Siết giá hàng nhập khẩu
14/03/2011 42Soi lại giá, mức thuế, cũng như áp thêm nhiều hàng rào kỹ thuật với hàng nhập khẩu là những biện pháp mà Tổng cục Hải quan đưa ra nhằm góp phần chống thất thu thuế và kiềm chế nhập siêu.
Tổng cục Hải quan vừa công bố sẽ đưa thêm 7 mặt hàng vào danh mục quản lý rủi ro, nâng tổng số mặt hàng thuộc phạm vi này lên con số 20.
Cùng với đó, ngoài việc phối hợp chặt chẽ hơn với Tổng cục Thuế, ngành hải quan sẽ tăng cường mua thông tin giá từ một số hãng nước ngoài có uy tín. Đồng thời, cơ quan này cũng đã báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ lập đề án xây dựng nguồn thông tin từ tham tán tại nước ngoài song hành với kế hoạch xây dựng chương trình phần mềm dữ liệu giá mới và tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác về giá.
Tất cả những động thái này thể hiện sự kiên quyết của Tổng cục Hải quan trong nhiệm vụ chống hành vi chuyển giá đang phát triển mạnh mẽ, thậm chí là ở mức báo động trong các doanh nghiệp.
Thực tế mấy năm gần đây, doanh nghiệp nhập khẩu thường tìm cách trốn thuế thông qua sử dụng công cụ chuyển giá.
Ông Nguyễn Bá Tưởng (Đội Kiểm soát hải quan, Cục Hải quan TP.HCM) phân tích, mục đích của doanh nghiệp kê khai giá nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị từ công ty mẹ ở nước ngoài cao hơn nhiều so với giá trị thực là để giá thành sản phẩm sản xuất trong nước trở nên đắt hơn, làm cơ sở để doanh nghiệp báo cáo lỗ, khiến Nhà nước thất thu thuế.
“Đây chính là một trong những nguyên nhân làm mất cân đối cán cân ngoại tệ, gây nên tình trạng nhập siêu và làm tăng thất thu thuế”, ông Nguyễn Bá Tưởng nhận định.
Tuy vậy, việc phát hiện và xử lý doanh nghiệp chuyển giá rất khó, do thiếu thông tin. Điển hình là, dù ngành hải quan đã đưa mặt hàng sữa vào danh mục các mặt hàng trọng điểm cần tập trung quản lý giá, song từ năm ngoái đến nay, giá sữa bột nhập khẩu liên tục tăng cao. Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) khẳng định, các hãng sữa nước ngoài đã sử dụng thủ đoạn chuyển giá, sử dụng đại lý độc quyền tại thị trường Việt Nam, liên kết với nhau để đẩy giá sữa lên cao, nhưng cơ quan chức năng vẫn không xử lý được, do không có căn cứ.
Rà lại mức thuế áp với hàng tiêu dùng không thiết yếu
Để giảm bớt nhập siêu, theo ông Nguyễn Văn Ngự, Phó vụ trưởng Vụ Giám sát quản lý về hải quan, về lâu dài, không còn cách nào khác là phải tăng cường sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp phụ trợ để thay thế hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay, để thực hiện mục tiêu đảm bảo nhập siêu dưới 16% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho rằng, cần phải phân tách rõ ràng hơn nữa cơ cấu hàng tiêu dùng nhập khẩu không thiết yếu, để từ đó đưa ra các chính sách chặt chẽ về cho vay nhập khẩu, cấp giấy phép tự động…
Dù vậy, giải pháp hạn chế tín dụng thực hiện những năm qua hầu như không có tác dụng. Dù ngân hàng siết chặt hơn với ngoại tệ nhập khẩu, song các doanh nghiệp vẫn dễ dàng huy động USD từ thị trường tự do. Do đó, một giải pháp cấp bách nữa, theo Tổng cục Hải quan, là cần xem lại thuế nhập khẩu với những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu. Theo đó, cần áp mức thuế cao nhất trong lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với các mặt hàng này.
Ngoài ra, cũng theo Tổng cục Hải quan, cần áp dụng thêm các rào cản kỹ thuật, biện pháp vệ sinh và an toàn thực phẩm, biện pháp tự vệ, trợ cấp, hoặc biện pháp đối kháng theo đúng các điều kiện do WTO quy định.
Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng khuyến nghị rằng, đây là giải pháp không dễ thực hiện, bởi nếu đưa ra các hàng rào kỹ thuật quá cao để ngăn hàng nhập khẩu, thì doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ là đối tượng “dính đòn” đầu tiên.
Nguồn: http://congthuong.com.vn
- Bước ngoặt thương mại Mỹ - Trung: Không bên nào muốn 'tách rời'
- Kịch bản khiến cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump đột ngột ngừng lại vào tháng 6
- Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá tại Hoa Kỳ
- Quan điểm của Việt Nam trước tình hình đàm phán thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc
- Mỹ giảm mạnh thuế nhập khẩu kiện hàng có giá trị thấp từ Trung Quốc