Tin tức

Quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang có dấu hiệu 'tan băng'?

29/10/2021    449

Theo bài viết đăng trên trang mạng thinkchina.sg, các quan chức chính sách đối ngoại và thương mại cấp cao của Mỹ và Trung Quốc gần đây đã nêu rõ quan điểm của mình về việc thực hiện Thỏa thuận thương mại giai đoạn một và hy vọng về hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược.

Quan hệ thương mại Mỹ-Trung đã trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn dưới thời Tổng thống Donald Trump, do ông cho rằng Mỹ đã không nhận được sự đối xử công bằng khi nước này giao dịch với Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến mức thâm hụt thương mại cao giữa hai nước, tình trạng các ngành sản xuất dịch chuyển ra nước ngoài và sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ.

Ông Trump đã áp đặt các mức thuế quan thương mại cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ để giảm bớt thâm hụt thương mại.

Cựu Tổng thống Trump cũng đưa ra ý tưởng tách rời khỏi Trung Quốc và hi vọng các doanh nghiệp Mỹ đặt trụ sở tại Trung Quốc sẽ đưa các cơ sở sản xuất của họ trở về Mỹ.

Bế tắc kéo dài

Trung Quốc và Mỹ đã ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn một, trong đó, Trung Quốc nhất trí tăng mua hàng hóa của Mỹ và tiếp tục thúc đẩy cải cách trong nước. Mỹ cũng nhất trí không tăng thêm các mức thuế quan. Tuy nhiên, quy mô của Thỏa thuận thương mại giai đoạn một còn hạn chế.

Một số vấn đề mà Mỹ lo ngại, trong đó có các chính sách trợ cấp của Trung Quốc đối với ngoại thương và các vấn đề bán phá giá do công suất dư thừa, đã được đưa ra để giải quyết trong Thỏa thuận thương mại giai đoạn hai.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề đã xảy ra sau khi Thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết. Về mặt thương mại, dịch Covid-19 đã làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất và tác động đến sự ổn định của các chuỗi cung ứng và công nghiệp của Trung Quốc.

Sau đó, Mỹ hạn chế khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp Trung Quốc đối với công nghệ và thông tin từ Mỹ. Các nhân tố phi thương mại như các vấn đề Tân Cương và Hong Kong (Trung Quốc), kể cả sự trợ giúp của Mỹ đối với Australia trong việc có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng góp phần làm xấu đi quan hệ Mỹ-Trung.

Trong khi đó, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung đã không được thực thi một cách phù hợp.

Các số liệu thống kê từ Viện kinh tế quốc tế Peterson cho thấy, hiện nay, Trung Quốc mới chỉ mua 69% (hàng nhập khẩu của Trung Quốc) trong số lượng hàng hóa của Mỹ mà họ nói sẽ mua. Con số này còn một khoảng cách xa so với số lượng đã thỏa thuận.

Nói một cách khách quan, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến kế hoạch mua sắm của Trung Quốc. Về chủ quan, Trung Quốc cũng trở nên ít có động lực hơn để tuân thủ thỏa thuận, sau khi Mỹ thực hiện một loạt chính sách không thân thiện sau khi thỏa thuận được ký kết.

Mặt khác, Mỹ cho rằng, Trung Quốc không mua đủ sản phẩm của Mỹ và không thực hiện những cải thiện thực chất trong những vấn đề mà Mỹ quan tâm. Bởi vậy, hai bên cần trao đổi và thương lượng lại với nhau.

Ba cuộc trao đổi

Trong vòng chưa đầy 10 ngày trong tháng Mười năm nay, các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Mỹ đã có 3 cuộc trao đổi quan điểm quan trọng. Những cuộc tương tác này được coi là sự khởi đầu một chương mới của tình trạng bế tắc kéo dài trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung.

Thứ nhất là những phát biểu được Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đưa ra tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ngày 4/10. Đây là một trong những lời giải thích tương đối rõ ràng hơn về chính sách thương mại của Mỹ với Trung Quốc, kể từ khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhậm chức.

Thứ hai là cuộc gặp của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Zurich, Thụy Sỹ, vào ngày 6/10.

Cuối cùng, vào ngày 8/10, bà Tai đã có cuộc trao đổi trực tuyến với Phó Thủ tướng Lưu Hạc, đại diện chính của Trung Quốc trong đối thoại kinh tế Mỹ-Trung.

