Tin tức

Năm 2011, thị trường tôm nuôi nhiều biến động

23/02/2011    54

Vụ tràn dầu vịnh Mêhicô, dịch bệnh một số nước nuôi tôm nền kinh tế Mỹ khó khăn sẽ tạo ra một năm đầy biến động đối với nguồn cung cấp cũng như doanh số bán tôm nuôi.

Ông Ernie Wayland, Giám đốc điều hành tại Công ty International Marketing Specialists ở West Newton, Mass., cho rằng sự biến động là do nhiều yếu tố. Vụ tràn dầu làm giảm sản lượng, đẩy giá tăng. Mặc dù khai thác tôm của Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% tổng nguồn cung nhưng cùng với những khó khăn về nguồn cung ở các nơi khác trên thế giới, sự cố này khiến cho giá tôm nuôi tăng.

Tại khu vực Đông Nam Á, sản lượng của các trại nuôi tôm ở Malaixia giảm vì dịch bệnh do virut hoại tử cơ (IMNV) gây ra. Sự biến đổi khí hậu từ El Niño sang La Niña ở Thái Lan gây mưa lớn và lụt cũng là một yếu tố làm tăng giá tôm. Ngoài ra, giá còn biến động theo cung cầu. Khách hàng bắt đầu quay lưng lại vì giá tăng và các nhà NK cũng tìm cách hạ giá mua.

Cuối tháng 11/2010, giá tôm HLSO cỡ 26 – 30 tại Mỹ giảm còn 4,80 USD/pao so với cách đó vài tuần là 5,30 USD/pao, giá tôm cỡ 31 – 45 giảm từ 4,45 USD xuống còn 3,85 USD/pao. Thị trường có quá nhiều tôm cỡ trung cũng khiến giá giảm. Đồng USD suy yếu cũng tác động đến thị trường tôm. Sự nỗ lực giảm lạm phát của chính phủ Mỹ có thể đẩy giá NK năm nay tăng lên. Ông Wayland hy vọng năm 2011 sẽ ổn định hơn về giá cả và lượng dự trữ. Thông thường từ sau tháng 12 là giai đoạn lượng dự trữ và sản lượng thấp nhất, sau đó sẽ tăng dần vào mùa hè.

Các nước sản xuất mới và hay thay đổi

Có một vài nước đang nổi lên thành nước sản xuất chính như Malaixia. Tính đến tháng 10/2010, Malaixia sản xuất được gần 43 triệu pao tôm, chủ yếu cỡ 31/40 và 61/70 . Ấn Độ cũng là nước có vai trò lớn về sản xuất tôm sú và tôm chân trắng. Philippin dù đang là nước sản xuất nhỏ nhưng cũng sẽ nhanh chóng tham gia thị trường với quy mô lớn. Còn Trung Quốc - vốn là nước XK tôm nuôi, nay ngày càng tiêu thụ nhiều tôm nên dù vẫn XK nhưng Trung Quốc cũng đang chuyển dần sang thành nước NK ròng.

Eric Bloom, Chủ tịch Công ty  Eastern Fish ở Tea-neck, N.J. cũng nhất trí rằng Trung Quốc ngày càng tiêu thụ nhiều tôm và các nhà sản xuất ở Mỹ Latinh chuyển sang cung cấp cho khách hàng Châu Âu nhiều hơn là cho thị trường Mỹ. Khi Châu Âu ngừng mua hồi cuối tháng 10/2010, họ chuyển sang thị trường Mỹ nhưng đó chỉ là tạm thời theo thói quen mua hàng thông thường của Châu Âu. Do vậy, giá tăng và người tiêu dùng có các sự lựa chọn khác nhau. Doanh số bán tôm trong quý IV giảm do các nhà hàng và các đại lý bán lẻ vẫn còn một ít dự trữ. 

Steven Frisch, người phụ trách thu mua của Công ty Beaver Street Fisheries ở Jacksonville, Fla., cho biết công ty của ông cũng bị ảnh hưởng bởi thị trường tôm nuôi và ông gọi năm 2010 là năm “dở hơi” chưa từng có. Ông cho biết thị trường bắt đầu ổn định từ cuối năm ngoái nhưng các nước sản xuất vẫn gặp khó khăn, không đủ đáp ứng nhu cầu. Sản phẩm có nhiều nhu cầu nhất là tôm thịt xẻ lưng nhưng Thái Lan không có tôm vì các đầm nuôi của họ đã thu hoạch hết. Sản lượng ở cả Thái Lan và Inđônêxia đều giảm 15 – 30% do dịch bệnh đốm trắng ở Thái Lan và hoại tử cơ ở Inđônêxia.

Tuy nhiên, công ty không phải tăng giá nhiều vì họ mua được nguyên liệu vào thời điểm thích hợp.
Beaver Street mua tôm chủ yếu của Thái Lan, Inđônêxia và Việt Nam và mua một số sản phẩm từ Ấn Độ nhưng Ấn Độ cũng đang chuyển dần từ nuôi tôm sú sang tôm chân trắng để thu hoạch dày hơn, hơn nữa nhu cầu tôm sú không còn nhiều như trước.

Sản phẩm giá trị gia tăng

Khách hàng ngày càng ưa chuộng sản phẩm giá trị gia tăng, vì vậy các công ty liên tục tìm hiểu về hương vị và dạng sản phẩm mà người tiêu dùng có nhu cầu nhiều nhất. Beaver Street bán chủ yếu là sản phẩm giá trị gia tăng, tôm P&D còn đuôi, tôm thịt xẻ lưng và tôm bao bột thay vì bán tôm block, trong đó đứng đầu là tôm thịt, tiếp đến tôm hấp. Tuy nhiên, trong năm 2010, việc này thực sự khó khăn. Người nuôi và các nhà chế biến ký nhiều hợp đồng nên phải chật vật để tìm nguyên liệu, ảnh hưởng đến việc thực hiện các hợp đồng giao ngay và ảnh hưởng đến giá.

Bloom thuộc Công ty Eastern Fish cũng thừa nhận rằng khách hàng liên tục tìm mua các sản phẩm mới. Ngoài dạng sản phẩm giá trị gia tăng, việc đóng gói cũng quan trọng để làm sao cho khách hàng dễ chấp nhận. Ngoài ra người mua còn quan tâm đến sản phẩm tôm hấp các loại nước sốt và rau.

Tôm nuôi với các nhà hàng

Trong lĩnh vực dịch vụ, chuỗi nhà hàng như King’s Fish House với các nhà hàng ở California và Arizona, trước tiên đều phải lo giải quyết sự biến động nguồn cung cấp và giá tôm nuôi. Tôm nuôi là thành phần thường xuyên trong một số món trong thực đơn của chuỗi nhà hàng King, ngoài ra cũng còn các món có tôm khai thác tự nhiên. Các loại tôm được sử dụng đều được in trong thực đơn của King.

Mặc dù giá tôm nuôi của Mêhicô đã tăng 25% nhưng nhà hàng vẫn không hề tăng giá trong thực đơn trong suốt 3 năm. Nhà hàng quyết định dùng tôm nuôi Mêhicô do hương vị của loài này và do họ có thể theo dõi được quy trình nuôi và chế biến. Ngoài ra, nhà hàng còn mua tôm của Inđônêxia làm món phồng tôm. Nhà hàng không chuộng tôm sú về cả hương vị và hình thức. Tôm chân trắng của Châu Á vị mặn vì có thêm phụ gia. Bloom cũng cho rằng đã hết thời tôm giá rẻ và giá sẽ vẫn cao.

Nguồn: Vasep.com.vn