Tin tức

Thỏa thuận thương mại kỹ thuật số của Mỹ chống Trung Quốc - 'chết từ trong trứng nước'?

19/07/2021    97

Ngoài những khó khăn để hoàn thành một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ cũng cần đặt câu hỏi về cách thỏa thuận sẽ được đón nhận ở Trung Quốc.

Ngày 16/7, tờ Bloomberg khẳng định, Mỹ đang cân nhắc một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số mới với các nước châu Á-Thái Bình Dương nhằm cạnh tranh với ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.

Mỹ sẽ gặp khó?

Bloomberg dẫn nguồn một số nhân vật giấu tên trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ rằng, chi tiết về thỏa thuận này vẫn đang được soạn thảo, song có khả năng bao gồm các quốc gia như Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Australia, New Zealand và Singapore.

Một nguồn tin khác chia sẻ, thỏa thuận này có thể đặt ra nền móng tiêu chuẩn cho các nền kinh tế kỹ thuật số, trong đó có các quy tắc về sử dụng dữ liệu, tạo thuận lợi thương mại và các thỏa thuận hải quan điện tử.

Ý nghĩa quan trọng nhất của kế hoạch này là khẳng định quyết tâm của ông Biden nhằm xây dựng một kế hoạch kinh tế cho khu vực mang tầm quan trọng chiến lược nhất thế giới, sau khi ông Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017.

Tuy nhiên, hiện phía Mỹ vẫn chưa phản hồi câu hỏi của báo chí về vấn đề này.

Trong những năm gần đây, các tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc như Alibaba Group Holding và Tencent Holdings đã dẫn đầu làn sóng đầu tư vào Đông Nam Á, nơi có hơn nửa tỷ người đang sử dụng các thiết bị kết nối mạng internet.

Một số nước trong khu vực cũng đã phản đối lời kêu gọi của Mỹ về việc “cấm cửa” Huawei Technologies Co. của Trung Quốc triển khai mạng 5G.

Có chuyên gia đánh giá, một hiệp định thương mại kỹ thuật số sẽ đưa Mỹ trở lại cuộc chơi thương mại ở châu Á, đồng thời coi đó giống như việc đưa Washington gia nhập lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hiện nay, cũng có thông tin cho rằng, Trung Quốc đang thúc đẩy các cuộc đàm phán để gia nhập CPTPP, hiệp định vốn đã từng được hình dung là nhằm củng cố sức mạnh kinh tế và quan hệ thương mại của Mỹ trong khu vực.

Bà Deborah Elms, người sáng lập Trung tâm Thương mại châu Á có trụ sở tại Singapore, cho biết, ngoài những khó khăn kỹ thuật mà Mỹ sẽ phải đối mặt để hoàn thành một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số trên phạm vi rộng, nước này cũng cần đặt câu hỏi về cách thỏa thuận sẽ được đón nhận ở Trung Quốc.

Chuyên gia Elms nói: “Nếu điều này được coi, hoặc trên thực tế là phương pháp để kiềm chế Trung Quốc, thì theo quan điểm của tôi, nó đã chết từ trong trứng nước”.

Phản ứng về dự định thỏa thuận thương mại kỹ thuật số của Mỹ, truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh: “Ngay cả những quốc gia có tham vọng về kỹ thuật số, những người nhìn chung sẽ đồng ý, những người thậm chí còn lo lắng về Trung Quốc trong không gian kỹ thuật số, cũng đều sẽ nói rằng: Đó là cam kết mà tôi chưa sẵn sàng thực hiện. Tôi không muốn tham gia một thỏa thuận có nội dung chống Trung Quốc, hoặc theo bất kỳ cách nào nhằm khắc chế Bắc Kinh”.

Trung Quốc cũng cảnh báo các quốc gia không nên tham gia bất kỳ thỏa thuận kỹ thuật số nào do Mỹ hậu thuẫn, ví nó như "gông cùm hạn chế thương mại và quyền tự do hợp tác".

Tờ China Daily cho biết, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không thể tách rời nhau và “do đó, thật vô lý khi cố gắng buộc các nước khác làm điều đó mà không tìm cho họ những nguồn hàng hóa, dịch vụ và vốn mới để lấp đầy khoảng trống do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gây ra”.

Thế giằng co, Trung Quốc “lấn lướt”?

