Tin tức

Nhiều ngành hàng tiêu dùng tiếp tục tận dụng tốt ưu đãi từ Hiệp định EVFTA

22/09/2021    74

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, quý II/2021 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 14,02 tỷ USD, tăng 2,8% so với quý I/2021 và tăng 21,8% so với quý II/2020.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nhìn chung, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã ghi nhận sự tăng trưởng tốt, ngay cả so với thời kỳ trước đại dịch. Mức tăng trưởng khả quan được nhận định có vai trò hỗ trợ đáng kể từ Hiệp định EVFTA, đặc biệt trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp, khó lường. Trong đó, tăng trưởng nhập khẩu cao hơn tăng trưởng xuất khẩu khiến suất siêu của Việt Nam sang EU trong quý II/2021 giảm so với quý I/2021, nhưng vẫn tăng mạnh so với mức 4,48 tỷ USD của cùng kỳ năm 2020. Nhưng tính chung 6 tháng đầu năm 2021, xuất siêu của Việt Nam vẫn tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020, ở mức 11,1 tỷ USD. 

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận định: Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU có nhiều tiến triển thuận lợi khi các doanh nghiệp ngày càng có kinh nghiệm hơn trong việc tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, tỷ lệ tận dụng mẫu C/O EUR1 đạt 29,09% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu.

Về xuất khẩu Quý II/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU đạt 9,76 tỷ USD, tăng 1,2% so với quý I/2021 và tăng 22% so với quý II/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU đạt 19,4 tỷ USD, tăng 18,3% so với 6 tháng đầu năm 2020 và tăng 9,6% so với 6 tháng đầu năm 2019. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang phần lớn các thị trường lớn trong khối EU đã phục hồi mạnh về mức trước đại dịch, thậm chí nhiều thị trường còn tăng trưởng tốt hơn so với mức trước khi dịch bùng phát. 

Đức và Hà Lan vẫn là 2 thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, với kim ngạch lần lượt đạt 3,59 tỷ USD (tăng 9,1%) và 3,88 tỷ USD (tăng 20,2%). Một số thị trường có mức tăng trưởng ấn tượng như một số nước Đông Âu, Phần Lan... Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường như Pháp, Áo, Thụy Điển… giảm do mức độ phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu dùng của các nước trong khu vực không đồng đều

Về mặt hàng: Quý II/2021, do tác động của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang thị trường EU giảm so với quý I/2021, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong quý II/2021, xuất khẩu điện thoại các loại, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sang thị trường EU bị tác động bởi đợt dịch bùng phát tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại quý II/2021 giảm 30% so với quý I/2021 và giảm 19,1% so với quý II/2020; kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 1,47 tỷ USD, chỉ tăng 1,9% so với quý I/2021, nhưng vẫn tăng 22,1% so với quý II/2020; xuất khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng quý II/2021 giảm 17% so với quý I/2021, nhưng vẫn tăng 55,8% so với cùng kỳ năm 2020. 

Các doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng như giày dép, thủy sản, sắt thép các loại, chất dẻo nguyên liệu tiếp tục tận dụng tốt những ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định EVFTA trong quý II/2021. Đáng chú ý, xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU trong quý II/2021 tăng 27,3% so với quý I/2021 và tăng 25,8% so với quý II/2020, đạt 847,6 triệu USD, phục hồi mạnh so với mức tăng 3,1% của quý I/2021 so với cùng kỳ năm 2020. Sản phẩm mây, tre, cói và thảm là một trong những nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU có mức tăng trưởng cao trong quý II/2021, tăng 35,2% so với quý I/2021 và tăng 124,5% so với quý II/2020. 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 104,13 triệu USD, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là một trong những mặt hàng được ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA khi thuế suất đối với tất cả các dòng sản phẩm đều về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Theo đó, thuế đối với nhóm sản phẩm mây, tre, cói nhập khẩu vào EU từ Việt Nam được giảm từ mức 1,7 – 4,7% đối với tùy từng dòng sản phẩm được giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; thuế đối với nhóm sản phẩm thảm các loại (mã HS 57) được giảm từ mức 3 – 8% về 0%.

Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường EU quý II/2021 khởi sắc khi tăng 24,9% so với quý I/2021 và tăng 12,3% so với quý II/2020, đạt 40,57 triệu USD. 

Quý I/2021 kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường EU giảm 5,3%. Nhìn chung, EU vẫn là thị trường nhiều tiềm năng đối với mặt hàng trái cây của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu một số loại trái cây đặc sản nhiệt đới như quả vải, chanh leo, mít... của EU đang ngày càng tăng. Trong tháng 6/2021, những lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo Hiệp định EVFTA và thông đường vào các hệ thống phân phối tại EU. Tuy nhiên, do hệ thống kiểm dịch động thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm ở các nước châu Âu hết sức khắt khe, các doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng, truy xuất nguồn gốc, quản lý vùng trồng và áp dụng công nghệ hiện đại trong xử lý sau thu hoạch đảm bảo trái cây tươi lâu mà vẫn đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu của EU.

