Tin tức

Thái Lan: Hoàn tất các nghiên cứu gia nhập Hiệp định CPTPP

16/07/2021    210

Những nghiên cứu cuối cùng về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Thái Lan đã được hoàn tất và sẵn sàng để trình nội các xem xét trong vài tuần tới trước khi chính phủ nước này đưa ra quyết định có nộp đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP hay không.

Thứ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, Sansern Samalapa, cho biết nếu nội các thông qua các nghiên cứu cuối cùng do Ủy ban Chính sách Kinh tế Quốc tế thực hiện và “bật đèn xanh” cho nước này tham gia CPTPP, Thái Lan sau đó sẽ đệ trình thư xin gia nhập Hiệp định.

Ông Sansern cho biết các nghiên cứu của Ủy ban Chính sách Kinh tế Quốc tế do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Don Pramudwinai chủ trì đã tìm ra cả lợi ích và hạn chế từ việc gia nhập CPTPP. 

Lợi ích của việc gia nhập là thúc đẩy hơn nữa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Nếu Thái Lan bỏ lỡ cơ hội gia nhập Hiệp định CPTPP, tương đương với bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Tuy nhiên, có một số vấn đề nhạy cảm trong CPTPP mà Thái Lan cần chú ý như bảo hộ giống cây trồng mới, đa dạng sinh học, sở hữu trí tuệ và mua sắm công. “Nhiều bên liên quan vẫn cho rằng đây là những cam kết khó khăn và Thái Lan cần thời gian để điều chỉnh cho phù hợp với những vấn đề nhạy cảm đó” Ông Sansern nói "Theo ý kiến cá nhân tôi, Thái Lan không nên gia nhập Hiệp định nếu chưa sẵn sàng".

Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ năm 2019, nhằm xóa bỏ các rào cản thương mại giữa 11 quốc gia thành viên với thị trường gần 500 triệu người ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Vào tháng 4/2020, nội các Thái Lan đã hoãn quyết định gia nhập CPTPP do sự phản đối gay gắt từ các chính khách, nhóm hoạt động xã hội và các chuyên gia. Các nhóm này cho rằng gia nhập CPTPP sẽ gây thiệt hại đến nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế. Giữa những lo ngại đó, tháng 5/2020, nội các Thái Lan đã đồng ý thành lập hội đồng nghiên cứu việc gia nhập CPTPP. 

Các nghiên cứu của hội đồng trên đã chỉ ra rằng CPTPP sẽ gây thiệt hại nặng nề tới những nông dân sản xuất quy mô nhỏ nếu Thái Lan trở thành thành viên của Liên minh quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV 1991), theo yêu cầu của CPTPP. Các nghiên cứu cũng cho thấy nguồn quỹ của Thái Lan dành cho việc khắc phục tác động từ các FTA sẽ không đủ để chi trả cho tất cả các phân khúc sẽ bị ảnh hưởng bởi Hiệp định. Hội đồng cũng bày tỏ lo ngại về việc mở cửa thị trường cho hàng tân trang, có thể dẫn đến nguy cơ Thái Lan nhập khẩu thiết bị y tế chất lượng thấp.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập lược dịch từ BangkokPost