phía Mỹ có quan hệ êm ả với Trung Quốc nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận với thị trường quy mô rộng lớn này. 

Nhiều doanh nghiệp khác hoạt động nhiều tại nội địa Mỹ lại muốn chính quyền có quan điểm cứng rắn hơn, họ viện dẫn đến việc chính phủ Trung Quốc hỗ trợ nhiều cho một số ngành nghề và nói rằng Mỹ cần củng cố chuỗi cung ứng của riêng nước này.

Theo các chuyên gia về thương mại, nhiều khả năng Tổng thống Joe Biden sẽ leo thang căng thẳng với Trung Quốc trong nỗ lực kiềm chế lạm phát và thúc đẩy việc thực hiện các chương trình nghị sự của mình. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định Tổng thống Mỹ Joe Biden cần phải có chiến lược rõ ràng trong việc ứng phó với Bắc Kinh.

Chính quyền Biden đã tự bó tay mình bằng việc không rõ ràng về cách họ đánh giá vấn đề và các giải pháp tiềm năng”, tư vấn cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) – ông Scott Kennedy nói. Ông nhấn mạnh rằng có những xung đột tương tự đã nảy sinh trong nhiều lĩnh vực chính sách khác, trong đó có việc chính quyền đưa ra chính sách thương mại và các mục tiêu biến đổi khí hậu.

Phát ngôn viên Văn phòng Đại diện Thương mại, ông Adm Hodge, cho biết các cuộc đối thoại với Trung Quốc về việc Trung Quốc thực hiện cam kết thỏa thuận thương mại như thế nào vẫn đang được diễn ra. “Trung Quốc đưa ra cam kết rõ ràng và họ cần phải tuân thủ nó”, ông Hodge nhấn mạnh. Ông nói thêm chính quyền Biden hiện vẫn có nhiều điều lo lắng về các chính sách phi thị trường của Trung Quốc, đồng thời tin những hành động này gây hại đến kinh tế Mỹ, ông viện dẫn đến nhiều vấn đề từng không thuộc vào thỏa thuận thương mại tháng 1/2020.

Trong cuộc gặp với các phóng viên vào tháng 11, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai chia sẻ nhóm của bà đang bàn đến những gì mà phía Trung Quốc chưa làm được với các quan chức đồng cấp nước này.

Chúng tôi lạc quan rằng nỗ lực mà chúng tôi dành cho quá trình này sẽ mang đến kết quả tốt hơn là nếu chúng tôi không thực sự cố gắng”, bà Tai nhấn mạnh.

Phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói rằng việc Trung Quốc mua hàng Mỹ chịu ảnh hưởng bởi sự suy giảm kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID-19 trong năm 2020.

Trung Quốc đã rất cố gắng để vượt qua những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, sự suy giảm kinh tế toàn cầu và chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đồng thời khuyến khích việc thực hiện thỏa thuận”, phát ngôn viên Liu Pengyu cho hay.

Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký kết vào tháng 1/2020, Trung Quốc đã đồng ý tăng cường mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ so với ngưỡng của năm 2007 trong khoảng thời gian 2 năm kết thúc vào ngày thứ Sáu, có những điều kiện nhất định cho hàng hóa sản xuất, nông sản, dịch vụ và năng lượng.

Tổng thống Mỹ là ông Donald Trump khi đó đã coi thỏa thuận này như bước tiến quan trọng, tuy nhiên ông vẫn hoài nghi về việc liệu Bắc Kinh sẽ có thể tăng mua sản phẩm thật nhanh. Thượng nghị sỹ Chuck Schumer coi thỏa thuận này như một lời hứa tam thời và thiếu tin cậy từ phía Trung Quốc về việc mua thêm đậu tương.

Nguồn: BizLive