Tin tức

Xuất khẩu tăng trưởng cao bất chấp dịch bệnh

21/06/2021    39

Bất chấp khó khăn, với sự nỗ lực từ Nhà nước và DN, Việt Nam đã chạm tới mức tăng trưởng XK cao kỷ lục trong 5 tháng đầu năm nay. Tuy sẽ có những tác động tiêu cực từ dịch bệnh, song dự báo, hoạt động XNK sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới.

Xuất khẩu tăng cao nhất 10 năm

 

Theo Bộ Công Thương, tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2021, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước. 5 tháng qua, có 22 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch XK.

Tổng kim ngạch XNK hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 duy trì đà tăng cao, đạt 262,25 tỷ USD, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,6%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,7%.

Đặt trong tương quan so sánh chặng đường dài XK, chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương đánh giá, so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm của các năm từ 2012 đến nay, mức tăng trưởng XK 5 tháng đầu năm 2021 là mức tăng trưởng cao nhất. Không chỉ vậy, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất nếu so với mức tăng trưởng chung từ năm 2012 trở lại đây.

“Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đến nay là làn sóng dịch nghiêm trọng nhất, lần đầu tiên ảnh hưởng tới các khu công nghiệp lớn, đặc biệt là tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Bởi vậy, kết quả XK đạt được tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2021 rất ấn tượng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế nước ta nói chung và tới XK nói riêng”, chuyên gia Lê Quốc Phương nhấn mạnh.

Đi sâu phân tích góc độ ngành hàng dễ thấy, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK nhóm hàng công nghiệp chế biến và nhóm hàng nông, lâm, thủy sản vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhóm nhiên liệu khoáng sản vẫn trong xu hướng giảm. Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho thấy, XK nông, lâm, thuỷ sản 5 tháng qua ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm trước.

Gỗ và sản phẩm phẩm gỗ luôn là nhóm hàng duy trì sức tăng trưởng đều đặn nhất trong XK nông, lâm, thuỷ sản nói chung, bất chấp đại dịch Covid-19 diễn ra suốt từ năm 2020 đến nay. Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, GS.TS Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) đánh giá thời gian qua, tăng trưởng XK mạnh mẽ là một trong những chỉ tiêu quan trọng phản ánh sự phát triển của toàn ngành lâm nghiệp. Đà XK đang phát triển tốt, đây không phải là kết quả của một năm, của riêng ngành, mà là của cả quá trình và của cả hệ thống.

Với nhóm hàng công nghiệp chế biến, dù tăng trưởng chậm lại trong 2 tháng gần đây, nhưng Bộ Công Thương nêu rõ, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK vẫn duy trì mức tăng trưởng cao 34,3% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 113,05 tỷ USD, chiếm 86,3% tổng kim ngạch XK của cả nước. Đà tăng trưởng này đến từ hầu hết các mặt hàng chủ chốt như: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng... Đáng chú ý, XK hàng dệt, may mặc và giày dép các loại cũng có sự phục hồi rõ nét trở lại với mức tăng trưởng 15% và 26,4% so với 5 tháng năm 2020.

Xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hoạt động XNK sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương Quốc Anh (UKFTA)… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy XK tăng trưởng mạnh.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, giá hàng hóa XK cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị XK. Ngoài ra, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vắc xin, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại. Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh XK các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhìn nhận, làn sóng Covid-19 thứ 4 ập đến, tạo ra nhiều thách thức cho các DN. Tuy vậy, đà hồi phục của ngành Dệt may sẽ không vì thế mà chững lại. Hiện tại, các DN trong ngành dệt may đang nhận rất nhiều đơn hàng. Có những DN đã có đủ đơn hàng sản xuất cho đến hết năm nay. Bởi vậy, mục tiêu XK năm nay hoàn toàn có thể đạt được.

Ngoài các yếu tố thuận lợi, hoạt động XNK của Việt Nam được dự báo có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành trọng điểm ở khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội… là những địa phương có quy mô kim ngạch XNK đứng đầu của cả nước. Trong khi đó trên thế giới, châu Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng nhanh chóng, khiến hàng loạt thị trường như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia hay Thái Lan phải áp đặt phong tỏa và thắt chặt các biện pháp kiểm soát nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

“Bản thân DN phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương nhấn mạnh. Trong nửa cuối năm 2021, Bộ Công Thương xác định sẽ thúc đẩy XK thông qua củng cố và mở rộng thị trường XK, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời…

Nguồn: Báo Hải quan