Tin tức

Một năm "tôi, rèn" của doanh nghiệp

08/02/2011    43

Tranh chấp, kiện tụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh vốn là chuyện chẳng đặng đừng, nhưng cũng lại là chuyện chẳng đừng được. Qua giải quyết những vụ việc ấy, bản lĩnh của doanh nghiệp được tôi rèn.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang thời kỳ “trăm hoa đua nở” với mức độ hội nhập ngày càng sâu rộng, những tranh chấp mà doanh nghiệp phải đối diện và tìm cách tháo gỡ có thể đến từ bên trong lẫn bên ngoài. Có khi sự vụ kéo dài một cách dai dẳng, nhưng cũng có thể “rơi” xuống bất thình lình từ một… nơi xa lắm!

Thắng vẻ vang  

Ngày 15/12/2010 hẳn sẽ được ghi lại trong “Biên niên sử” của ngành sản xuất và nuôi trồng thủy sản Việt Nam, với việc Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) thừa nhận mình sai và chấp nhận rút cá tra Việt Nam ra khỏi “danh sách đỏ” trong Cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng thủy sản 2010-2011.

Trước đó, hàng vạn nông dân và doanh nghiệp nuôi trồng, kinh doanh loài thủy sản này đã “như đứng đống lửa, như ngồi đống than”, khi nghe được thông tin ngày 19/11/2010, sáu thành viên WWF ở châu Âu (gồm Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch) đưa cá tra Việt Nam vào “danh mục đỏ” trong cuốn Cẩm nang nói trên. Điều này đồng nghĩa với việc WWF khuyến cáo người tiêu dùng ở các thị trường này không nên mua các sản phẩm có nguồn gốc từ cá tra Việt Nam với lý do chính là các trại nuôi gây ô nhiễm môi trường tự nhiên, khiến nguy cơ lây bệnh của cá tra sang các loài cá tự nhiên rất cao… Tuy việc rút bỏ này chỉ có thể thực hiện trên trang mạng của WWF (Cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng thủy sản 2010-2011 đã phát hành thì rất khó thu hồi); song đây có thể coi là một thắng lợi vẻ vang nhờ sự vào cuộc kịp thời và quyết liệt của cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, sự hỗ trợ hiệu quả của giới truyền thông. Cũng cần ghi nhận thái độ cầu thị, sửa sai nhanh chóng của WWF để dàn xếp vấn đề chỉ trong vài tuần kể từ khi sự việc bùng phát.

Về lâu về dài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) Nguyễn Hữu Dũng nhìn nhận, điều quan trọng là phải có sách lược quốc gia về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là giải pháp nuôi và tiêu thụ cá tra. Trách nhiệm của người sản xuất là phải nghiêm chỉnh tuân thủ các công đoạn nuôi trồng, chế biến đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc chia sẻ thông tin giữa nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng cũng cần công khai, minh bạch hơn, tránh việc thông tin bị bóp méo, tạo cơ hội cho những nhóm lợi ích nào đó tận dụng. Ông Dũng cho biết, cá tra đã và vẫn sẽ tiếp tục là “đích ngắm” của những cuộc chiến thương mại quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh gắt gao. Cần nói thêm rằng mỗi năm Việt Nam cung cấp khoảng 1,5 triệu tấn cá tra cho thị trường thế giới và năm 2010 ước tính kim ngạch xuất khẩu cá tra khoảng 1,5 tỷ USD.

Sử dụng quyền thành viên của WTO

Không chỉ có cá tra, một loại hàng hóa “tỷ đô” khác - con tôm Việt Nam - cũng đã chịu sóng gió nhiều năm nay. “Tức nước vỡ bờ”, năm 2010, lần đầu tiên kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã phải khởi xướng vụ kiện áp thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với mặt hàng tôm xuất khẩu. Theo bà Trần Thị Thu Hằng, Tham tán công sứ, Phó trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, báo cáo cuối cùng với kết luận của Ban hội thẩm sẽ có trong tháng 4/2011. Tuy nhiên, phần tranh tụng của vụ kiện tôm đã kết thúc hồi trung tuần tháng 12/2010 và theo ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Việt Nam thì “Việt Nam đã trình bày đầy đủ cơ sở pháp lý, thực tiễn để chứng minh phía Mỹ ra các quyết định không phù hợp, vi phạm quy tắc WTO”. Trước đây, Ecuador và Thái Lan đã khởi xướng vụ kiện tương tự lên WTO và đã thắng kiện.