Nhìn chung, mức độ tác động của Hiệp định EVFTA đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 đã rõ nét hơn khi tiêu dùng hàng hóa của EU phục hồi, nhu cầu nhập khẩu của EU phục hồi. 

Theo Eurostat, doanh số bán lẻ của EU tháng 5/2021 đã phục hồi và vượt qua mức trước đại dịch vào tháng 2/2020. Tháng 5/2021, doanh số bán lẻ của EU tăng 4,6% so với tháng trước, sau khi giảm 3,6% trong tháng 4/2021. Nhập khẩu hàng hóa của EU từ thị trường ngoài khối tháng 5/2021 theo ước tính của Eurostat đã tăng 11%. Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của EU tăng lên, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã tận dụng tốt những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA để tăng thị phần trong tổng nhập khẩu của thị trường này như: thị phần mặt hàng sắt thép các loại của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của EU tăng từ 0,9% trong 4 tháng đầu năm 2020, lên 1,9% trong 4 tháng đầu năm 2021; thị phần giày dép các loại tăng từ 19%, lên 22,2%; thị phần hàng may mặc tăng từ 3,9%, lên 4%; thị phần sản phẩm từ sắt thép tăng từ 2%, lên 2,5%; hàng thủy sản tăng từ 3,1%, lên 3,3%... 

Các chỉ số kinh tế EU công bố trong tháng 7/2021 cho thấy kinh tế khu vực có xu hướng phục hồi ngày càng rõ nét. 

Tiêu dùng hàng hóa tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp cải thiện và tỷ lệ tiết kiệm ở mức cao nhất kể từ khi theo dõi chỉ số này cho thấy triển vọng tiêu thụ hàng hóa tại khu vực tiếp tục phục hồi trong thời gian tới. Tuy nhiên, sức mua nhiều mặt hàng chưa thể quay về mức trước đại dịch khi tỷ lệ thất nghiệp mặc dù đã cải thiện nhưng vẫn ở mức cao. 

Các mặt hàng có triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới có thể kể đến như giày dép các loại, hàng dệt may. Sau một thời gian hạn chế ra ngoài mua sắm, khi các yêu cầu giãn cách được dỡ bỏ, hoạt động du lịch được khởi động trở lại, nhu cầu tiêu thụ nhóm mặt hàng này sẽ tăng lên. 

Theo nhận định trong nửa cuối năm 2021, với việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 tại Bắc Giang và Bắc Ninh, xuất khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sẽ dần phục hồi, sau khi chậm lại trong tháng 6/2021. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam trong tháng 7/2021 sẽ khiến tiến độ xuất khẩu hàng hóa nói chung và tiến độ xuất khẩu sang thị trường châu Âu bị ảnh hưởng đáng kể. 

Trong thời gian gần đây, tình hình Covid-19 ở nhiều nước châu Âu diễn biến phức tạp trở lại. Số ca nhiễm tăng cao sau thời gian dịch đã được kiểm soát, sẽ phần nào tác động đến tình hình kinh tế của các quốc gia trong khu vực. Hầu hết các quốc gia đang đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine nhằm ứng phó với mối lo về đợt bùng phát mới. Khả năng các nước châu Âu tái áp dụng các biện pháp mạnh để kiểm soát dịch là khó xảy ra, nhưng cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của khu vực. Do đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU từ nay đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng mức độ phục hồi vẫn khó dự đoán trước những diễn biến khó lường của của dịch Covid-19. 

Về nhập khẩu: Quý II/2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ EU đạt 4,26 tỷ USD, tăng 6,8% so với quý I/2021 và tăng 21,3% so với quý II/2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU đạt 8,2 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ hầu hết các thị trường trong khối EU đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ nhập khẩu từ thị trường Thụy Điển, Slovenia và Látvia giảm.

Quý II/2021, kim ngạch nhập khẩu phần lớn mặt hàng từ thị trường EU tăng so với quý trước đó và so với cùng kỳ năm 2020, nhiều mặt hàng đạt mức tăng trưởng 2 - 3 con số. Đặc biệt, nhập khẩu nguyên phụ liệu thuốc lá, phế liệu sắt thép tăng rất mạnh. Nhập khẩu một số mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu đang tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 như: Chất thơm, thành phẩm và chế phẩm vệ sinh; hàng điện gia dụng và linh kiện; ô tô nguyên chiếc các loại.

Nguồn: Bộ Công Thương