Thu hút FDI: RCEP - yếu tố quan trọng tác động “cuộc chơi”?
14/07/2021 231Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết cuối năm 2020. Theo đó, RCEP loại bỏ và giảm thuế quan, cắt giảm quy định, đơn giản hóa và giảm các hạn chế về quy tắc xuất xứ (ROO) và thủ tục giấy tờ; tự do hóa một số lĩnh vực dịch vụ... Đặc biệt, RCEP được một số quốc gia coi là yếu tố quan trọng, có thể thay đổi “cuộc chơi” đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Yếu tố thay đổi “cuộc chơi”
Việc hoàn tất RCEP được một số chuyên gia mô tả là yếu tố thay đổi “cuộc chơi”, đã tạo ra nhiều quan tâm. Lý do cho sự quan tâm đó bao gồm các điều khoản của hiệp định; sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (Nhật Bản không có FTA song phương với Hàn Quốc hoặc Trung Quốc)...; và việc tham gia của 5 trong số 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới tính theo GDP, thị trường rộng lớn, hơn 2 tỷ dân của RCEP và ký kết FTA vào thời điểm chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và sự gia tăng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Bất chấp các giới hạn của RCEP - chẳng hạn, FTA đề cập rất ít đến nông nghiệp, tiêu chuẩn lao động, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và trợ cấp - nhiều người dự đoán RCEP có thể tăng thương mại hàng trăm tỷ USD và nhân lên đáng kể GDP của khu vực. Đối với FDI, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) tuyên bố rằng RCEP “có thể thúc đẩy đáng kể FDI trong khu vực”. Một yếu tố thúc đẩy dòng vốn FDI có khả năng tăng cao là việc loại bỏ các cản trở khác nhau đối với việc thành lập và hoạt động kinh doanh ở các quốc gia ký kết. Bên cạnh đó, các thay đổi đối với ROO cũng tạo ra chú ý đặc biệt. Cụ thể, RCEP áp dụng “quy tắc cộng gộp” - Điều này có nghĩa là tất cả các nước ký kết RCEP đều được coi là một khu vực kinh tế, cho phép hàng hóa có xuất xứ từ một quốc gia thành viên được sử dụng làm đầu vào để sản xuất một sản phẩm mới ở một quốc gia thành viên khác được coi là có xuất xứ tại quốc gia thành viên thứ hai. Ví dụ, bông từ Trung Quốc được chế biến tại Việt Nam sẽ được coi là có xuất xứ tại Việt Nam khi Việt Nam xuất khẩu sản phẩm cuối cùng sang một nước RCEP khác. Điều này sẽ khuyến khích các công ty trong khu vực RCEP dành sự quan tâm mới đến các địa điểm sản xuất có chi phí thấp hơn như Việt Nam.
Đối với các lĩnh vực phi dịch vụ, RCEP áp dụng cách tiếp cận danh sách chọn bỏ đối với các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt và khai khoáng. Về tự do hóa khu vực dịch vụ, RCEP áp dụng hệ thống hai cấp với Australia, Brunei, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc cam kết tiếp cận theo danh sách chọn bỏ trong khi Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, New Zealand, Philippines, Thái Lan, và Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận danh sách chọn cho (nghĩa là cam kết chi tiết về tự do hóa).
Vẫn còn quá sớm
Mặc dù còn quá sớm để đưa ra bất kỳ đánh giá chính xác nào về tác động của RCEP lên FDI, vì hiệp định vừa được ký cách đây chưa đầy một năm và nhiều bên ký kết vẫn chưa phê chuẩn. Hơn nữa, hoạt động kinh tế toàn cầu - đặc biệt là dòng vốn FDI - đã và đang tiếp tục bị gián đoạn nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đưa ra những kỳ vọng liên quan đến sự thay đổi mạnh mẽ về khối lượng và điểm đến của FDI.
Thứ nhất, các rào cản thương mại giảm là yếu tố không khuyến khích FDI vì việc thoát khỏi các hàng rào thuế quan và phi thuế quan là một cơ sở lý luận quan trọng cho FDI. Thứ hai, một tỷ lệ rất lớn FDI vào các nước trong khu vực RCEP liên quan đến các động lực đầu tư như quy mô thị trường hoặc tài nguyên thiên nhiên. Thứ ba, việc Trung Quốc kiểm soát thành công Covid-19 trong phạm vi biên giới và đặc tính sản xuất ấn tượng - cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, sự ổn định về chính trị và lực lượng lao động - kết hợp với thị trường rộng lớn sẽ giữ một tỷ lệ lớn FDI tập trung vào Trung Quốc. Thứ tư, rất có thể các nhà đầu tư nước ngoài lớn trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không đầu tư vào khu vực RCEP mà vào các khu vực phát triển và đang phát triển khác trong tiếp cận thị trường, nguồn lực và làm hài lòng các đối tác lớn. Động lực cuối cùng này đã được chứng kiến khi các tập đoàn đa quốc gia của Hàn Quốc như Huyndai và Samsung hứa hẹn đầu tư hàng chục tỷ USD vào Mỹ trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In. Thứ năm, có thể việc thực hiện RCEP khó đạt được mức lý tưởng, với các nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều nước ASEAN không đạt được tiến bộ đầy đủ trong việc cắt giảm các hàng rào phi thuế quan. Cuối cùng, mặc dù RCEP cung cấp các giải pháp giải quyết tranh chấp giữa các nước, Ban Thư ký RCEP và các cuộc họp thường xuyên được thiết kế để duy trì việc thực hiện đúng tiến độ và cung cấp nền tảng để cải thiện RCEP, vẫn còn phải xem các cơ chế đó sẽ hoạt động mạnh như thế nào. Hơn nữa, RCEP không cung cấp giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước, điều này hữu ích hơn cho các doanh nghiệp.
Dựa trên các phân tích, RCEP không đảm bảo một trật tự thế giới mới cho FDI. Các quốc gia muốn thu hút FDI không thể chỉ dựa vào RCEP hoặc những thay đổi về ROO. Họ phải tiếp tục xây dựng, cùng với những thứ khác như thị trường, cơ sở hạ tầng và các cụm chuỗi cung ứng, đồng thời giảm bớt các rào cản theo luật (de jure) và trên thực tế (de facto) đối với dòng vốn, hàng hóa và con người. Đối với các công ty trong khu vực, có thể thu được lợi ích từ việc chuyển dịch sản xuất sang các địa điểm có chi phí thấp hơn, nhưng xuất khẩu có thể là một con đường khả thi hơn để trở nên giàu có vì nó không đòi hỏi tất cả các yếu tố văn hóa, hoạt động và chính trị phức tạp mà các nhà đầu tư phải đối mặt.
Hiệp định RCEP được ký kết vào cuối năm 2020, giữa các quốc gia thành viên của ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã có FTA, gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Nguồn: Báo Công Thương
- Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố tám hành vi gian lận phi thuế quan
- Bắc Kinh cảnh báo các nước không được ký thỏa thuận thương mại với Mỹ gây tổn hại cho Trung Quốc
- Giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó thuế đối ứng từ Hoa Kỳ: 'Trong nguy luôn có cơ'
- Làm sao để tận dụng hết dư địa từ các FTA?
- ‘Chìa khóa’ giúp doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường mới khi chuyển hướng