Tin tức

Nghị định thư sửa đổi AJCEP có hiệu lực: Ý nghĩa đối với các nhà đầu tư tại Việt Nam

01/06/2021    1064

Ngày 01 tháng 08 năm 2020, Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) giữa Nhật Bản và năm nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có hiệu lực.

Trong khi AJCEP lần đầu tiên được thực hiện vào tháng 12 năm 2008, nghị định thư thứ nhất sửa đổi FTA sẽ thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản, Lào, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Để hiểu rõ tác động của Nghị định thư này đối với các doanh nghiệp và cơ hội đầu tư tại Việt Nam, Vietnam Briefing sẽ bàn đến những thay đổi lớn của Nghị định thư mới.

Nền tảng

AJCEP là Hiệp định thương mại tự do đa phương (FTA) đầu tiên của Nhật Bản dựa trên các Hiệp định Đối tác Kinh tế song phương (EPA). EPA là những Hiệp định được ký kết bởi hai hoặc nhiều quốc gia nhằm tạo ra một khu vực thương mại tự do liên quan đến sự tham gia và hội nhập kinh tế song phương giữa các nước.

Trước đó, Việt Nam và Nhật Bản cũng đã ký một Hiệp định EPA có tên là Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) mang đến nhiều ưu đãi hơn cho thương mại và đầu tư song phương so với AJCEP. Hai FTA này có thể cùng tồn tại và các doanh nghiệp có thể lựa chọn để áp dụng hiệp định nào có lợi hơn tùy theo hoạt động của mình.

Nghị định thư thứ nhất sửa đổi AJCEP đã chỉnh sửa sao cho đặc biệt phù hợp với 3 quốc gia không có FTA song phương với Nhật Bản là Lào, Myanmar và Campuchia. Hơn nữa, Nghị định thư này cũng bao gồm các quy định mới và cam kết tự do hóa từ các nước ASEAN không nằm trong EPA song phương và các thỏa thuận liên quan.

Thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản và ASEAN

Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), ASEAN là đối tác  thương mại lớn thứ ba của Nhật Bản sau Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) và Mỹ. Năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và ASEAN đạt 214 tỷ USD, trong đó Nhật Bản đã nhập siêu 2 tỷ USD.

Nhật Bản cũng bị thu hút bởi tiềm năng thị trường ngày càng mở rộng và cởi mở hơn của ASEAN. Trong 5 năm qua, các nhà đầu tư Nhật Bản đã phân bổ trung bình 20 tỷ USD mỗi năm vào khu vực này.

Tính đến năm 2019, có hơn 13.0000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Đông Nam Á và có hơn 200.000 công dân Nhật Bản đang sinh sống và làm việc trong khu vực này. Một cuộc khảo sát của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) vào năm 2019 cho thấy hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm cách mở rộng kinh doanh ở các nước ASEAN trong những năm tới, đặc biệt là Việt Nam, Indonesia và Thái Lan.

Chính phủ Nhật Bản cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang ASEAN để đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tranh chấp lãnh thổ Nhật – Trung và đại dịch COVID-19 đang diễn ra.

Để đạt được hiệu quả này, chính phủ Nhật Bản đã ban hành một quỹ hỗ trợ kinh tế trị giá 2,4 tỷ USD vào tháng 4 để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đưa ngành sản xuất trở lại và mở rộng sang các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Ý nghĩa của Nghị định thư này đối với Việt Nam

Nhật Bản là một trong những đối tác thương mại, nhà đầu tư và nhà cung cấp viện trợ nước ngoài hàng đầu của Việt Nam. Trong những năm gần đây, Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn và là lựa chọn chuyển dịch chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp Nhật Bản.

Theo JETRO, 64% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hoạt động hiện tại tại Việt Nam và 43% doanh nghiệp được hỏi cho rằng Việt Nam là sự lựa chọn chuyển dịch đầu tiên của họ.