Cả hai đều thừa nhận sự cần thiết phải tăng cường các cuộc trao đổi và hợp tác kinh tế, cũng như thương mại, đồng thời trao đổi quan điểm về việc thực hiện Hiệp định kinh tế và thương mại Mỹ-Trung, nơi mỗi bên đã bày tỏ những lo ngại của mình và nhất trí tiếp tục trao đổi thông qua đàm phán.

Từ ba cuộc trao đổi này, người ta cảm nhận rõ chiều hướng thực dụng của quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ dần thuế quan để đổi lấy việc Trung Quốc thực hiện Thỏa thuận thương mại giai đoạn một, đặc biệt là phần về mua sản phẩm của Mỹ.

Điều này có thể giảm bớt sức ép lạm phát trong nước và chăm lo sinh kế ở các bang nông nghiệp, từ đó sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vào năm tới.

Thực dụng và thận trọng

Đối với những bất đồng, Mỹ có thể tiếp tục liên lạc với Trung Quốc và tham gia với các đồng minh khác để gây sức ép lên Trung Quốc. Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong khi Mỹ không phải là thành viên của hiệp định thương mại này, các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, Australia và Canada có thể có ý định hành động thay mặt Mỹ và buộc Trung Quốc phải có những thay đổi lớn đối với các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và các chính sách trợ cấp, vì họ muốn điều tương tự như Mỹ.

Với một số mức thuế đang được hạ thấp, Trung Quốc cũng có thể sẵn sàng thực hiện thỏa thuận thương mại này, vì Trung Quốc đã phục hồi từ dịch bệnh với những kết quả nổi bật và Bắc Kinh có thể có những điều chỉnh chính sách để đáp ứng hạn ngạch mua sắm trong thỏa thuận thương mại với Mỹ. Điều quan trọng hơn, quả thực Trung Quốc có nhu cầu cao đối với đậu tương và lúa mạch.

Nhiều bình luận trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc đánh giá tích cực về ba cuộc trao đổi này, nhưng các nhà quan sát cho rằng, Bắc Kinh cần theo dõi hành động và lời nói của Mỹ.

Logic tương tự có lẽ cũng đang diễn ra trong giới chính trị Mỹ, vì kể từ thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, đã có khủng hoảng lòng tin giữa Trung Quốc và Mỹ - bên này nghi ngờ lời nói của bên kia và thà không hợp tác còn hơn là dễ dàng nhượng bộ. Nếu không có nền tảng tin tưởng, hai nước sẽ không thể tìm ra được điểm hợp tác phù hợp.

Giờ đây, với cuộc đối thoại này, Trung Quốc và Mỹ đang sẵn sàng thúc đẩy các cuộc đàm phán cấp cao. Đây là bước đi tốt nhất tiến tới hợp tác. Chỉ có giao tiếp đầy đủ để hiểu được lập trường và những khó khăn của nhau thì mới có thể có không gian cho sự thỏa hiệp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được.

Đương nhiên, Mỹ sẽ không chỉ đơn giản theo dõi sự trỗi dậy của Trung Quốc mà không có phản ứng gì. Khi Mỹ mô tả mối quan hệ của mình với Trung Quốc là cạnh tranh chiến lược, chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ.

“Đánh cắp” và “sao chép” sẽ tiếp tục là những từ khóa thường xuyên trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung.

Để nắm được chuỗi cung ứng ngành công nghiệp công nghệ cao, Mỹ đã tiến hành đánh giá tổng thể về chất bán dẫn và pin, thậm chí có tin Chính phủ Mỹ đã yêu cầu các công ty chất bán dẫn lớn đệ trình danh sách những khách hàng nhạy cảm.

Những chính sách này cho thấy Mỹ muốn duy trì vị thế dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

Việc làm thế nào để quan hệ thương mại Mỹ-Trung tìm được sự cân bằng giữa cạnh tranh và hợp tác sẽ phụ thuộc vào sự khôn ngoan chính trị và chính sách ngoại giao thực dụng của nhà lãnh đạo cả hai nước.

Biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ là nền tảng tiếp theo mà Trung Quốc và Mỹ có thể trao đổi, cả hai bên đã thường tìm thấy những cơ hội tốt để hợp tác trong bối cảnh của các cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn.

Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam