Tin tức

“Hoá giải” thách thức đặt ra cho chuỗi cung ứng hậu Covid-19

24/11/2021    79

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những thách thức không nhỏ cho hoạt động duy trì chuỗi cung ứng ở Việt Nam. Trong bối cảnh bình thường mới, việc “hoá giải” các thách thức này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm hoạt động bình thường của nền kinh tế.

Phát biểu tại hội thảo “Phát triển hoạt động logistics và quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam trong bối cảnh mới”, tổ chức ngày 23/11/2021 tại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, quản lý chuỗi cung ứng ở Việt Nam hiện đang đứng trước 5 thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra.

Thứ nhất là thách thức trong lựa chọn xây dựng và vận hành mô hình chuỗi cung ứng phù hợp với điều kiện mới.

Thứ hai thách thức trong quản lý vận hành toàn diện và chi tiết chuỗi cung ứng theo thời gian thực.

Thứ ba, thách thức trong gián đoạn nguồn cung nguyên liệu và nhập khẩu sản phẩm trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ tư, thách thức trong duy trì hoạt động sản xuất đáp ứng tiến độ giao hàng

Và thách thức sau cùng là đến từ việc giữ đơn hàng, giảm thiểu khách hàng chuyển dịch đơn hàng sang quốc gia khác.

Một kết quả khảo sát được đưa ra tại hội thảo cho thấy có tới 60,3% doanh nghiệp cho biết việc khách hàng huỷ đơn hàng là một trong những tác động lớn nhất tới doanh nghiệp, nhất là khi nhiều khách hàng đã chậm thanh toán cho các đơn hàng đã hoàn thành, yêu cầu giảm giá hoặc từ chối chi trả dựa trên các điều khoản bất khả kháng trong các hợp đồng kinh doanh.

Theo phân tích của các chuyên gia, những thách thức trên do đại dịch Covid-19 gây ra bắt buộc doanh nghiệp Việt phải thay đổi để thích ứng với điều kiện kinh doanh mới.

Để làm được điều này, doanh nghiệp Việt Nam một mặt cần tập trung quản lý nguồn cung hiện tại, một mặt tập trung phát triển nguồn cung thay thế. Công tác này để có hiệu quả tốt sẽ phụ thuộc vào quyết định điều chỉnh mô hình kinh doanh và định hình chuỗi cung ứng để ứng phó với thách thức của doanh nghiệp. Việc điểu chỉnh mô hình kinh doanh, định hình chuỗi cung ứng nên được theo xu hướng số hoá. Doanh nghiệp cũng cần chú ý việc xây dựng nhiều chuỗi cung ứng nội địa hơn và gần hơn với thị trường bán lẻ.

Để góp phần hoá giải các thách thức nêu trên, các chuyên gia cũng khuyến nghị doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số và tăng cường yếu tố tự động hoá. Những giải pháp này được coi là sẽ giúp doanh nghiệp tăng mạnh số lượng khách hàng mới nhờ các công cụ đột phá trong mảng marketing cũng như tăng mạnh tỷ lệ khách hàng quay trở lại.

Một số chuyên gia nhấn mạnh đến giải pháp mang tính “cả gói” theo đó không chỉ đối phó với dịch Covid-19 mà mang tính dài hơi, theo đó doanh nghiệp Việt cần tập trung xây dựng cho được chiến lược và kế hoạch phát triển chuỗi cung ứng toàn diện. Theo đó, cần nghiên cứu “vùng lợi nhuận” sẽ chuyển dịch trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng hướng tới điểm chạm khách hàng. Đặc biệt cần tập trung đầu tư nền tảng số và lợi nhuận biên được tạo ra nhiều hơn ở hạ nguồn hơn các hoạt động bán lẻ, kênh phân phối truyền thống.

Ở góc độ ngành hàng cụ thể, những bài học về việc duy trì chuỗi cung ứng bền vững đến từ ngành dệt may Việt Nam thời gian vừa qua là hết sức hữu ích. Các chuyên gia đã tỏng kết được 5 bài học như vậy.

Đó là các bài học về phát triển nguồn nguyên vật liệu bền vững, quy trình sản xuất thân thiện môi trường, quan hệ các bên trong chuỗi cung ứng bền vững, thực hiện trách nhiệm với người lao động và cuối cùng là nâng cao ý thức và triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường.

Từ trường hợp khảo sát một số doanh nghiệp, để góp phần “hoá giải” các thách thức trong quản lý chuỗi cung ứng, một số giải pháp cũng được đề xuất là doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng mối quan hệ hợp tác dựa trên sự tin tưởng giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng; lựa chọn được đối tác có chung tầm nhìn và tương đồng trong các giá trị văn hoá…

Nguồn: Báo Công Thương