Trong bối cảnh đó, Nghị định thư này hướng tới việc thúc đẩy, tạo thuận lợi và bảo vệ các cơ hội thương mại và đầu tư của Nhật Bản tại các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.Tương tự, Việt Nam cũng đưa ra cam kết chính cho phép tiếp cận thị trường, nới lỏng các quy định về hiện diện thương mại và di chuyển thể nhân đối với một số ngành công nghiệp và dịch vụ nhằm thu hút thêm đầu tư và gặt hái cơ hội thương mại từ Nhật Bản.

Cung cấp dịch vụ xuyên biên giới dễ dàng hơn

Việt Nam dự kiến sẽ xóa bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với việc cung cấp xuyên biên giới phần lớn các dịch vụ bao gồm pháp lý, kế toán và kiểm toán, thuế, kỹ sư và kỹ sư tổng hợp, y tế và nha khoa, máy tính và các dịch vụ liên quan, hoạt động R&D trong khoa học tự nhiên, nghiên cứu thị trường và tư vấn quản lý, giáo dục, dịch vụ quảng cáo,...

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cho phép các pháp nhân nước ngoài hiện diện trong hầu hết các dịch vụ nói trên, với một số ngoại lệ và quy định cụ thể đối với các dịch vụ như kỹ thuật, y tế và nha khoa, nông nghiệp và dịch vụ sản xuất ngẫu nhiên.

Ví dụ, Nghị định thư cho phép thành lập bệnh viện 100% vốn đầu tư nước ngoài với số vốn tối thiểu là 20 triệu USD và cũng cho phép các doanh nghiệp nước ngoài từ Nhật Bản và các thành viên khác của AJCEP tiến hành kinh doanh dịch vụ kỹ thuật.

Sự di chuyển của các chuyên gia kinh doanh

Sự di chuyển thể nhân đề cập đến việc công dân và người đang thường trú từ bất kỳ nước thành viên nào của AJCEP di chuyển ra nước ngoài để cung cấp dịch vụ thương mại. Trong Nghị định thư này, Việt Nam đã cấp thời hạn lưu trú 90 ngày cho nhân viên kinh doanh dịch vụ, cá nhân kinh doanh chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng nước ngoài khác.

Những cá nhân di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp (người quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia) của các công ty nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam sẽ được cấp giấy phép nhập cảnh và lưu trú trong thời gian ban đầu là 3 năm. Điều này có thể được gia hạn, tùy thuộc vào thời hạn hoạt động của các thực thể đó tại Việt Nam.

Về phía Nhật Bản, các doanh nhân Việt Nam hiện có thể xin thị thực đầu tư và kinh doanh ngắn hạn hoặc dài hạn. Các chuyên gia trong một số lĩnh vực như pháp lý, kế toán, thuế và các nhà cung cấp dịch vụ đủ điều kiện có thể ở lại Nhật Bản tối đa 5 năm. Điều này cũng có thể mở rộng cho vợ/chồng và con cái của họ.

Những điểm chính

Nghị định thư cho phép ASEAN và Nhật Bản chia sẻ các nguồn lực lớn sẵn có thông qua hợp tác chung để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của cả ngành sản xuất và dịch vụ. Các thương nhân trong nước cũng có thể tận dụng cơ sở tìm nguồn cung ứng lớn hơn. Ví dụ, họ có thể sử dụng nguyên liệu thô hoặc nguyên liệu trung gian từ bất kỳ thành viên AJCEP nào để được hưởng mức thuế ưu đãi.

Thỏa thuận sửa đổi cũng có lợi cho Nhật Bản, vì nó giúp các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ, dễ dàng thiết lập cơ sở tại các nước ASEAN khác nhau, trong đó có Việt Nam, và di chuyển các thành phần và sản phẩm qua biên giới như thể đó là một chuỗi lắp ráp xuyên quốc gia.

Đối với Việt Nam, AJCEP cung cấp các lợi ích bổ sung về việc xóa bỏ thuế quan ngay lập tức và nhanh chóng đối với các sản phẩm và dịch vụ không thuộc VJEPA.

Nguồn: Vietnam Briefing, lược dịch bởi Trung tâm WTO và Hội nhập