Tin tức

Ký kết hợp đồng với đối tác tại Anh và Bắc Ireland: Thận trọng để tránh rủi ro

29/09/2021    107

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) đã tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu mới cho Việt Nam. Tuy nhiên, với những đặc thù riêng biệt, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần thận trọng với các quy định trong hợp đồng mua bán quốc tế để tránh rủi ro.

Xuất khẩu tăng trưởng nhanh

Phát biểu tại Hội nghị "Thách thức, cơ hội và các lưu ý giải quyết tranh chấp khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Anh và Bắc Ireland thông qua Hiệp định UKVFTA", diễn ra mới đây, ông Lê Hoàng Tài- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho hay, UKVFTA (hiệu lực từ ngày 1/5/2021) đã giúp Việt Nam, Anh và Bắc Ireland duy trì các ưu đãi và lợi ích thương mại thông qua các cam kết mở cửa thị trường đã có trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU. Đây là cơ hội lớn cho DN Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Anh và Bắc Ireland.

Quan hệ thương mại Việt Nam - Anh được thiết lập từ những năm 1990 và không ngừng tăng trưởng trong những năm qua. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 2,88 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang Anh đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng có mức tăng cao, như: Phương tiện vận tải và phụ tùng 91%; đồ chơi, dụng cụ thể thao tăng 94,4%; sản phẩm mây, tre, cói, thảm tăng 105,6%... "Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam sang các thị trường gặp khó khăn do dịch Covid-19" - ông Lê Hoàng Tài đánh giá.

Khuyến cáo từ các chuyên gia

Với kinh nghiệm theo dõi thị trường và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại sang Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh - khuyến cáo, chất lượng sản phẩm là tiêu chí đầu tiên để DN Việt Nam tiếp cận thị trường Anh, Bắc Ireland, tiếp đó là phương pháp tiếp cận thị trường phù hợp. Theo ông Cường, điều này rất quan trọng, DN cần sử dụng hòm thư có tên công ty khi gửi thư giới thiệu hàng hóa tới đối tác Anh để tránh bị phần mềm lọc thư rác loại bỏ, xây dựng và duy trì website bằng tiếng Anh chuyên nghiệp và ổn định. Các DN Việt Nam đã có bạn hàng tại Anh phải tiếp tục xây dựng uy tín, bồi đắp niềm tin để phát triển quan hệ đối tác dài hạn. DN chưa có bạn hàng phải nghiên cứu thị trường để điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, đồng thời tăng cường tiếp cận các đối tác tiềm năng tại các hội chợ và triển lãm thương mại.

"Tranh chấp thương mại hay điều chỉnh hợp đồng cũng là vấn đề đặc biệt lưu ý, DN Anh thường đề nghị đối tác dùng luật của Anh để điều chỉnh khi tranh chấp, điều này sẽ rất khó khăn. Do đó, trong đàm phán hợp đồng, DN Việt Nam cần đề xuất sử dụng luật quốc tế để giải quyết tranh chấp" - ông Cường chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Hoàng Thị Hải Hà - Phó Trưởng phòng Luật pháp quốc tế, Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) - cho biết, đa phần DN xuất nhập khẩu Việt Nam lúng túng và chưa nắm các vấn đề trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nên dễ bị thua thiệt khi nảy sinh tranh chấp với đối tác. Có 2 vấn đề pháp lý DN cần lưu ý khi ký kết hợp đồng ngoại thương, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, gồm: Lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, chủ yếu là hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa và lựa chọn cơ quan tài phán để giải quyết tranh chấp hợp đồng. Theo đó, luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hiện nay phổ biến là Công ước Viên của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Công ước Viên). Công ước này thống nhất nguồn luật áp dụng trong hợp đồng và giúp DN giảm bớt khó khăn, chi phí, thời gian chọn luật áp dụng cho hợp đồng.

"Anh chưa phải là thành viên của Công ước Viên, do đó, không thể tự động áp dụng đối với hợp đồng giữa DN Việt Nam và DN Anh mà phải có sự thỏa thuận giữa 2 bên. Khi đàm phán hợp đồng, DN trong nước hoàn toàn có thể đề xuất lấy Công ước Viên là luật áp dụng cho hợp đồng thay vì luật của Anh hoặc nước thứ 3. Trong trường hợp không đàm phán được, DN tham khảo quy định mẫu của Công ước Viên về nghĩa vụ của người bán, người mua, trường hợp vi phạm hợp đồng, chế tài, trường hợp nào được miễn trách nhiệm để đưa vào hợp đồng, dự liệu và phòng tránh rủi ro ngay từ khi đàm phán hợp đồng" - bà Hoàng Thị Hải Hà lưu ý.

Với vấn đề thỏa thuận trọng tài, đại diện Vụ Pháp chế khuyến cáo, trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, có điều khoản chọn trọng tài và DN Việt Nam hoàn toàn có thể đề xuất giải quyết tranh chấp tại tổ chức trọng tài quốc tế có trụ sở tại Việt Nam, hoặc tổ chức trọng tài quốc tế tại nước thứ 3.

Nguồn: Báo Công Thương