Tin tức

Điều chỉnh tỷ giá, xuất khẩu cũng gặp khó

25/02/2011    37
Các hợp đồng xuất khẩu ký từ năm ngoái được xem là tin vui với các doanh nghiệp thuỷ sản và dệt may, thì nay, lại khiến họ dở khóc dở cười khi giá nguyên liệu tăng. Tiếp tục giao hàng theo hợp đồng thì lỗ hoặc hoà vốn, từ chối thì mất mối.

Những ngày đầu năm này, việc giá cá tra nguyên liệu cứ thế lao lên liên tục mà chưa có dấu hiệu hạ xuống khiến cho không ít doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đau đầu. Nặng thì lỗ, nhẹ coi như là làm không công. “Chúng tôi đã lường trước khó khăn, cố gắng tính thêm mức trượt giá nguyên liệu, lãi suất và các chi phí khác vào giá bán nhưng vẫn có nhiều lô hàng làm ra không còn lời”, ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc Agrifish An Giang thừa nhận.

Cuối quý 3, đầu quý 4 năm trước, mặt bằng giá cá tra đi châu Âu ở mức 2,7 – 2,9 USD/kg. Lúc đó, giá cá nguyên liệu dao động 19.500 – 20.000 đồng/kg. Qua năm 2011, giá cá nguyên liệu tăng hơn 33%. Theo một số doanh nghiệp, nếu đơn hàng nào trước đây bán dưới 3 USD thì nay giao hàng, mỗi ký cá chịu lỗ ít nhất 0,2 USD. Ông Nguyễn Văn Ký cho biết, trong tháng 1.2010, doanh số xuất khẩu của Agrifish An Giang đạt gần 8 triệu USD, tháng 2 là 6,5 triệu USD. Nhiều hợp đồng bán được giá 3,1 thậm chí là 3,3 USD/kg, nhưng cũng có không ít trường hợp có 2,9 – 3 USD.

Trước áp lực chi phí đầu vào tiếp tục tăng mạnh, đầu tuần qua, hiệp hội Chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) đã phải nhóm họp doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cảnh báo không vội vàng bán giá thấp. Ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Vasep, đồng thời là tổng giám đốc công ty cổ phẩn thuỷ sản Hùng Vương tính toán, phần lợi 9,3% khi tỷ giá điều chỉnh mới bù được 1/3 mức tăng giá nguyên liệu.

Cũng giống như một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, doanh nghiệp xuất khẩu tôm sú, tôm thẻ chân trắng cũng cho rằng, tuy giá bán sản phẩm đang cao thì cũng không bù lại những khoản chi phí đầu vào đang tăng chóng mặt. Công ty cổ phẩn thuỷ sản và thương mại Thuận Phước, Đà Nẵng là một trong số ít đơn vị xuất khẩu thuộc nhóm làm hàng hải sản có hợp đồng 13 triệu USD trong quý 1 năm nay. Ông Trần Văn Lĩnh, tổng giám đốc công ty cho biết, đơn hàng ký từ cuối quý 3/2010, chốt giá trước, theo phương thức giao tại cảng nhà nhập khẩu châu Âu và công ty chuẩn bị 40% nguyện liệu, làm sẵn bao bì nhưng đến thời điểm giao hàng coi như hoà vốn do chi phí nguyên liệu, lãi vay và chi phí vận tải tăng. Ông Lĩnh phân tích: “60% nguyên liệu chúng tôi phải mua từ đầu năm 2011, với giá mỗi ký là 78.000 đồng, tăng 14,7%. Sau khi tỷ giá điều chỉnh, giá mỗi ký tôm nguyên liệu vọt lên 85.000 đồng”. Cũng theo vị giám đốc này, giá cước tàu biển lên mức 3.500 USD cho mỗi container 40 feet, tăng 45%.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, khi điều chỉnh tỷ giá thì tưởng chừng họ sẽ được lợi nhiều nhất, nhưng thực tế ngược lại. Đối với đơn vị làm hàng thuỷ sản, nếu tính đúng, tính đủ thì chi phí đầu vào tăng ít nhất 12 – 15%, nhưng giá bán không thể tăng tùy tiện được, vì còn phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc. Còn với ngành dệt may mặc, đồ gỗ, vốn sử dụng tới 80% nguyện liệu nhập khẩu, thì tỷ giá, lãi suất tăng thêm còn gây áp lực lên chi phí đầu vào lớn hơn so với trước khi có điều chỉnh. Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam nói: “Tỷ giá tăng song hành cùng các biến động về lao động, chi phí sản xuất, nguyên vật liệu… đang làm cho doanh nghiệp phải đối phó với bất ổn còn khó hơn cả khi tỷ giá ở mức như cũ. Và tình trạng công ty có hợp đồng xuất khẩu ký đến hết quý 2/2011 nhưng lợi nhuận thấp sẽ lại tái diễn”.

Bà Nguyễn Thị Điền, tổng giám đốc công ty may An Phước cũng cho rằng, với mức chi phí đầu vào tăng như hiện nay, phải tăng giá may gia công thêm được 30% mới có lãi. Tuy nhiên, việc thuyết phục khách hàng chấp nhận mức điều chỉnh như vậy là chuyện rất khó khi may gia công cạnh tranh giá tính theo từng đồng. Dẫn một loạt giá đầu vào tăng như mỗi tấn hạt nhựa hiện nay là 2.800 USD, tăng 55% so với cuối năm ngoái, hay giá vải cotton dùng may mũ giày tăng gấp đôi, ngay cả cao su nguyên liệu trong nước cũng tăng 33% mỗi tấn, ông Nguyễn Đình Kim, giám đốc công ty giày Asia cho rằng, giá sản phẩm chỉ có thể tăng 5 – 7%, khó mà tăng trên 10% trong thời gian ngắn được.

Nguồn: SGTT