Tin tức

Tăng trưởng xuất khẩu : Phụ thuộc tình hình kiểm soát dịch bệnh

09/08/2021    48

Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản nhằm thâm nhập các thị trường mới. Đồng thời, ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến XK vào các thị trường sớm khôi phục sau đại địch Covid-19…

Nhập siêu 2,7 tỷ USD

Tổng kim ngạch XNK hàng hóa tháng 7/2021 ước tính đạt 55,7 tỷ USD, tăng nhẹ 1,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng năm 2021, tổng kim ngạch XNK hàng hóa ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 373,36 tỷ USD, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%; nhập khẩu (NK) đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3%.

Trong cơ cấu hàng hóa XK, có đến 27 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD; trong đó, điện thoại và linh kiện có kim ngạch lớn nhất. Đặc biệt, cả 3 nhóm hàng là: Công nghiệp chế biến, nông, thủy sản và nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch XK tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Về NK, cơ cấu hàng hóa phần lớn vẫn thuộc về nhóm hàng cần NK, chiếm đến 87,9% tổng kim ngạch NK. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước tính nhập siêu 1,7 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa nhập siêu 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD).

Theo Bộ Công Thương, nhìn chung, hoạt động XK của hầu hết mặt hàng, nhóm hàng 7 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này đang có phần chậm lại do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, tăng trưởng XNK sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vắc - xin.

Dự báo cán cân thương mại sẽ cải thiện

Bộ Công Thương dự báo, nhu cầu hàng hóa XK vẫn đang khá cao, việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc - xin và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử của Việt Nam. Cùng với đó, một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng NK từ Việt Nam.

Đồng thời, các FTA đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành XK của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy XK tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Giá hàng hóa XK cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị XK .

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương), chu kỳ NK hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm trong khi XK đạt đỉnh điểm vào nửa cuối năm. Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, XNK có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do trên thế giới, khu vực Đông Nam Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng tại các quốc gia như Indonesia hay Thái Lan… Trong nước, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương là khu vực sản xuất hàng hóa lớn, có quy mô kim ngạch XNK đứng đầu của cả nước. Một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ làm gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa; việc thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao cũng là trở ngại cho hoạt động XNK hàng hóa trong những tháng cuối năm nay.

Dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước khiến xuất nhập khẩu (XNK) nói chung, xuất khẩu (XK) nói riêng trong tháng 7 có phần chững lại. Từ nay đến cuối năm, tăng trưởng XNK sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như đẩy nhanh quá trình tiêm vắc-xin trong nước.

Nguồn: Báo Công Thương