Tin tức

Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn ‘bình yên’ khi không còn ưu đãi GSP từ EAEU

29/05/2021    664

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều đang được hưởng thuế suất 0% trong Việt Nam - EAEU FTA. Trong khi, thuế suất GSP của những mặt hàng này dao động từ 3,75%-18,75%. Nên ngừng GSP không tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam...

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) trước những lo ngại cho rằng, không còn Hệ thống ưu đãi thuế quan thống nhất (GSP), xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) sẽ bị ảnh hưởng.

 EAEU và Việt Nam đã có FTA

Ngày 5/3/2021, Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á-Âu (EEC) – Cơ quan hành pháp của EAEU đã ban hành Quyết định số 17 sửa đổi Quyết định số 130 ngày 21/11/2009, cập nhật lại danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển được quyền hưởng ưu đãi theo GSP của Liên minh. Theo đó, 75 nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và hai nước kém phát triển sẽ ngừng được hưởng ưu đãi của hệ thống này từ ngày 12/10/2021. 

Đi sâu phân tích về GSP, bà Ngọc cho rằng, GSP là việc dành ưu đãi thuế quan đơn phương đối với hàng hóa có xuất xứ từ các nước đang phát triển và/hoặc các nước kém phát triển nhất. Việc dành ưu đãi này nhằm hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển và kém phát triển, cho phép ưu đãi về thuế quan nhập khẩu đối với các mặt hàng mà nhóm các nước này quan tâm.

Theo đó, hàng hóa nhập khẩu từ các nước này, nếu có Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu A (C/O form A) chứng minh nguồn gốc xuất xứ từ các nước trong Danh sách các nước GSP, thì sẽ được hưởng mức thuế suất nhập khẩu bằng 75% thuế suất trong Biểu thuế hải quan chung của EAEU (tức là 75% của thuế MFN). Nhóm các nước kém phát triển được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%.

Với EAEU, bà Ngọc cho rằng, tiêu chí được hưởng ưu đãi GSP theo Quyết định số 47 ngày 6/4/2016 của EAEU quy định: các nước đang phát triển là các nước không được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào nhóm các nước có thu nhập cao hoặc các nước có thu nhập trên trung bình.

Một quốc gia đáp ứng tiêu chí trên nhưng vẫn có thể không được đưa vào hoặc bị loại khỏi danh sách các quốc gia đang phát triển, trong các trường hợp cụ thể. Như thu nhập của quốc gia được WB xác định là cao hoặc trung bình trong vòng hai năm liên tiếp.

Cùng với đó, tỷ trọng của nước này trong kim ngạch xuất khẩu thế giới đã đạt hoặc vượt quá 1% trong vòng hai năm liên tiếp theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Đặc biệt, quốc gia ký kết hoặc đã có Hiệp định ưu đãi về thương mại với Liên minh sau ngày Quyết định số 47 có hiệu lực (6/4/2016) hoặc quốc gia có Hiệp định ưu đãi về thương mại với một/các nước thành viên của EAEU theo khoản 1 Điều 102 của Hiệp ước EAEU.

Cuối cùng, là quốc gia đã được Liên hợp quốc đưa vào danh sách các nước kém phát triển. “Như vậy, có thể thấy theo quy định trên, cho phép EAEU có quyền ngừng cung cấp ưu đãi GSP cho một quốc gia nếu có ký kết FTA với Khối này”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, EAEU đã cho Việt Nam tiếp tục hưởng chế độ GSP thêm 5 năm sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (Việt Nam – EAEU FTA) có hiệu lực kể từ tháng 10/2016.

 Thuế suất GSP cao hơn nhiều FTA

Như đã nêu ở trên, mục đích của GSP là nhằm hỗ trợ nhóm các nước đang phát triển, kém phát triển. Do vậy, các mặt hàng được ưu đãi thuế quan hầu hết là những mặt hàng thế mạnh của nhóm các nước này (mà không phải là các mặt hàng thế mạnh của EAEU).

Các mặt hàng trên cũng là quan tâm chính của Việt Nam. Vì thế, Việt Nam đã tập trung trong đàm phán Việt Nam -EAEU FTA. Yêu cầu EAEU cắt giảm thuế quan ngay hoặc có lộ trình, trên cơ sở trao đổi có đi có lại với phía bạn.

“Do vậy, qua rà soát về các mức thuế đối với các mặt hàng trong danh mục được hưởng ưu đãi GSP, tính từ 1/1/2022 hầu hết các mặt hàng đều có thuế suất trong Việt Nam - EAEU FTA thấp hơn thuế suất GSP của EAEU”, bà Ngọc khẳng định.

Về cơ bản chúng ta đã có Việt Nam – EAEUFTA nên diện mặt hàng nằm trong GSP rất nhỏ, trị giá không lớn. Các ưu đãi trong FTA bền vững hơn, quy mô rộng hơn, nhiều mặt hàng hơn. Về cơ bản, dỡ GSP không có tác động lớn với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. GSP trên thị trường EAEU không giống như GSP của EU hay Hoa Kỳ. Đây là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, áp dụng GSP trên diện rộng, do đó GSP sẽ có tác động nhiều hơn.

Ngoại trừ một số trường hợp như gạo. Tuy nhiên, Việt Nam hàng năm được xuất khẩu 10.000 tấn gạo sang EAEU với thuế suất 0% theo hạn ngạch thuế quan.

Hay sản phẩm từ rơm, thảm dệt tay hoặc trải sàn, các loại đá, một số bộ phận đồ nội thất, lược chải tóc, theo bà Ngọc các mặt hàng này không phải là quan tâm xuất khẩu chính của Việt Nam.

Năm 2021, thuế suất đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như nông sản (thịt động vật, cá, rau củ, trái cây, cà phê...) hầu hết đều đang được hưởng thuế suất 0% trong Việt Nam-EAEU FTA. Trong khi thuế suất GSP của những mặt hàng này hiện đang dao động từ 3,75%-18,75%.

Ngoài ra, mặt hàng dệt may cũng thuộc các nhóm hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh và được hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định nhưng không nằm trong danh sách mặt hàng được hưởng ưu đãi GSP.

“Do đó, hoàn toàn có thể khẳng định việc ngừng hưởng ưu đãi GSP sẽ không có tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang các nước thành viên EAEU trong thời gian tới”, bà Ngọc nhấn mạnh.

Theo số liệu của Ủy ban kinh tế Á-Âu (EEC), xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này năm 2019 đạt trên 4,221 tỷ USD, năm 2020 là 4,471 tỷ  USD. Quý 1/2021 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020.

Liên bang Nga vẫn chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch XNK giữa EAEU với Việt Nam (92,8% lượng xuất khẩu và 88,1% lượng nhập khẩu).

Các nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao vào khu vực EAEU trong quý 1/2021  bao gồm: cá đông lạnh (tăng 4,4 lần), động vật giáp xác (tăng 3,8 lần), động vật thân mềm (tăng 2 lần).

Một số nhóm hàng xuất khẩu nổi trội là bộ điện thoại (đạt 419 triệu USD, tăng 50%), các bộ phận thiết bị truyền hình (79 triệu USD, tăng 2,4 lần). Tuy nhiên, các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, dệt may, cá khô có xu hướng giảm nhẹ.

Nguồn: Tạp chí VnEconomy