Tin tức

Còn nhiều dư địa gia tăng xuất khẩu hàng Việt vào thị trường Anh

17/12/2021    149

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương) bình luận, bất chấp khó khăn của đại dịch Covid-19, thương mại hai chiều Việt Nam và Anh vẫn có kết quả ấn tượng, tăng trưởng hai con số. Việt Nam còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Anh.

Doanh nghiệp bước đầu tận dụng cơ hội Hiệp định UKVFTA

Đánh giá về triển vọng thương mại Việt Nam – Anh, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu , châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, đối với Việt Nam, Anh là đối tác quan trọng hàng đầu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 trong số các nước trên thế giới, thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 trong số các nước châu Âu - châu Mỹ.

Bất chấp khó khăn của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam bước đầu đã tận dụng tốt cơ hội mang lại từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), thích nghi với môi trường kinh doanh và chính sách thay đổi sau Brexit.

Kết quả thương mại hai chiều Việt Nam và Anh 10 tháng năm 2021 đạt 5,4 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 14,5%, nhập khẩu tăng 25,7%.

Đáng chú ý là các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực đa dạng hóa mặt hàng sang thị trường Anh. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng tốt nhất trong 10 tháng năm 2021 gồm cao su tăng 85%, hàng rau quả 73%, sản phẩm mây tre, thảm 61%, đặc biệt các sản phẩm từ sắt thép, sắt thép các loại có mức tăng trưởng đột biến, lần lượt tăng 138% và 1.405%”- ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.

Ông Tạ Hoàng Linh phân tích thêm, ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với Anh có sự tăng trưởng đột biến ở một số nhóm hàng bao gồm sản phẩm hóa chất, dược phẩm, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may da giày...

Anh là nhà nhập khẩu lớn thứ 5 thế giới, tuy nhiên thị phần hàng hóa Việt Nam tại khu vực này chỉ chiếm 1% kim ngạch nhập khẩu của UK. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập cũng như gia tăng thị phần tại thị trường này.

Bên cạnh đó, hiện nay, chính sách của Anh hậu Brexit và trong đại dịch Covid-19 là chiến lược “nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh” và tăng cường hợp tác khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dòng vốn đầu tư từ UK sẽ gia tăng đáng kể trong thời gian tới.

Thay đổi, thích nghi để nắm bắt cơ hội

Cơ hội cho hàng Việt Nam thâm nhập vào thị trường Anh rất khả quan, đặc biệt là khi UKVFTA đã có hiệu lực với nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cần có sự sẵn sàng về sản phẩm, năng lực, công nghệ, chuyển đổi số… để khai thác, tận dụng tốt cơ hội mang lại từ UKVFTA, thích nghi với môi trường kinh doanh và chính sách thay đổi sau Brexit.

Không phải doanh nghiệp nào cũng nắm bắt được cơ hội từ UKVFTA. Ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho hay, sở dĩ những doanh nghiệp chưa thâm nhập vào thị trường Anh chủ yếu là chưa sẵn sàng.

Đơn cử năm 2020, Thương vụ đã tìm kiếm một số đầu mối nhập khẩu vật tư y tế và đồ máy móc thiết bị phục vụ cho phòng dịch của Anh, giới thiệu cho doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng rất tiếc là hầu như các doanh nghiệp Việt Nam không chuẩn bị sẵn sàng tận dụng cơ hội này. Một số doanh nghiệp đã gửi sản phẩm chào sang Anh, tuy nhiên lại không có đủ giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn Anh, hoặc có một số doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn thì báo giá quá cao, thời gian giao hàng lâu, không cạnh tranh được với giá cả của Trung Quốc”- ông Nguyễn Cảnh Cường dẫn chứng.

Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt cần có sự thay đổi, thích nghi để nắm bắt cơ hội từ UKVFTA. Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ cho rằng, để thâm nhập thị trường Anh, doanh nghiệp Việt cần nắm bắt thông tin thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản để đảm bảo năng lực sản xuất, duy trì thị phần, làm cơ sở đẩy mạnh sản xuất trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Cùng với đó, tìm nguồn hàng có chất lượng, đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn công nghệ, đầu tư gia tăng giá trị sản phẩm, chú trọng xây dựng thương hiệu. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải thay đổi chính mình, thích nghi linh hoạt trong bối cảnh mới.

Chia sẻ bí quyết thâm nhập thị trường Anh, bà Hoàng Hương Giang - Giám đốc điều hành, Tổng công ty May 10 (công ty dệt may xuất khẩu sang UK từ năm 2009) cho hay, Anh là thị trường khá khó tính với những yêu cầu và tiêu chuẩn đánh giá chặt chẽ về hệ thống quản lý sản xuất... Muốn xuất khẩu sang thị trường này thành công trước hết phải có đội ngũ bán hàng và thiết kế chuyên nghiệp, để có thể chào hàng trong thời gian nhanh nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải chủ động chuyển đổi số, quản lý chuỗi từ khâu mua bán nguyên phụ liệu, minh bạch toàn chuỗi sản xuất...

Nguồn: Thời báo Tài chính