Tin tức

Thiếu hụt chất bán dẫn tạo ra những “cơn địa chấn” toàn cầu khi nào kết thúc?

02/08/2021    310

Sự thiếu hụt chất bán dẫn đã tạo ra những “cơn địa chấn” trên khắp các nền kinh tế toàn cầu, bóp nghẹt nguồn cung của mọi thứ từ ô tô đến tai nghe.

Trong khi đó, dù chỉ là những thành phần rất nhỏ bé song thế giới hiện đại đang phụ thuộc rất nhiều vào các loại chip điện tử. Đây là nền tảng cơ bản của của việc tạo ra những chiếc máy tính, cho phép các thiết bị điện tử xử lý dữ liệu.

Ảnh hưởng của đại dịch

Sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 vào đầu năm 2020 đã thúc đẩy làn sóng chi tiêu toàn cầu vào các mặt hàng điện tử. Khi người dân buộc phải ở nhà nhiều hơn, họ tăng cường chi tiêu mua máy tính, ti vi và máy chơi game để xua đi sự nhàm chán.

Cùng với đó, việc các nhà máy phải đóng cửa tạm thời để ngăn chặn đà lây lan của virus cũng gây áp lực lên nguồn cung. Kết quả là, khi những nhà máy này mở cửa trở lại, họ đối mặt với tình trạng đơn hàng “chất cao như núi”, tình trạng thiếu hụt đối với các con chip liên tục diễn ra. 

Tuy nhiên, đại dịch không phải là yếu tố duy nhất. Một cơn bão mùa Đông “chưa từng có” hồi tháng 2/2021 đã buộc một số nhà máy sản xuất chip ở Texas phải tạm dừng hoạt động, trước khi nhà máy sản xuất chip lớn nhất Nhật Bản Renesas bị thiêu rụi vì một vụ hoả hoạn bất ngờ.

Căng thẳng Mỹ-Trung cũng là một phần nguyên nhân. Tháng Tám năm ngoái, Mỹ đã cấm các công ty nước ngoài có sử dụng chip công nghệ Mỹ được bán hàng cho “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc Huawei vì cáo buộc gián điệp.

Điều này khiến Huawei bắt đầu tích trữ chất bán dẫn trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực và các công ty khác cũng làm theo, khiến nguồn cung tiếp tục bị co lại.

Ngành công nghiệp nào chịu ảnh hưởng lớn nhất?

Ngành công nghiệp ô tô có lẽ là nạn nhân dễ nhận thấy nhất cho đến nay. Đại dịch đã buộc nhiều nhà sản xuất phải giảm sản lượng. Khi lĩnh vực sản xuất ô tô cắt giảm sản lượng, các nhà sản xuất chip đã chuyển sang cung cấp cho những lĩnh vực khác, bao gồm các mặt hàng điện tử có nhu cầu cao trong đại dịch.

Điều đó đã khiến các thương hiệu ô tô từ Volkswagen đến Volvo phải tranh giành để nắm giữ nguồn cung chất bán dẫn, khi doanh số bán hàng của họ chứng kiến đà tăng trưởng trở lại.

Trong khi đó, các nhà sản xuất điện thoại thông minh dường như đã bắt đầu chịu ảnh hưởng ít nhiều sau một thời gian “cầm cự” nhờ kho dự trữ chip có sẵn. Giám đốc điều hành của Apple Tim Cook đã cảnh báo trong tuần này rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất iPhone và iPad.

Các nhà sản xuất điện thoại nhỏ hơn có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn, các chuyên gia phân tích cho biết. Tương tự, các dụng cụ chơi game như PlayStation 5 và Xbox Series X cũng đang trong tình trạng khan hàng.

Cuộc khủng hoảng khi nào mới kết thúc?

Các chính phủ đang gấp rút nâng cao năng lực sản xuất chip của mình. Tháng 5/2021, Hàn Quốc đã công bố khoản đầu tư khổng lồ lên đến 451 tỷ USD trong một nỗ lực trở thành “gã khổng lồ” của lĩnh vực chất bán dẫn, trong khi Thượng viện Mỹ tháng trước đã bỏ phiếu thông qua khoản trợ cấp 52 tỷ USD cho các nhà máy chip.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tìm cách nhân đôi công suất sản xuất chip toàn cầu, lên ngưỡng 20% toàn thị trường đến năm 2030. Tuy nhiên, có một sự thật đó là các nhà máy sẽ không thể mở cửa trong một sớm một chiều - đặc biệt là những nhà máy sản xuất chất bán dẫn, vốn đòi hỏi một quy trình sản xuất tinh vi.

Ondrej Burkacky, người đứng đầu mảng phân tích về thị trường bán dẫn toàn cầu thuộc công ty tư vấn McKinsey, cho biết: “Việc xây dựng nhà máy công suất mới cần thời gian - đối với những nhà máy mới, thời gian là hơn 2,5 năm. Vì vậy, hầu hết những hoạt động mở rộng bắt đầu từ bây giờ sẽ không có khả năng làm tăng công suất khả dụng cho đến năm 2023”.

Chuyên gia này nói thêm rằng khi tính đến các yếu tố dài hạn, có thể thấy nhu cầu toàn cầu đang ở mức "tăng trưởng siêu tốc", chẳng hạn như xu hướng các công ty tăng cường sử dụng công nghệ dữ liệu đám mây sẽ đòi hỏi ngày càng nhiều các trung tâm dữ liệu được xây dựng. Đây vốn là những lĩnh vực sử dụng chip số lượng lớn.

Jean-Marc Chery, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip liên doanh Pháp-Italy STMicroelectronics, cho biết số đơn đặt hàng trong năm tới đã vượt xa năng lực sản xuất của STMicroelectronics. Ông nói: "Sự thiếu hụt sẽ kéo dài tối thiểu là trong năm tới".

Các nhà phân tích cho rằng xu hướng nguồn cung hạn chế sẽ dẫn đến hậu quả là môi trường giá cao hơn cho người tiêu dùng. SEB, một nhà sản xuất thiết bị nhà bếp của Pháp, đã cảnh báo rằng họ đang buộc phải tăng giá các sản phẩm của mình.

Nguồn: BNews