Nếu có được phán quyết như chúng ta mong đợi thì khả năng cạnh tranh của tôm đông lạnh Việt Nam trên thị trường Mỹ là rất sáng sủa, do doanh nghiệp không phải đặt cọc tiền chống bán phá giá. Hơn nữa, với mức thuế rà soát lần 2 bằng 0%, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ có cơ hội thoát hẳn khỏi nỗi ám ảnh về thuế chống bán phá giá (nếu 3 lần rà soát liên tục có kết quả 0%) và tạo ra một “án lệ” có lợi cho tất cả các vụ kiện trong tương lai đối với hàng hóa khác của Việt Nam.

Dù vụ việc chưa ngã ngũ, nhưng chỉ riêng việc đứng ra khởi kiện với chứng lý rõ ràng, đầy đủ cũng cho thấy bản lĩnh trên thương trường của các doanh nghiệp Việt Nam đã được nâng cao thêm một mức.

Lùng bùng sở hữu trí tuệ

Trong khi thu được những thành quả đáng khích lệ trong các lần “đáo tụng đình” với đối tác bên ngoài, thì môi trường kinh doanh trong nước cũng xảy ra nhiều chuyện không kém phần… kịch tính. Là một doanh nghiệp sớm ý thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ và đã sớm có những biện pháp phòng ngừa cần thiết như đăng ký bản quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp, nhưng cho đến giờ Công ty TNHH Duy Lợi vẫn phải… kêu trời! Trong 2 năm qua, theo ông chủ Duy Lợi, có thời điểm trên thị trường trong nước có đến 16 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất võng xếp vi phạm kiểu dáng độc quyền sản phẩm võng xếp của doanh nghiệp này.

Tương tự, gần đây nhất, nhiều địa chỉ ngang nhiên rao bán các loại xe Honda Spacy, AirBlade, SCR với giá chỉ có… 16 triệu đồng, thấp hơn nhiều lần so với xe “xịn” (Honda Spacy là hơn 90 triệu đồng, hai loại xe sau quanh mức 30 triệu đồng). Dĩ nhiên, cơ quan chức năng không có gì khó khăn để biết rằng các loại xe “siêu rẻ” là hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc...

Thống kê từ Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ thì cho thấy, năm 2010 trên phạm vi cả nước có 1.632 vụ bị xử lý về xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm với tổng số tiền phạt gần 5 tỷ đồng. Số vụ vi phạm về quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm năm nay ít hơn năm 2009 nhưng số tiền phạt lại tăng gấp đôi. Số vụ xâm phạm về quyền với kiểu dáng công nghiệp bị xử lý trong năm 2010 lại tăng so với năm ngoái, song tổng số tiền phạt giảm xuống… Theo các chuyên gia của Bộ này, các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trong mọi lĩnh vực kinh tế, từ sao chép băng đĩa, in sách lậu, phần mềm, sở hữu công nghiệp, nhãn hàng hóa, thực phẩm... ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Ngay cả những sản phẩm có giá trị không lớn như chiếc bút bi, giấy viết, khăn ăn giấy, kẹo bánh... cũng bị “nhái”. “Mới nóng” hơn cả trong lĩnh vực này là chuyện Công ty cổ phần Vincom khởi kiện Công ty cổ phần Đầu tư tài chính và bất động sản Vincon lên Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội; đồng thời gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm lên Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, vì cho rằng Vincon đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu và tên thương mại của mình. Mặc dù Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra quyết định xử phạt Vincon; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm “Vincon” trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch, phương tiện kinh doanh, phương tiện quảng cáo…, nhưng bên “-con” cãi rằng, tên thương mại “Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính và Bất động sản Vincon” đã được đăng ký và cấp phép bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội. Hơn nữa hoạt động kinh doanh của họ chủ yếu là xây nhà ở thu nhập thấp cho sinh viên thuê, khác biệt cơ bản với “-com”. Trên thực tế còn rất nhiều câu chuyện tương tự như với cặp “-com” – “-con” nên phán quyết của Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội đang được cộng đồng kinh doanh chăm chú theo dõi và chờ đợi…

Bắt đầu một năm mới với rất nhiều dự định mới, điểm lại những câu chuyện trên, Doanh Nhân hy vọng các doanh nghiệp chuẩn bị tốt hành trang cho mình để vững vàng đối phó với những rắc rối pháp đình có thể xảy ra như “một phần tất yếu” của đời sống kinh tế - xã hội thời hội nhập.

Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp