Tin tức

Trung Quốc tăng mua, xuất khẩu nông sản tự tin “nhắm” 44 tỷ USD

18/06/2021    114

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sang Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng khá ấn tượng. Mặc dù bị tác động lớn của dịch Covid-19, song toàn ngành nông nghiệp đang nỗ lực đưa xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản cả năm cán đích 44 tỷ USD.

Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 22,58 tỷ USD, tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có trị giá xuất khẩu tăng cao như: Cao su (tăng 93,9%); chè (tăng 10,4%), hạt điều (tăng 4,9%), sắn và sản phẩm từ sắn (tăng 27,5%)…

Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, giữa bối cảnh khó khăn, chính sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường dưới sự hỗ trợ, tạo điều kiện của ngành chức năng đã làm nên kỳ tích này.

Đáng chú ý nhất trong hoạt động xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản những tháng đầu năm nay là tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, Việt Nam đã có 9 loại trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt. Hàng năm, số lượng xuất khẩu trái cây tươi là 3,3 - 3,5 triệu tấn/năm.

Trong 5 tháng đầu năm 2021, lượng hàng xuất khẩu trái cây tươi đã xuất khẩu được 2,5 triệu tấn, bằng 76,2 % so với cả năm 2020.

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, để đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc, đến nay, Bộ đã cấp được 1.703 mã số vùng trồng với diện tích 178.697 ha và 1.776 mã số cơ sở đóng gói cho các sản phẩm này. Đối với quả xoài, đến nay đã cấp được 280 mã số vùng trồng với diện tích 34.453 ha; đối với thanh long đã cấp được 252 mã số vùng trồng với diện tích 46.541 ha.

Hiện tại, Trung Quốc đang đồng ý xem xét phương án cho xuất khẩu tạm thời hai mặt hàng là khoai lang và ớt. Bộ NN&PTNT đã giao Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phối hợp với các địa phương hoàn tất hồ sơ kỹ thuật để gửi cho phía Trung Quốc.

Tự tin “nhắm” đích 44 tỷ USD

Năm 2021, ngành NN&PTNT phấn đấu tăng trưởng ở mức khoảng 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản trên 3%; kim ngạch xuất khẩu phải đạt 44 tỷ USD...

“Mặc dù bị tác động lớn của dịch Covid-19, song đến nay toàn ngành vẫn đang nỗ lực phân đấu để đạt được các mục đề ra theo nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ”, đại diện Bộ NN&PTNT nhấn mạnh.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng kho dữ liệu ngành, lĩnh vực, khối sản xuất để đánh giá tình hình và kịp thời tham mưu các chính sách phù hợp với tình hình thực tế; bên cạnh đó, thực hiện rà soát, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy mô, sản lượng, nhất là các sản phẩm nông sản có tính chất mùa vụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Khuyến khích, hỗ trợ các nhà máy chế biến nông sản tăng cường việc sơ chế, chế biến các sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon, thủy sản đồ hộp, chế biến, gạo, gia cầm chế biến… để chuẩn bị tốt nhất phương án hậu dịch Covid-19 cho thị trường xuất khẩu chủ lực là Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ.

Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính thực hiện hỗ trợ về chính sách thuế, tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến bảo quản và xuất khẩu nông sản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, nông dân...

Phối hợp với Bộ Công Thương thành lập Tổ công tác liên ngành nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; phối hợp UBND các tỉnh biên giới chỉ đạo các trạm kiểm dịch, hải quan tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thủ tục thông quan xuất khẩu nông sản...

Bộ NN&PTNT kiến nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó, lấy người nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, là cơ sở và nông nghiệp là động lực; chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp và theo chuỗi liên kết giá trị ngành hàng.

5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc chiếm 22,6% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam.

Trong đó đáng chú ý, xuất khẩu nhiều mặt hàng rau quả sang Trung Quốc tăng ấn tượng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xuất khẩu mặt hàng thanh long đạt gần 1,2 triệu tấn, tăng 138% so với cùng kỳ năm trước và đạt 62,18% kế hoạch năm; xoài đạt trên 468 nghìn tấn, tăng 156,87% so với cùng kỳ năm trước và đạt 112,33% kế hoạch năm; dưa hấu đạt trên 290 nghìn tấn, tăng 131,80% so với cùng kỳ năm trước và đạt 127,00% kế hoạch năm.

Riêng mặt hàng vải thiều, tính đến ngày 13/6/2021, sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc đã đạt trên 51 nghìn tấn, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước và đạt 68% sản lượng xuất khẩu của cả năm 2020.

Nguồn: Báo Hải quan