Tin tức

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021

26/07/2021    49

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điểm yếu của kinh tế Việt Nam đến từ các rủi ro nội tại, như tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, là “nút thắt” hạ tầng. Bên cạnh đó là việc bùng phát dịch tại TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước.

Tác động tiêu cực từ đợt dịch thứ 4

Có thể thấy, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi trong 6 tháng đầu năm 2021, nhưng diễn biến phức tạp trước tình trạng lây lan của dịch bệnh trong cuối quý 2/2021 và đầu quý 3/2021 ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân, cũng như quá trình sản xuất của các doanh nghiệp, cũng như đà phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Đánh giá về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, so sánh bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam tại thời điểm này của năm 2021 so với năm 2020 chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy nhiều điểm khác biệt do bối cảnh dịch bệnh. Đó là bên cạnh sự nguy hiểm của biến chủng Delta thì dịch bệnh lần này đã tấn công vào những trung tâm kinh tế sản xuất công nghiệp, đến những tỉnh thành sở hữu những khu công nghiệp quan trọng đóng vai trò mấu chốt trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị như Bắc Ninh và Bắc Giang, và mới đây là tấn công vào đầu tàu kinh tế của cả nước – TPHCM - nơi đóng góp 1/3 vào ngân sách nhà nước, với vai trò là đầu kéo. Cùng với việc đầu kéo cho nền kinh tế đang bị tấn công dữ dội thì tất nhiên đoàn tàu kinh tế Việt Nam sẽ bị chậm lại.

“Để duy trì được động lực tăng trưởng kinh tế, theo tôi dù chúng ta chống dịch nhưng phải đảm bảo được các mục tiêu kinh tế nhất là đảm bảo đủ nguồn lực kinh tế để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động và đặc biệt là các đối tượng yếu thế. Câu hỏi đặt ra là chiến lược thích ứng để thúc đẩy các động lực kinh tế để đảm bảo các mục tiêu là gì? Tôi tin rằng cho dù chúng ta đạt được mục tiêu 70% dân số tiêm vắc xin thì nền kinh tế của chúng ta vẫn khó lòng quay trở lại trạng thái bình thường như trước đây. Thuốc đặc trị để chữa bệnh mới thật sự tạo ra triển vọng chắc chắn cho nền kinh tế.

Tại sao năm 2020, kinh tế Việt Nam thành công trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới lại không đạt được, bên cạnh những quyết sách vì chống dịch, việc thực hiện tốt ‘mục tiêu kép’ thì tôi cho rằng điều quan trọng ở đây là sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.

Trong năm 2020, khu vực doanh nghiệp đã làm rất nhiều điều cho thấy sự linh hoạt, tính chịu đựng để đảm bảo duy trì sản xuất, đảm bảo đời sống cho người lao động, đảm bảo đơn hàng để thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Nhưng sau hơn 1 năm bị dịch ảnh hưởng, những nguồn tích luỹ mà doanh nghiệp có được trong nhiều năm hiện đã cạn kiệt, nhất là trong tình hình dịch diễn biến phức tạp như hiện nay. Có thể nói sự suy yếu của doanh nghiệp là khó khăn rất lớn cho nền kinh tế, trụ cột của nền kinh tế đang lung lay”, PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo phân tích.

Kịch bản thuận lợi dự báo tăng trưởng 5,4-6,1%

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 2/2021 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 so với các báo cáo trước đây. Triển vọng kinh tế những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào: tốc độ và quy mô tiêm chủng vắc xin; hiệu quả/phản ứng phụ của các biện pháp phòng chống bệnh dịch; các gói hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng ở trong nước.

Dựa trên tình hình thực tiễn, VEPR đưa ra 3 kịch bản dự báo và trong các kịch bản dưới đây đều giả định rằng, các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam sẽ triển khai thành công việc tiêm vắc xin vào đầu quý 4/2021 và khống chế được tình trạng tái bùng phát, hoạt động kinh tế được khôi phục và căng thẳng thương mại và bất ổn chính trị được làm dịu hơn. Trong khi đó, tình hình kiểm soát bệnh dịch tại Việt Nam có thể diễn biến theo các chiều hướng khác nhau.

Theo đó, ở kịch bản cơ sở, dịch bệnh được kiểm soát vào cuối quý 3/2021, việc tiêm chủng được triển khai nhanh chóng và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 2/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 4,5 – 5,1%.

Ở kịch bản thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát ngay trong tháng 8/2021, việc tiêm vắc xin được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý 1/2022, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,4 – 6,1%.

Kịch bản bất lợi là dịch bệnh chưa thể được kiểm soát và các hoạt động kinh tế chưa thể trở lại bình thường cho tới quý 4/2021, quá trình tiêm chủng vắc xin được triển khai chậm do thiếu nguồn cung; các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi số được thúc đẩy nhưng dịch vụ, thương mại và thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Khi đó, kinh tế Việt Nam năm 2021 chỉ có thể tăng trưởng từ 3,5-4%.

Nguồn: Báo Hải quan