Thỏa thuận thương mại kỹ thuật số có thể được đưa ra trong cuộc họp đặc biệt vào ngày 16/7 giữa các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), nơi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ đưa ra tầm nhìn của họ đối với khu vực.

Ông Biden đã đề xuất kế hoạch xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn, tài trợ cho các cơ sở hạ tầng như một giải pháp thay thế cho Sáng kiến ​​"Vành đai và Con đường" của ông Tập Cận Bình (bao gồm kế hoạch về “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” với mục tiêu “bảo vệ dữ liệu an ninh, truyền thông và điều phối chính sách”).

Trước đó, một số quốc gia châu Á trong tuần này đã lên tiếng ủng hộ một thỏa thuận thương mại kỹ thuật số do Mỹ hậu thuẫn trong khi tránh mọi đề xuất rằng nó có thể sẽ được sử dụng để chống lại Trung Quốc.

Bộ trưởng Thương mại Malaysia Azmin Ali hoan nghênh động thái này và kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ coi Kuala Lumpur như một "cửa ngõ" để vào Đông Nam Á, trong khi Singapore cho rằng thỏa thuận này có tiềm năng tạo ra một "cộng đồng kỹ thuật số toàn cầu cởi mở, đáng tin cậy".

Sau khi rút Mỹ khỏi các thỏa thuận thương mại khu vực, cựu Tổng thống Trump tập trung vào việc gây sức ép với các nước để không hợp tác với Tập đoàn Huawei. Tuy nhiên, đề xuất của Washington đã bị các đối tác thân cận như Nhật Bản và Singapore "xa lánh".

Mặc dù vậy, Mỹ vẫn có động cơ để xúc tiến các hành động dựa trên quy tắc về dữ liệu. Trong khi ông Biden thu hồi lệnh của ông Trump về việc cấm ByteDance TikTok và WeChat của Tencent, chính quyền của ông hiện đang xem xét nền tảng ứng dụng nào của Trung Quốc được coi là quá nhạy cảm đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Bà Claire Chu, nhà phân tích cấp cao của RWR Advisory có trụ sở tại Washington, cho biết, đó là nỗi lo đối với bất kỳ chính phủ nào chào đón các công ty Trung Quốc, vì “việc chuyển dữ liệu là không thể tránh khỏi do quyền nắm bắt dữ liệu và cơ chế giám sát của Bắc Kinh”.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã tìm cách thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu tuân theo khái niệm “chủ quyền mạng”. Trung Quốc đã yêu cầu các công ty kiểm soát dữ liệu, bao gồm thông tin cá nhân như nơi ở, email… và các hành vi trực tuyến của người dùng.

Ông Alex Capri, chuyên gia nghiên cứu ở Quỹ Hinrich tại châu Á, cho biết, cuối cùng, cách tiếp cận của Trung Quốc đối với dữ liệu có thể xung đột với các giá trị của phương Tây về các vấn đề như quyền riêng tư và tính minh bạch.

Chuyên gia Capri nói: “Do đó, việc tiếp xúc nhiều hơn ở Đông Nam Á với các quy tắc và khuôn khổ thương mại kỹ thuật số của phương Tây sẽ khiến các công ty công nghệ Trung Quốc rơi vào thế khó. Chính quyền Bắc Kinh đã nỗ lực để đảm bảo điều đó không xảy ra”.

Vào tháng Một, Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận với Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á - về hợp tác công nghệ và an ninh mạng. Giới truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi là "đòn phản công chiến lược" chống lại Mỹ.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, Đông Nam Á đã trở thành “bàn đạp” cho sự mở rộng toàn cầu của Alibaba; là một trong những thị trường truyền thông sinh lợi nhất của Tencent và là trung tâm cho tham vọng công nghệ tài chính (fintech) của ByteDance cũng như Ant Group.

Mặc dù xu hướng mở rộng đã chậm lại trong năm qua do đại dịch Covid-19, những “gã khổng lồ” công nghệ của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tiếp tục tìm kiếm lợi nhuận ở thị trường nước ngoài.

Vào tháng 3, China Telecom đã mua 40% cổ phần của công ty viễn thông Philippines Dito Telecomnity, trong khi Tencent mở một trung tâm dữ liệu mới ở Indonesia vào tháng 4 và chuẩn bị mở những trung tâm khác ở Bangkok (Thái Lan), Hong Kong (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Frankfurt (Đức) và Bahrain vào cuối năm nay để phục vụ tham vọng mở rộng dịch vụ đám mây.

Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam