Doanh nghiệp miền Trung chưa quan tâm đến Hiệp định tạo thuận lợi thương mại
08/10/2021 246Khảo sát cho thấy có tới 95% doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu miền Trung không biết hoặc chỉ biết sơ bộ về tạo thuận lợi thương mại. Các chuyên gia cho rằng, việc nắm rõ về tạo thuận lợi thương mại nói chung và biết khai thác hiệp định TFA nói riêng sẽ mang lại lợi ích lớn cho chính doanh nghiệp.
Doanh nghiệp – đối tượng thụ hưởng chính “ngó lơ” TFA
Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) có hiệu lực từ tháng 02/2017. TFA mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua tạo thuận lợi thương mại trên cơ sở cân bằng giữa thuận lợi và tuân thủ pháp luật, thúc đẩy việc vận chuyển, thông quan hàng hóa thông qua việc đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục thương mại quốc tế, đẩy mạnh sự phối hợp giữa cơ quan hải quan và các cơ quan có thẩm quyền khác liên quan đến thương mại hàng hóa.
Là thành viên WTO, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện 39 cam kết chính trong TFA như cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, giảm thiểu thời gian thông quan, triển khai Cơ chế 01 cửa quốc gia, 01 cửa Asean, hệ thống giám sát hải quan tự động tại cảng biển...mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.
Tại Hội thảo trực tuyến “Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại – Nâng cao năng lực và nhận thức cho khu vực tư nhân”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) phối hợp cùng Dự án Tạo thuận lợi thương mại do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ (Dự án USAID TFP) tổ chức sáng 6/10, ông Nguyễn Toàn – Chuyên gia dự án USAID TFP cho hay: đến hết năm 2020, Việt Nam có 26 nhóm cam kết trong TFA được đánh giá ở nhóm A, 7 nhóm cam kết thuộc nhóm B và 6 nhóm cam kết thuộc nhóm C. Đến tháng 6/2021, đã có 226/284 thủ tục hành chính của 13 Bộ được tích hợp trên hệ thống 1 cửa quốc gia, giải quyết 3,89 triệu hồ sơ thủ tục với 47,7 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký giải quyết thủ tục.
Phía các cơ quan nhà nước đã có nhiều hoạt động tích cực, tuy nhiên, ở đối tượng thụ hưởng chính của TFA – các doanh nghiệp hiện khá “thờ ơ” với hiệp định này.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc – Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho rằng, các doanh nghiệp khu vực miền Trung nói chung và doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức đến TFA, nhiều doanh nghiệp chưa biết về Hiệp định. Nhận thức của các doanh nghiệp về tạo thuận lợi thương mại nói chung và TFA nói riêng vẫn còn hạn chế. Điều này làm giảm những lợi ích to lớn mà Hiệp định mang lại cho các doanh nghiệp.
Khảo sát 150 doanh nghiệp xuất nhập khẩu khu vực miền Trung đánh giá mức độ hiểu biết về tạo thuận lợi thương mại nói chung và hiệp định TFA nói riêng do VCCI Đà Nẵng phối hợp Dự án USAID TFP thực hiện mới đây cho thấy, có tới 95% doanh nghiệp trả lời không biết hoặc biết sơ bộ (có nghe nói tới) về tạo thuận lợi thương mại. Chỉ có 5% doanh nghiệp biết đến vấn đề tạo thuận lợi thương mại và đều là doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn tại miền Trung (kim ngạch xuất khẩu trên 50 triệu USD/năm).
Phần lớn các doanh nghiệp biết đến tạo thuận lợi thương mại thông qua các chương “tạo thuận lợi thương mại” trong các hiệp định thương mại tự do (FTAs), có tới 96,32% doanh nghiệp cho biết không biết đến hoặc chỉ mới nghe qua hiệp định TFA.
“Thực tế các doanh nghiệp hiểu và biết rõ về TFA hiện đang rất thấp, phần lớn hiểu biết của doanh nghiệp liên quan đến các cam kết trong TFA là biết qua các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam (nội luật hóa)”, ông Nguyễn Diễn – Chuyên gia VCCI nhận định.
TFA mang lại lợi ích lớn nếu doanh nghiệp nắm rõ và biết khai thác
Theo ông Nguyễn Toàn, TFA mang lại nhiều lợi ích mà doanh nghiệp là đối tượng thụ hưởng chính như giúp giảm thời gian thông quan, giảm chi phí, giảm rủi ro; tăng năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường; lợi nhuận được cải thiện – chiến lược kinh doanh ổn định;…
Cùng với thụ hưởng các chính sách, bản thân các doanh nghiệp phải phát hiện vấn đề dựa vào các cam kết TFA; phản ánh vấn đề còn vướng mắc, phát sinh theo cơ chế TFA tới Chính phủ, hải quan, VCCI, hiệp hội; phối hợp đề xuất cách thực thực hiện; tạo sức ép trên cơ sở cam kết, thời hạn, xếp hạng thế giới, dư luận; hợp tác với Hải quan để thực hiện thành công TFA.
Còn chuyên gia của VCCI cho rằng, TFA chỉ phát huy hiệu quả và mang lại lợi ích lớn nếu doanh nghiệp nắm rõ và biết khai thác. Biết rõ về TFA không chỉ biết các quy định của Việt Nam mà còn biết các cam kết mà các thành viên WTO, FTA dành cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam. “Biết rõ về TFA không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định của Nhà nước mà còn có thể vận dụng tốt nhất cho doanh nghiệp, góp ý với các cơ quan để thực hiện đúng, đầy đủ những cam kết mà TFA đã cố gắng mang lại cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Diễn nói.
Phó Giám đốc VCCI Đà Nẵng khuyến nghị doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết về TFA để có chính sách quản trị phù hợp nhằm tận dụng những lợi thế mà hiệp định mang lại. “Doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hợp tác với Chính phủ trong quá trình cải cách hướng tới thuận lợi hóa thương mại bằng cách phát hiện những quy định chưa phù hợp với TFA cũng như các vấn đề làm hạn chế hiệu quả của TFA để đề xuất cách thức giải quyết các bất cập này và tạo sức ép bằng TFA”, bà Ngọc nói và nhận định sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư sẽ mang lại những kết quả tích cực cho việc thực thi các cam kết trong TFA, sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả các lợi ích từ thương mại quốc tế.
Nguồn: Báo Công Thương
- EU cấm BPA trong vật liệu tiếp xúc thực phẩm, đồ uống: Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ứng phó ra sao?
- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế xanh
- Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ
- Phát triển KCN xanh, bền vững-Bảo đảm lợi nhuận lâu dài, giảm thiểu rủi ro môi trường và xã hội
- Cơ chế hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Mỹ phát huy hiệu quả trong năm 2024