Tin tức

Còn nhiều dư địa xuất khẩu sang thị trường Anh

01/12/2021    110

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) đánh giá, sau gần 1 năm có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã thúc đẩy giao thương đôi bên gia tăng đáng kể bất chấp tác động của đại dịch Covid-19. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 2 chữ số.

Xuất khẩu tăng 15% trong bối cảnh dịch Covid-19

Hiệp định UKVFTA có hiệu lực tạm thời từ ngày 1/1/2021 và hiệu lực chính thức từ ngày 1/5/2021. Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, thống kê trong 10 tháng năm 2021, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 5,5 tỷ USD, trị giá xuất nhập khẩu (XNK) đều tăng 2 chữ số.

Đáng chú ý xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh xuất siêu khá lớn, với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của năm 2021 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, trị giá hàng hóa nhập khẩu từ Vương quốc Anh vào Việt Nam đạt 706 triệu USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng thế mạnh xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Vương quốc Anh là: điện thoại, dệt may, da giày, sắt thép, thủy sản, rau quả... Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu: máy móc, dược phẩm, nguyên phụ liệu dệt may, sản phẩm hóa chất...

Bình luận về kết quả trên, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, Hiệp định UKVFTA đã tạo ra sức bật tốt cho giao thương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Ông Lương Hoàng Thái cũng lưu ý, trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Vương quốc Anh mới chỉ chiếm 0,88% tổng trị giá nhập khẩu của thị trường này. Tương tự, trị giá nhập khẩu của Việt Nam hiện mới chiếm khoảng 0,17% tổng trị giá hàng hóa Vương quốc Anh xuất khẩu ra thị trường thế giới. Điều đó có nghĩa là, dư địa thị trường hợp tác giữa 2 nước còn lớn.

Đánh giá tích cực về thương mại song phương, bà Emily Hamblin - Tổng lãnh sự và Giám đốc Thương mại Vương quốc Anh tại Việt Nam cho biết, trong những năm gần đây, thương mại song phương đã tăng lên gấp 3 lần so với trước đó. Hiệp định UKVFTA được thực hiện trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song ngay trong năm 2021 thương mại đôi bên vẫn tăng trưởng đáng kể, hy vọng đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Tận dụng tối đa cơ hội mở ra từ UKVFTA

Theo đánh giá của ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương dư địa xuất khẩu vào thị trường Anh là rất lớn, khi hàng Việt Nam mới chỉ chiếm 0,88% tổng trị giá nhập khẩu của thị trường này.

Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Anh chưa xứng với tiềm năng do có khá nhiều DN Việt Nam đang kinh doanh, tư duy theo lối an toàn, tập trung nhiều vào thị trường vốn đã quen, thị trường truyền thống mà chưa chú trọng sang các thị trường Việt Nam có FTA lớn, kể cả FTA vừa ký kết.

Có không ít doanh nghiệp chưa thực sự sẵn sàng xuất khẩu sang Anh vì lo ngại có nhiều rào cản, tiêu chuẩn cao. Muốn tận dụng hiệu quả UKVFTA, điều đầu tiên các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, để đẩy mạnh xuất khẩu kinh doanh thị trường mới”- ông Ngô Chung Khanh nói.

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh Nguyễn Cảnh Cường chia sẻ, để tiếp cận thị trường Anh hiệu quả, trước tiên doanh nghiệp phải hiểu được tập quán, phương pháp tiếp cận các đối tác người Anh.

Trước đại dịch, đối tác người Anh thường thích gặp trực tiếp nhà cung cấp tiềm năng để trao đổi. Hiện nay, nước Anh đã mở cửa gần như các hoạt động kinh tế, hội chợ quốc tế đã khôi phục từng bước. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam đã tiêm vắc-xin, có chứng nhận âm tính Covid-19 thì có thể tham dự hội chợ quốc tế. Nếu gặp khó khăn không tham dự trực tiếp, doanh nghiệp có thể ủy quyền, cử đại diện của mình tại Anh để tham gia hội chợ quốc tế, gặp gỡ đối tác nhập khẩu tiềm năng”- ông Nguyễn Cảnh Cường cho hay.

Để có thể thâm nhập vào thị trường Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường cũng lưu ý doanh nghiệp doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng việc đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng hàng hoá đặc biệt với hàng nông sản. Một trong những điều kiện tiên quyết để nông sản Việt Nam thâm nhập thị trường là đáp ứng tiêu chuẩn Global GAP. Đối tác tại Anh nói riêng, thị trường EU nói chung có tổ chức nghiên cứu, thống kê về sản xuất nông nghiệp của Việt Nam và có yêu cầu cao với quy trình sản xuất. Nếu không đáp ứng các yêu cầu này thì rất khó “đặt chân” và tiến xa tại thị trường Anh.

Nguồn: Thời báo Tài chính